Chuyện vỉa hè: Ăn gì?

06/10/2012 06:20 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Giá vàng cao nhất trong năm và người Việt uống bia nhiều nhất Đông Nam Á. Hai cái nhất này, nói thật, chẳng có gì để vui hay hãnh diện. Đất nước nghèo, mà trong năm 2011 “ngốn” gần 2,6 tỷ lít bia, vượt xa hai nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan và Philippines. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, tiêu thụ bia ít nhất trong khu vực là Myanmar, chỉ có 30,4 triệu lít. Philippines đứng thứ ba kém mình 1,6 tỷ lít.

>> Chuyên đề Lối sống đô thị

Khiếp, người Việt Nam uống nhiều thế! Dân chè chén năm xu bần thần tính toán với nhau. Ngần ấy bia ắt phải đi kèm một lượng mồi tương xứng, tốn kém càng nhiều. Trong khi giá cả tăng hàng tuần, giá xăng giá gas tăng, giá bia cũng tăng, mà uống bia nhiều khiếp khủng như thế chứng tỏ dân mình vẫn luôn coi cái sự ăn uống là niềm vui quan trọng nhất. Uống thế, người nhà các bợm nhậu ăn bằng cái gì không biết?

Hỏi là hỏi thế thôi, chứ câu trả lời chẳng quan trọng. Ăn bằng cái gì chưa phải là vấn đề, mà việc ăn gì ấy, nói chung đã có chính quyền lo. Chính quyền lo cho dân cực kỳ chi tiết. Chẳng hạn, mới nhất gần đây là dự thảo chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong tiệc cưới ở Hà Nội, bà con đọc xong tý nữa thì… bật cười.

Đảng viên cưới không được mời quá 300 người

Chẳng hiểu họp bàn thế nào mà đưa ra quy định cán bộ, đảng viên không được mời cưới quá 300 người (tương đương 50 mâm).

Nhà họ hàng ít, cơm chẳng đủ ăn, dễ làm mươi mâm đã khó, chẳng cần quy định. Nhà giàu mấy đời thành phố, quen biết nhiều, quan hệ rộng… chẳng lẽ có ban giám sát đến đếm mâm bắt họ chỉ được đặt… vừa vừa thôi. Nhà quê ngả mấy con lợn tổng cộng dăm triệu làm cả trăm mâm, theo kiểu cỗ quê vài món, có so được với những đám trọc phú đặt cỗ cao cấp mỗi suất ăn đáng hàng triệu… Ai lại đi quy định thế? Làm đám cưới từ xưa đến nay, kinh tế mỗi nhà một cảnh, văn hóa mỗi nhà một khác, quan hệ họ hàng, xóm giềng, bè bạn… của mỗi gia đình cũng chẳng giống nhau. Làm như cứ cấm là khoảng cách giàu nghèo trong xã hội bớt đi, cấm là người ta trở nên tiết kiệm, bớt phô trương, lãng phí, bớt nạn phong bao, phong bì ấy đi… Đời bao nhiêu việc để bàn bạc, để làm đến nơi đến chốn, chẳng hạn quy định cấm đổ rác ra đường, đổ rác phải phạt bao nhiêu, thì còn lợi ích, chứ những việc chẳng ra đâu vào đâu cũng đi quy định, ban hành rồi dân lại tìm cách lách, không theo.

Riêng cái quy định này, tôi thấy người ta có vẻ quay lại thời tư duy lạc hậu bác ạ! Một anh bạn chè chén vỉa hè bảo N. như vậy.

Tôi thì thấy nó… trẻ con! Một ông khác bảo. Hôm qua tôi xem chương trình Đồ rê mí, thấy người ta hỏi trẻ con: Con nhận biết con thỏ bằng cách nào? Cháu bé trả lời: bằng củ cà rốt ạ! Trẻ con thông minh phết, tai dài mắt hồng là thứ đính vào được, hóa trang được, chứ ăn gì là rõ con nào ra con nấy. Mèo có ăn cà rốt đâu. Tư duy như vậy nên mới giới hạn 50 mâm cỗ cho đám cưới...

Không! Tôi đoán mấy vị ấy con cái cưới cả rồi nên làm quy định cho người khác theo. Sắp mùa cưới, đem quy định ấy ra áp dụng rồi phạt có khi kiếm được ối tiền! Một ông khác góp chuyện.

Tóm lại, nghe về chỉ thị nếp sống văn minh này mà rầu cả ruột, vì nó không văn minh. Tuần này giá gas tăng, về nhà lại nghe vợ rên rỉ điệp khúc ăn gì. Anh chẳng cần ăn gì, anh đi ăn cưới, N. bảo. Tuần này mới thứ Ba trong túi đã có đến bốn cái thiệp mời ăn cưới, toàn những đám thường thôi, nhưng có một đám tổ chức chưa đến 300 người, đi trước chỉ thị, có điều ở tận khách sạn Hà Nội Sofitel, tiệc đứng, sang trọng lắm, chẳng biết sẽ phải mừng gấp mấy đám khác. Cưới con sếp, không đi không được, rõ phiền!

Hà Phạm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm