Thất đức!

02/10/2012 06:17 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Bà chủ quán nước chè vỉa hè của N. vốn là người kiệm lời, N. hay ngồi quán của bà vì lẽ ấy. Cứ lặng lẽ rót nước, bóc thuốc, hay mở lọ kẹo vừng… đặt trước mặt khách, không nói một câu. Có chuyện để kể cũng chỉ dăm ba điều, rồi thôi. Thế mà hôm nay, quán vắng, N. vừa ngồi xuống, bà chủ đã rên lên như để giãi bày tâm sự: “Thất đức, đúng là thất đức…!”.

>> Chuyên đề Lối sống đô thị

N. chưa vội hỏi. Chuyện thất đức đầy rẫy khắp nơi. Tuần trước, nào đổ xăng đốt cả họ, nào con cái đẩy bố đẻ mới ốm dậy ra nằm đường… Tuần này, báo chí bịa đặt vụ bố chồng dính con dâu. Bao nhiêu chuyện đọc xong muốn ói, bao nhiêu chuyện nghe xong không muốn kể, không muốn nhớ. Không biết bà chủ quán còn bức xúc chuyện gì?

Chuyện bức xúc của bà ấy, một lúc sau nghe đầy đủ, là chuyện cơm từ thiện bán trước cổng bệnh viện Nhi Trung ương. N. đã nghe chuyện ấy. Cơm 5.000 bán mới có vài tháng, vào cái thời giá cả tăng vùn vụt, miếng ăn khó khăn với người nghèo, nhất là với gia đình các bệnh nhi từ nông thôn dắt díu lên bệnh viện trung ương chữa bệnh cho con, chừng ấy tiền có được một bữa ăn là quý lắm. Thế mà, quán cơm 5 nghìn bị bệnh viện xua đuổi, cả nhóm có tên Đồng hành thiện nguyện, phát cháo sáng cho bệnh nhi ở đây cũng bị xua đuổi và cấm. Lý do nghe nghiêm túc lắm: bệnh viện bảo chưa kiểm tra độ an toàn thực phẩm, xảy ra ngộ độc thì phức tạp…

Muốn làm việc thiện hóa ra không dễ!

N. nghe bà chủ quán, mới vào thăm cháu trong viện, kể lại cảnh những thanh niên muốn đem một chút ấm áp tình người đến cho những người bất hạnh hơn mình bị bảo vệ đuổi như đuổi bọn bất lương mà cay mắt. Sống tốt chưa đủ, phải biết tìm chỗ dựa dẫm nữa. Nếu bệnh viện muốn sạch, muốn tốt cho bệnh nhân của mình, thì cho mấy thanh niên một chỗ sạch sẽ để bán cơm, đồng thời kiểm tra vệ sinh thực phẩm. Khổ nỗi, trong bệnh viện có căng-tin, cơm căng-tin bán cho người nhà bệnh nhân cũng rẻ thôi, 25 nghìn đồng/ suất. Muốn phát cho bệnh nhân cũng được, nhưng phải phát suất 25 nghìn ấy, như vậy bình thường mỗi suất 5 nghìn, các bạn làm việc thiện bù thêm 10 nghìn, mua suất ăn của bệnh viện đi phát, phải thêm 20 nghìn… Bọn trẻ đâu có giàu, để có suất cơm 5 nghìn, chúng phải tự lo lắng bươn chải, làm tất mọi việc chợ búa nấu nướng, đem công sức mình chia sẻ bớt nỗi khổ của người khác, vậy mà bị cấm…

Tôi uất lắm, bà chủ quán bảo. Những người nghèo đùm bọc nhau mà cũng khó. Xã hội sao nhiều chuyện lạ như thế mà vẫn để yên? Sao Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội hay Sở gì gì nữa không giúp họ, mấy suất cơm nghèo ấy có làm căng-tin bệnh viện thất thu nhiều không mà phải cấm? Bệnh viện Nhi, những người chăm sóc sức khỏe trẻ em đâu có nghèo đến mức phải kiếm lợi từ việc bán mấy suất ăn trong căng-tin? - Bà nói. Hay là tại mấy chủ thầu căng-tin? Gì thì chẳng qua cũng là vì lối suy nghĩ chỗ nào kiếm ăn được là không cho người khác đặt chân vào. Ở chỗ chữa bệnh cứu người mà còn làm thế! Thất đức!

Chén trà đắng ngắt trong miệng N. Phố đã heo may, chẳng mấy nữa trời sẽ lạnh. Năm ngoái vào thăm người ở quê nằm trong viện vì một bệnh không nặng, đã cảm thấy nỗi khổ không thể tả bằng lời của những người chẳng may ốm và chẳng may có người nhà ốm phải vào viện. Trong đầu những người chỉ nghĩ bạc tỷ, lấy chỗ đâu cho những suất ăn đáng giá 5 nghìn!

Hà Phạm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm