Dám chịu trách nhiệm, dân sẽ tin

11/09/2012 08:17 GMT+7

(TT&VH) - 1. Những ngày này, người dân Bắc Trà My, Quảng Nam và vùng lân cận đang phải sống chung với những trận động đất kích thích tại thủy điện Sông Tranh 2. Hết sự cố đập thủy điện chảy nước ào ào đến những trận động đất liên tục đã làm dấy lên nỗi hoang mang, lo sợ không chỉ của những người dân mà cả lãnh đạo chính quyền sở tại.

Là "người trần mắt thịt" họ không thể hiểu những gì đã và đang xảy ra bên trong thân đập chắn chứa bảy trăm triệu mét khối nước này.

Dân vùng duyên hải Nam Trung Bộ vốn sống chung với thủy điện bởi nơi đây tập trung mật độ lớn các thủy điện vừa và nhỏ. Dải đất duyên hải vòng cung, ôm trọn Tây Nguyên về hướng biển Đông, vốn được mệnh danh là miền sa mạc khô cằn nhất nước, chiều ngang hẹp, mỏng với hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, bờ biển khúc khuỷu. Phía trên là các hồ thủy điện, những túi nước khổng lồ. Người dân từng chịu những thiệt hại nặng nề khi những hồ thủy điện vùng bất ngờ xả lũ.

Như thường lệ, ngay khi xảy ra những trận động đất, các đoàn công tác đã tức tốc có mặt đo đạc, nghiên cứu. Trên báo chí, rất nhiều chuyên gia với rất nhiều các luồng ý kiến được đưa ra. Người trấn an, người lo ngại, cảnh báo. Nhưng tất cả chưa thể thuyết phục được người dân sống cạnh đập thủy điện, những người đã từng hy sinh nhà cửa, ruộng vườn cho dòng điện của đất nước. Bởi thực tế, họ sống gần đập thủy điện hơn những người đưa ra lời trấn an. Chính điều này khiến nỗi lo của người dân sống dưới chân đập tiếp tục âm ỉ, những lo lắng cứ thế, một đồn mười, mười đồn trăm...

2. Nỗi lo sợ lan nhanh không thua gì dư chấn trận động đất trong lòng hồ thủy điện.

Thủy điện có an toàn không? Người dân không thể thấy bản chất của sự an toàn đó (ngay các nhà khoa học còn đang có nhiều tranh luận), nhưng người dân có mắt để thấy hiện tượng "hai năm rõ mười". Những trận động đất dồn dập, những vết nứt thân đập hiển hiện, nhà cửa lung lay, nứt vỡ… Cái hiện thực này mạnh hơn bất cứ lý thuyết khoa học về hồ đập nào. Người ta nói: "Lý thuyết một màu xám xịt nhưng cây đời thì mãi mãi xanh tươi" là thế.

Dân tin vào cái mình nhìn, mình thấy hơn là cái mình được chỉ bảo. Người ta nói đập an toàn, nhưng đất còn rung, nhà còn nứt… thì dân còn sợ. Hơn nữa, người dân miền Trung thừa biết rằng mùa mưa bão lúc này bắt đầu vào đỉnh điểm.

3. Vì vậy, cái người dân cần bây giờ là hãy bớt những tranh cãi lý thuyết. Muốn an dân cần phải có tiếng nói khoa học và khách quan về những gì đang xảy ra ở đây, khi thủy điện tích hơn 700 triệu m3. Và hơn hết là tiếng nói đủ mạnh của người chịu trách nhiệm, như phát biểu của Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Trần Anh Tuấn: "Phải có người chịu trách nhiệm cá nhân và chịu trách nhiệm bằng văn bản hẳn hoi thì mới cho tích nước thủy điện Sông Tranh 2".

Vậy ai dám?

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm