Những chiếc xe không được quyền chết!

02/09/2012 07:04 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Sửng sốt - đó là cảm giác của tôi khi có tin sẽ cấm xe máy cũ. Sửng sốt không phải vì lo cho số phận của những người cưỡi trên những chiếc xe máy “mù”, mà lo cho số phận của những người đi đường khác, trong đó có chính mình. Sửng sốt hơn nữa, là hóa ra chúng ta chưa có quy định về niên hạn sử dụng chiếc xe máy, điều đó cũng có nghĩa là không cho nó cái quyền được “chết”!

Sống bằng… giết xe!?

Cách đây khoảng 30 năm, bố tôi là người đầu tiên có xe máy ở xã, và ông cũng là người đầu tiên “khai tử” cho những chiếc xe. Đó là một hành vi phạm pháp vào thời điểm đó, mặc dù tất cả những chiếc xe đó, ông đều mua bằng tiền của chính mình (chỉ những ai sống ở miền Bắc vào thời chiến tranh và sau đó là những ngày đầu sau giải phóng, khi xe máy ở miền Nam kéo ra, mới thấu hiểu lịch sử chiếc xe máy ở Bắc Kỳ thời kỳ đầu hiếm hoi như thế nào). Chỉ biết rằng, bố tôi đã “giết” xe một cách lén lút. Ông nhờ người tháo lốp, tháo vành, “bổ” máy ra để lấy phụ tùng (hóa ra trong cục máy chỉ bằng cái phích ấy, tháo ra được cả một rổ linh kiện, nào bu-gi, pít-tông, hộp số, tản nhiệt… trông lổn nhổn như một đống xương trâu), riêng cái khung thì ông vứt sau vườn nhà (thuở bé chúng tôi vẫn dựng nó lên để “cưỡi ngựa”), ông không dám bán cho đồng nát vì sợ… lộ. Hồi đó bố tôi oai vệ trên con 67 đen trũi, nhưng con này hỏng vặt liên miên, phụ tùng rất khó kiếm, từ đôi lốp đổ đi, chỉ có cách lấy từ xe nọ sang xe kia (dân chữa xe máy hồi đó thường “tráo đồ” của khách lạ để bán lại cho khách quen đã đặt tiền từ trước). Trong khi phụ tùng đắt đỏ như vậy, thì những chiếc xe máy cũ lại có giá tương đối rẻ. Bố tôi phát hiện ra điều đó, nên chọn những cái xe cũ có những thứ phụ tùng tốt mà ông cần, sau đó mua về phá nó ra để lấy đồ, dự trữ cả một gầm giường để dùng dần, còn thừa bao nhiêu lại “sang tay” cho đám thợ xe máy, vẫn có lãi. 


Cách đây 30 năm, khi xe máy còn hiếm, còn là biểu tượng của văn minh hiện đại, thì việc phá xe có thể bị khép vào tội phá hoại công cụ sản xuất của… nhân loại. Cho đến bây giờ tôi vẫn không biết pháp luật đã cho phép xẻ thịt một chiếc xe hay chưa? Để phá khung, phá máy của nó cần phải làm thủ tục gì (có giống như “khai tử” cho người chết hay không), nhưng tôi tin rằng chẳng có thiết chế ở xã phường nào giúp ta làm cái công việc mà xét ra rất chính đáng đó. Hơn nữa, bây giờ xe máy nhiều như châu chấu, cào cào (theo thống kê là 34 triệu chiếc/80 triệu dân, tức là cứ trung bình cứ hơn 2 người có một chiếc xe máy. Như vậy nếu cần có một cuộc hành hương vĩ đại nào đó, cả dân tộc ta có thể cùng chở nhau trên xe máy mà không cần bất cứ phương tiện nào khác. Có họa sĩ biếm đã dựng lên một tượng đài của thời kỳ này bằng cách vẽ một đống xe máy cao ngất trời). Xe máy nhiều như thế thì việc một chủ xe muốn “khai tử” chiếc xe của chính mình có lẽ cũng không gây thiệt hại gì, thậm chí còn có ích cho xã hội và xứng đáng được Bộ GTVT biểu dương vì đã góp phần làm cho quốc sách hạn chế xe máy của Bộ sớm thành công. Nhưng chắc hẳn là chưa ai nghĩ đến quy định đó. Và để ra một quy định như thế chắc lại phải bàn cãi rất dài, và việc triển khai có nguy cơ rơi vào bế tắc, bởi lẽ để “khai tử” nó, anh lại phải chứng minh chiếc xe là tài sản của mình (có giấy tờ chính chủ hoặc được sang nhượng hợp pháp). Mà cứ đà sang nhượng xe máy như thế này, thì đa số xe máy ở Việt Nam là “mất gia phả”. Thôi thì ai thích phá xe thì cứ phá, miễn là đừng phá xe của người khác là được.

Cấm là cấm thế nào?

Trở lại với việc cấm xe cũ. Khi người ta không có quyền “khai tử” xe, cũng chưa có quy định về đăng kiểm hay niên hạn sử dụng, thì có nghĩa là tất cả những con ngựa sắt ở Việt Nam đã bị cưỡi cho đến… chết. Trong 34 triệu xe mà người ta thống kê kể trên, chẳng biết bao nhiêu xe chỉ còn trên giấy tờ? Hay đã chết gục đâu đó ở các cửa hàng sắt vụn? Nghĩ đến đây, tôi bỗng nhớ da diết con Cub 79 của tôi, sau gần hai chục năm, kể từ khi người Nhật vứt ra ngoài bãi, tôi rước về đi tẹt ga, cháy máy, nó vẫn được anh buôn gà đầu ngõ tôi sử dụng, chở gà đi buôn bán ngược xuôi. Chiếc xe không đèn, không phanh, phải buộc một can nước ở khung để làm mát máy qua một ống tuy-ô dẫn nước nhỏ xuống, nhưng gẩy nhẹ chân một cái nó vẫn nổ phành phành. Và sau đó anh buôn gà lại nhượng cho một anh phối giống lợn. Anh ta hoán cải máy móc, thắng nó vào một chiếc xe cải tiến chở lợn cà, để chở đi “hành nghề” khắp nơi. Những chiếc xe máy Nhật, tôi từng nghĩ rằng, chúng không thể “tự chết” được.

Nhưng một chiếc xe “vẫn chạy tốt”, không có nghĩa là vẫn có thể chạy một cách an toàn. Lẽ ra việc cấm phải là đương nhiên, vì bất kỳ một đồ vật gì cũng phải có niên hạn sử dụng. Chúng ta có thể nghĩ đến người nghèo chỉ có một chiếc xe máy cũ làm phương tiện kiếm ăn, nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến cả xã hội, trên bình diện chung, sẽ bị thiệt hại nếu để người đó tiếp tục sử dụng chiếc xe cũ mang theo nhiều nguy cơ cho chính người sử dụng và những người xung quanh, trong đó có một nguy cơ rất lớn cho toàn xã hội là gây ô nhiễm môi trường.

Hồi tôi xây nhà có thuê thợ chở sắt đến. Cả chục cây sắt phi 20 dài như cây tre được anh ta buộc vào sau chiếc xe máy kéo lệt sệt qua bao phố bao phường đến trước cửa nhà tôi. Chiếc xe cũ kỹ, sứt sẹo, không yếm, không đèn, không ống pô, từ trong hốc đèn lằng nhằng một đống đầu dây điện, trông gớm chết. Tôi hỏi anh sao không kiếm cái xe máy mới, loại xe Tàu chỉ dăm ba triệu, Honda cũng có xe chục triệu. Anh cười bảo, một là xe mới chở vật liệu xây dựng thì xót lắm. Hai là (nói đến đây anh cười cười), xe càng cũ thì công an càng… nản.

À, hóa ra không phải tất cả những người sử dụng xe cũ đều là người nghèo, mà còn có rất nhiều người muốn lấy cái nghèo đó để làm điều ngang ngược, hoặc đơn giản là để chơi ngông. Tâm lý của nhiều “chú” công an là không thèm chấp những loại “Trạch Văn Đoành” này (tên nhân vật ngông nghênh bất chấp luật lệ, không biết xấu hổ trong truyện ngắn của Nam Cao), chính thế nên họ càng lợi dụng để làm già.

Có thể không có nhiều nguy cơ như ô tô, nhưng một chiếc xe máy mất an toàn cũng có thể gây họa cho nhiều người. Bởi thế việc kiểm định độ an toàn và chỉ cho lưu hành những xe đủ điều kiện cũng cần cho cả “anh” 2 bánh. Song cái điều đương nhiên ấy lại trở nên rất khó khăn ở ta. Ngay cả các trung tâm kiểm định ô tô của ta (tôi không dám nói tất cả) cũng làm ăn hình thức, thậm chí láo lếu, xe cũ nát đến đâu nhưng cứ có tiền là gia hạn đăng kiểm hết, thì xem ra việc kiểm soát độ an toàn của chiếc xe máy chỉ trông chờ ý thức của người sử dụng. Khi tâm lý nhiều người là muốn cưỡi xe đến lúc “gẫy khung” thì chỉ có cách cho đổi miễn phí xe cũ lấy xe mới, thì may ra mới loại trừ hết những chiếc xe cũ ra khỏi các ngả đường. Việc tăng phí lưu hành đối với xe máy cũ xem ra không khả thi, vì việc thu phí xe máy có ngót nghét trăm ngàn thôi mà cũng đã làm náo loạn cả xã hội rồi.

Hà Nội đi đầu khởi động lại kế hoạch hạn chế xe cá nhân

Sau thông báo của Bộ GTVT về việc lùi thời gian thực hiện thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, mới đây, Hà Nội đã khởi động lại kế hoạch này với việc triển khai xây dựng ngay Đề án thu phí phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố, thu phí vào giờ cao điểm; Quy chế quản các hoạt động taxi trên địa bàn; Xây dựng đề xuất cấm phương tiện cá nhân tại một số tuyến trong năm 2012. Đồng thời, thực hiện cấm các phương tiện cá nhân trên một số tuyến trong giai đoạn 2012 - 2015 và từ năm 2015 - 2016 sẽ cấm theo vùng.

Theo kế hoạch, đến năm 2013 -2014 việc hạn chế các phương tiện cá nhân sẽ được thực hiện tại các đô thị lớn (gồm Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ), với nhiều giải pháp như : hạn chế bằng thuế và phí, nâng cao phí chuyển nhượng, tất cả các phương tiện phải được kiểm định, hạn chế các phương tiện tự chế; có thể áp phí phương tiện vào khu vực trung tâm và phí vào trung tâm theo giờ cao điểm; tăng phí dịch vụ và giá dịch vụ trông giữ xe; tuyệt đối cấm sử dụng vỉa hè để trông giữ xe và thu phí...

PV


Nguyễn Âu


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm