Về quê ngày lễ xá tội vong nhân

28/08/2012 07:36 GMT+7

(TT&VH) - 1. Làng Quyển Sơn ven dòng sông Đáy, vốn có điệu hát dặm nổi tiếng, xét ra cũng không xa xôi cách trở, nhưng nếp phong tục bao đời vẫn cố hữu trong những tâm hồn hoài cổ của người làng.

Cứ từ Rằm tháng 6 cho đến Rằm tháng 7, dân làng đi xa lại chộn rộn mong ngóng về quê chờ lễ chúng sinh, dịp xá tội vong nhân. Những đứa trẻ giờ không còn thiếu những đồ ăn ngon, thức quà vặt như xưa, nhưng vẫn háo hức chờ mâm cỗ chay bày ra để cho chúng “ăn chộp”. Chỉ là mấy nắm bỏng ngô, bỏng gạo, khúc mía được cạo lớp vỏ phấn rồi cắt ngắn khoảng gang tay, mấy cái kẹo, miếng bánh đa...



Lũ trẻ con hồn nhiên bên mâm cỗ chay trong lễ xá tội vong nhân

Mấy tối trước ngày Rằm, khi trăng bắt đầu đầy, các cụ cao niên trong xóm đã tụ bàn việc khuyên giáo cho buổi lễ. Các cụ đi từng nhà, lũ trẻ con được nghỉ Hè cả đoàn líu ríu theo sau. Cả xóm chộn rộn vui. “Của một đồng, công một nén”, nên việc khuyên giáo cũng cẩn trọng và tỉ mỉ lắm. Nhà đóng 10 nghìn, nhà vài chục, nhà thì vài ba lon gạo. Tất cả được ghi rành mạch.

Tối 14 Âm lịch, người già trẻ con tập trung quây quần để chuẩn bị cho lễ cúng sáng ngày Rằm. Dưới ánh điện, mọi người tết lá mít thành những chiếc “bồ cài” (nhìn giống như chiếc gàu dây tát nước nhỏ), cài vào một chiếc que. Bồ cài sẽ dùng để đựng cháo và rải từ cuối xóm cho tới tận cánh đồng. Người khéo tay thì cắt giấy màu thành những bộ quần áo nhiều kiểu. Lễ cúng đơn sơ, bát gạo, bát muối, nồi cháo hoa, bỏng gạo bỏng ngô, khúc mía, chút bánh kẹo, hoa quả và giấy áo, giấy tiền, hương nến.

Chính từ những buổi tối ấy mà cái nếp của làng, của xóm được truyền từ thế thệ này đến thế hệ khác qua câu chuyện của những người già cho những đứa trẻ. Những câu chuyện như muốn cắt nghĩa sự rõ ràng của nghi lễ tâm linh kia. Những đứa trẻ lặng im nghe, mấy đứa em rụi đầu vào lòng mẹ thiu thiu ngủ.

2. Sáng ngày Rằm, những mâm lễ được đội ra đầu xóm. Lũ trẻ chia nhau trải thúng “bồ cài” lá mít từ xóm ra tới cánh đồng 2 bên vệ đường, vệ đê. Muốn ra đồng phải băng qua đường làng rồi tiếp một đoạn con đê. Nghĩa địa làng ngoài đó. Đã bao nhiêu thế hệ, hành trình cuộc đời của bao người cũng chỉ đoạn đường ấy.

Tôi cứ nghĩ khoảng trống xen giữa xóm và cánh đồng làng ấy chính là mối giao thoa giữa chốn nhân sinh và thế giới “bên kia”. Đã đầu Thu, vụ mùa cấy xong từ lâu, mạ đã đứng chân thành lúa, những búp lúa hãy còn lưu hương thoảng lên từng đợt theo gió sớm. Tôi đi qua đó, ngước lên phía trên khoảng trời xanh ngắt một màu huyễn hoặc. Dưới chân, thân cỏ may găm những chiếc hoa "kim khâu" vào quần, như một sự gửi gắm, bám riết của đất quê với mình.

Rải cháo xong, lũ trẻ chạy về nơi cúng lễ với xô, chậu, xoong nồi... trên tay. Chủ lễ bắt đầu khấn: "Kính mời các chư vị khuất mặt, khuất mày, kẻ lớn, người nhỏ, thập loại cô hồn. Kính mời âm binh ngoài đường, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn về nơi đây hưởng lộc thực đầy và cùng với con niệm Phật cầu vãng sinh...”.

Sau 3 hồi chiêng, lũ trẻ ào vào “ăn chộp”. Chỉ một loáng, mâm lễ hoa quả được chộp sạch, vương vãi trên đường những viên bỏng ngô bắn tung tóe. Mấy bà cụ vội vàng thu nhặt.

Anh người làng định cư ở  thành phố dẫn con về xem lễ, hai đứa trẻ nhà anh được lũ trẻ quê chia “chiến lợi phẩm” vừa chộp được, chúng bảo: “lộc đấy”. Ông bố ngăn lại vì “mất vệ sinh”, rồi dắt con ra hàng tạp phẩm bên đường mua một túi bánh lớn. Anh gọi lũ trẻ lại chia cho chúng, nhưng tất cả đều lắc đầu.

Thảo Vy


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm