Trẻ em nay khác rồi

22/08/2012 06:40 GMT+7

(TT&VH) - Từ cậu bé Trần Đăng Khoa ngày xưa viết những bài thơ đậm chất đồng quê đến cậu bé Nguyễn Bình ngày nay viết hẳn một bộ truyện thiếu nhi đậm dấu ấn… nước Mỹ, chúng ta không thể chạy trốn một sự thật: trẻ em thời nay khác xưa nhiều.

Mỗi thế hệ đều có đặc điểm riêng thuộc về thời đại của họ, không thể lấy đặc điểm của thế hệ trước áp đặt lên thế hệ sau và ngược lại. Trẻ em đúng thật là đang thay đổi, chỉ có tư duy của người lớn xem ra vẫn giậm chân tại chỗ.

Thế nên khi một vài trẻ em trông có vẻ khác thường (bình thường = ngây thơ, hồn nhiên), người lớn lại vội vàng giảy nãy lên, và quy tội ngay cho những người lớn khác. Ví dụ điển hình là tranh cãi xoay quanh cuộc thi ca nhạc Đồ rê mí gần đây, khi những người thực hiện bị dư luận lên án là nhào nặn các em nhỏ theo khuôn mẫu người lớn, làm mất hết sự hồn nhiên.



Nguyễn Bình trong buổi giới thiệu sách ở Hội Nhà văn Việt Nam sáng 15/8. Ảnh: Mi Ly

Trẻ em thuộc “thế hệ máy tính”

Hãy bắt đầu với Nguyễn Bình, cậu bé 11 tuổi gây chú ý khi xuất bản bộ tiểu thuyết giả tưởng dành cho thiếu nhi Cuộc chiến với hành tinh Fantom cuối năm ngoái. Bình viết sách từ cuối năm 2010, khi cậu chưa tròn 10 tuổi. Đến nay, Cuộc chiến với hành tinh Fantom đã ra được 3 tập, tập 4 và 5 đã xong bản thảo, còn cốt truyện các tập 6, 7, 8 đã thành hình trong đầu Bình.

“Cháu sẽ nhanh chóng viết xong 8 tập truyện này vì đã có ý tưởng cho một cuốn sách khác”, nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, bố Bình, tiết lộ. Dự kiến, Bình sẽ hoàn thành bộ truyện trong 4 hoặc 5 năm.

Mọi kiến thức mà Bình đưa vào cuốn sách đều do cậu tự tìm tòi trên mạng. Đây cũng là khía cạnh khiến người ta so sánh Bình với thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, người tình cờ là bạn thân của bố cậu. Vốn sống của Trần Đăng Khoa là vốn sống trực tiếp, đi vào thơ từ thế giới thực, còn vốn sống của Nguyễn Bình là vốn sống gián tiếp. Tất nhiên, để Bình đưa được vốn sống máy tính vào văn thì đó là tài năng của cậu.

Một nhà văn nữ nói với tôi, truyện thiếu nhi của Nguyễn Bình khác với tất cả những dạng truyện thiếu nhi trước đây của Việt Nam, và Bình chính là đại diện điển hình của trẻ con thời nay. Chẳng hạn, trong sách của NXB Kim Đồng thường là hoa lá, chim chóc, chó mèo, con người thì có bố mẹ, ông bà, bè bạn, tóm lại là những gì mà đứa trẻ có thể trực tiếp gặp trong cuộc sống. Còn Bình thì khác, cháu viết về người ngoài hành tinh, về các tổng thống Mỹ, những bảo tàng ở Florida, thành trì ở Venice… Những thứ đó hầu hết cháu chưa trực tiếp thấy mà chỉ “gặp” qua Wikipedia cùng nhiều trang mạng khác.

Trẻ em… đóng thuế và viết về nước Mỹ

Ông Phạm Sĩ Sáu, đại diện NXB Trẻ tiết lộ, với tập đầu tiên của Cuộc chiến với hành tinh Fantom, Bình được trả 20 triệu nhuận bút, phải chịu thuế 10%. Với hai tập sau, cậu được khoảng 60, 70 triệu, chỉ phải chịu thuế 5% vì đã kịp đăng ký tác quyền (Bình chưa có CMND nên phải ủy thác cho bố đăng ký hộ).

Thu nhập của Bình như vậy là khá so với nhiều người lớn. Nhưng trái với người lớn có bao nhiêu khoản phải lo toan thì cậu bé “chưa biết tiêu mấy chục triệu kia vào việc gì”.

Các nhân vật trong truyện của Bình mang quốc tịch Mỹ, bối cảnh là nước Mỹ, trong đó những di tích Mỹ, những danh nhân Mỹ và cả quốc tế. Bình từng giải thích, cậu viết về cuộc đối đầu giữa người trái đất với người ngoài hành tinh nên đương nhiên phải chọn nước Mỹ, đất nước có nền khoa học vũ trụ phát triển nhất thế giới. Vì lựa chọn này, Bình từng bị một phóng viên (người lớn) đặt “dấu chấm hỏi” về… lòng yêu nước.

Bình rất nghiêm túc trong sáng tác, nhưng việc một em bé Việt Nam thích viết về người Mỹ, nước Mỹ theo lối viết “không có dấu hiệu gì là trẻ con” (theo nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa) khiến người lớn phải suy ngẫm. Suy ngẫm, chứ không phải vội vàng lên án.

Ít nhất thì những người lớn có mặt trong buổi giới thiệu bộ sách của Bình ở Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội sáng 15/8 đều đồng ý như vậy. “Thứ lịch sử quyến rũ Bình là lịch sử trong máy tính”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, “hiện thực đời sống xã hội sẽ đến trong văn khi đứa trẻ dần trưởng thành và nhận ra ý thức công dân của mình”.

Còn nhà thơ Hữu Thỉnh đưa ra lời khuyến cáo, đại ý: “Không nên phán xét ngay, không dùng một tính từ nào cả khi nói về các em”. Hãy để thiếu nhi phát triển tự nhiên theo cách các em thích và để xem thiên hướng đó đưa các em đến đâu. Nguyễn Bình có thể trở thành một nhà văn, một nhà nghiên cứu hoặc không, nhưng đó không phải là điều người lớn nên gượng ép.

Mi Ly

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm