Thịt bẩn và “cái chết” của người nông dân

31/07/2012 08:01 GMT+7

(TT&VH) - 1. Thực phẩm bẩn thậm chí “độc” từ lâu không còn xa lạ với người dân nước ta. Cả đô thị lẫn nông thôn, từ cửa hàng cho đến những chợ quê đều tràn ngập các loại thực phẩm nhập lậu từ biên giới.

Người dân chúng ta ưa chuộng nó vì… rẻ và đẹp, ăn vào không chết ngay là ăn được, dù vừa ăn vừa sợ.

Báo chí đã từng cảnh tỉnh, những quả táo tươi ngon để được cả tháng trời mà không hề bị thối, bởi vì trước khi vào nước ta nó đã bị tẩm chất bảo quản dùng ướp xác. Sữa bột nước ngoài bị phát hiện có melamine gây ung thư, rồi những xe tải thịt thối được đưa lên các bàn ăn sau khi được dùng chất tẩy làm trắng.

Từ thời mở cửa đến nay, chúng ta vẫn luôn tự hào về một nền nông nghiệp với thực phẩm, lúa gạo, rau củ, quả xuất khẩu thuộc hàng đứng đầu.

Những vải thiều, nhãn lồng, thanh long, nho, bưởi Năm Roi… ngon lành đã thâm nhập được vào những thị trường khó tính của thế giới. Nhưng cũng bao nhiêu năm nay, chúng ta đang nhập hàng nghìn tấn cọng hành, củ tỏi, mớ rau, đến gia cầm, thịt đông lạnh... từ nước láng giềng. Chính ngạch có, nhập lậu cũng không ít.

Người nông dân chỉ còn biết há hốc miệng đứng nhìn mà không hiểu vì sao, nông sản của nước láng giềng ấy “rẻ thế”, một kg gà có dăm ba chục nghìn. Giữa lúc giá hàng hóa trong nước leo thang, nếu là bà nội trợ, ra chợ dù muốn hay không cũng không thể bỏ qua mức giá ấy, dù chưa biết chất lượng thế nào, hàm lượng chất độc hại ra sao. Thứ thực phẩm ấy đang len lỏi vào từng ngõ ngách đời sống người dân, nhất là người nghèo và công nhân.

Dù có là người tiêu dùng thông thái, nhưng không phải ai cũng biết vừa ăn vừa lướt web để cập nhật tin tức về những thứ thực phẩm “bẩn”, “độc”. Và điều quan trọng nữa, dù biết là bẩn nhưng vì túi tiền không cho phép nên khi ra chợ, vẫn cứ “nhắm mắt đưa chân”.

2. Chỉ tội người nông dân một nắng hai sương trong cuộc cạnh tranh không cân sức. Báo chí đồng loạt đưa tin về sự “phá sản” của người nông dân trong nước, cụ thể là người chăn nuôi. Theo Cục Chăn nuôi, chưa năm nào giá thực phẩm, trong đó đặc biệt là thịt lợn, gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm lại xuống thấp như hiện nay. Người chăn nuôi không dám đầu tư mới, càng nuôi càng lỗ. Nếu không có biện pháp hỗ trợ, tình trạng này cứ tiếp tục thì sẽ thiếu thịt vào cuối năm. Và lúc ấy, có ai dám chắc rằng đó không phải là thời điểm cho thực phẩm “bẩn” tung hoành.

Bao nhiêu năm trước thời mở cửa, chúng ta trung thành với những ngôi chợ quê nhỏ bé, những quả na, buồng chuối, thúng nếp cái hoa vàng… nuôi dưỡng nên tâm hồn và thể xác Việt Nam. Bây giờ, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc quay trở về với những nông sản Việt, mồ hôi nước mắt của người Việt. Vừa để cứu chính bản thân mình khỏi bị đầu độc, vừa để cứu người nông dân, vốn đã nghèo khỏi thảm cảnh “phá sản”.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm