Âm và dương của người Việt

22/07/2012 06:49 GMT+7

(TT&VH) - 1. Âm dương của người Việt là hình tượng trời và đất. Trời tròn, đất vuông, trời tròn là bánh dày đất vuông là bánh chưng. Trời là dương, đất là âm. Hình tròn là cực đại, hình vuông  là cực tiểu. Khi tăng liên tục số cạnh của hình vuông lên thành đa giác, đến một giới hạn cuối cùng  thì hình vuông biến thành hình tròn.

Âm dương theo quan niệm của ta lành hơn, không đối chọi mà là sự phát triển từ một chất rồi chuyển sang dạng khác. Đó là một vũ trụ quan rất nhân sinh.

Dân ta còn gọi Tổ quốc là đất nước. Với tôi, đất và nước cũng là một hình thái âm dương. Đất dương, nước âm. Hai loại vật chất này gắn kết tạo cho cuộc sống muôn loài sinh sôi. Cũng như vậy, đàn bà và đàn ông có thể coi là âm và dương. Có đàn ông và đàn bà mới có thế giới loài người.


2. Có một lần về quê, tôi thấy nhà ông chú treo phía bàn thờ một miếng vải đỏ vẽ ba buông, bảy tròn, hình có chỗ lồng đè lên nhau (giờ thì tôi không còn nhớ cấu trúc của nó nữa).

Tôi hỏi chú: Đó là gì vậy? phải chăng là hồn vuông, vía tròn, đây là ba hồn bảy vía? Chú cười bảo, năm nay chú tròn 70, thím vẫn còn, con cái có nếp có tẻ không hư hỏng thì được treo cái này, nó là tượng trưng cho sự hoàn thiện.

Lúc ấy tôi còn bé cũng chẳng hiểu thế nào.

Một người bạn trên Internet reo lên với tôi: “Bánh dày, bánh chưng đúng là triết lý âm dương đấy anh. Tôi hồi nhỏ thường nghe bà già hát ru mấy đứa em:“Ba vuông sánh với bảy tròn / Đời cha vinh hiển đời con sang giàu” , “Lạy trời cho đặng vuông tròn/ Trăm năm cho đặng lòng son với chàng”.

Rồi anh dẫn tiếp Kiều: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” . Hoặc: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”.

Anh bảo tôi: Biểu tượng vuông-tròn, tròn- vuông lồng lên nhau còn xuất hiện ở rìa ngoài mặt trống đồng Yên Bồng: Trời tròn vì trời là dương, đất vuông vì đất là âm, nên biểu tượng trời là hình tròn, đất là hình vuông như trong hình ảnh chiếc bánh chưng, bánh dày vậy.

3. Lại buồn cười khi mới ở quê ra tỉnh, đem cái suy nghĩ đồng quê với bạn bè, chúng bảo mình là Âm lịch. Âm lịch như cái gì đó lạc hậu chậm tiến như lệ làng so với phép nước. Nhưng  rồi hóa ra không hẳn thế. Âm lịch hay Dương lịch ví phố phường và  thôn quê chỉ là cái vách ngăn cách mỏng manh con người áp tư tưởng vào, chứ mỗi mặt nó  đều chứa đựng các giá trị không thể thay thế cho nhau…

Với người nông dân , đất là bầu trời, âm đấy mà là dương. Bầu trời ấy tròn trặn thì người nông dân mở mày mở mặt, tròn trặn miếng cơm manh áo.

Với những lợi ích nhóm thì đất cũng là bầu trời tiền lồng lộng của những kẻ đầu cơ, vì đất nó đẻ ra tiền. Phân định âm dương ở đây có khác. Đất trong tay nông dân làm ra lương thực là an ninh cả nước. Đất trong tay lợi ích nhóm thì đẻ ra tiền chỉ thu lợi cho một số người.  Khi vận động thì vẫn trên mảnh đất đó hai cách đầu tư tạo ra đối nghịch như sáng và tối, như âm và dương.

 Cuộc diễn biến âm dương đang đi vào những chặng quyết liệt, điều chỉnh thế nào cho hòa hợp thì cần cái nhìn có tầm chiến lược ở tầm vĩ mô. Vậy hãy cùng chờ xem!

                Bài và ảnh: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm