Khi các Mạnh Thường Quân "cống hiến" cho nghệ thuật

06/05/2012 06:45 GMT+7

(TT&VH) - Lễ trao giải Âm nhạc Cống hiến 2011 diễn ra tối 22/4/2012, được đánh giá là lễ trao giải thành công nhất trong các mùa giải từ trước tới nay. Góp phần vào sự thành công đó chính là sự ủng hộ quý báu của các nhà tài trợ, mà đúng hơn chúng ta nên gọi họ là các “nhà bảo trợ nghệ thuật”.

Nhìn các vị khách ra về, vui vẻ mãn nguyện với chương trình, trên tay cầm túi quà của mỹ phẩm thiên nhiên cao cấp Prôvence, những người đã nhiều năm tâm huyết với giải Âm nhạc Cống hiến đã có thể thở phào. Cũng từ đó, một niềm tin mới đã được nhen nhóm về một mùa giải mới, hứa hẹn tưng bừng hơn, rộn ràng hơn vào năm sau.

Niềm tin ấy là có cơ sở khi mà các nhà “bảo trợ nghệ thuật” đã xuất hiện ngày một nhiều hơn. Hoạt động tài trợ đã dần vượt khỏi việc “chi tiền” thông thường để thực sự đồng hành cùng các dự án hay các chương trình nghệ thuật có ý nghĩa lớn và tầm tác động mạnh tới công chúng.

Như nhạc sĩ Dương Thụ đã phát biểu khi lên trao giải “Nhạc sĩ của năm”, giải Âm nhạc Cống hiến ngoài việc tôn vinh các nghệ sĩ có những “cống hiến” thực sự cho nền âm nhạc đại chúng Việt Nam trong suốt một năm qua – và cả những năm trước đó nữa – thì còn phải có tính phát hiện, biểu dương cái mới và những cá tính sáng tạo độc đáo có tính tiên phong. Để làm được cái vế thứ hai vô cùng quan trọng này, rất cần đến các Mạnh Thường Quân, những người luôn sẵn sàng và nhiệt tình bảo trợ cho các hoạt động văn hóa. Chính các nhà bảo trợ này sẽ là những người góp phần chắp cánh cho các sáng tạo mới mẻ ấy trở nên đại chúng hơn, trở thành xu hướng mới cho sự phát triển nghệ thuật nói riêng và âm nhạc nói chung.

Hơn 10 năm trước, khi các chương trình âm nhạc cổ điển quốc tế bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, người yêu nhạc đã mơ về những chương trình nhạc cổ điển có tầm phủ sóng rộng hơn, hướng tới khán giả đại chúng. Và tới nay, Luala Concert đã biến điều ấy thành hiện thực. Trong đêm trao giải Âm nhạc Cống hiến 2011, sự xuất hiện của dàn nhạc thính phòng Luala trong tác phẩm Adagio của Albinoni cùng phần đệm không thể tuyệt vời hơn của dàn nhạc này cho giọng hát Nguyên Thảo đã làm ngỡ ngàng bao nhiêu khán giả. Mọi người nhận ra rằng các nghệ sĩ của Việt Nam thực sự rất tài năng và âm nhạc cổ điển không hề cao siêu hay xa lạ với đông đảo công chúng.

Cũng chính nhờ một phần ở bệ phóng của những nhà bảo trợ nghệ thuật mà “hiện tượng” Tùng Dương đã không còn bị coi như “lập dị” hay kỳ quái. Xem Tùng Dương tung hoành trên sân khấu Cống hiến với bài Chiếc khăn piêu mang âm hưởng dân ca trong bản hòa âm tuyệt hảo của nhạc sĩ bậc thầy Nguyên Lê sẽ thấy những giá trị âm nhạc đầy cách tân, táo bạo vẫn có thể dựa trên những nền tảng truyền thống rất đỗi thân quen.

Một thí dụ khác cũng rất gần, đó là trường hợp Lê Cát Trọng Lý. Cô gái nhỏ bé này chỉ trong vòng 3 năm qua trở thành một hiện tượng vô cùng thú vị của sân khấu ca nhạc Việt Nam. Cô vừa đàn vừa hát những bài hát tự sáng tác đầy cá tính với ngôn ngữ âm nhạc vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Những trường hợp như Dương, như Lý rất cần đến sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân để những sáng tạo của họ được tiếp nối và không rơi mãi vào vùng “thử nghiệm”.

Nhiều người khen Ban tổ chức giải Âm nhạc Cống hiến năm nay đã rất giỏi khi quy tụ được những nhà tài trợ văn minh để có được một mùa giải thành công mỹ mãn. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là từ nay ở VN đã dần hình thành một văn hóa tài trợ mới có thể gọi đúng tên là “bảo trợ nghệ thuật”.

Có thể với nhiều người, phần quà của Prôvence chỉ là một món quà dành cho “sao” nhưng với nhiều người khác, sự có mặt của thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên này đã khiến Âm nhạc Cống hiến có thêm dư vị ngọt ngào. Ở chiều khác, các nhà tài trợ như Prôvence đã tìm được cho mình cách tiếp cận khách hàng rất văn minh và cũng rất xứng đáng được ghi nhận “cống hiến” của họ đối với sự kiện này.

                    Nguyễn Minh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm