Những chuyến xe bão táp ở Đà Nẵng

01/05/2012 07:11 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - 36 năm sau Chuyến xe bão táp “đầu đời” của diễn viên điện ảnh Thanh Quý, chúng tôi lại được trải nghiệm “những chuyến xe bão táp”. Nhưng nếu như Thanh Quý, khi mới 18 tuổi và đang là sinh viên năm thứ ba trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, chỉ đóng vai một hành khách trên “chuyến xe bão táp” thì chúng tôi đã trở thành những nhân vật thực thụ trong những chuyến xe bão táp của những ngày tháng 4/2012.

>>Chuyên đề: Lối sống đô thị

Taxi - bão giá

Xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng lúc 11h đêm, chúng tôi bất ngờ vì sân bay mới quá đẹp, chẳng thua gì Changi của Singapore hay Incheon của Hàn Quốc. Vẫy chiếc taxi để đi về khách sạn trên đường Ông Ích Khiêm, tôi lơ mơ nhìn Đà Nẵng về đêm. Đà Nẵng bây giờ đẹp hơn 5 năm trước nhiều quá. Hồi đó cũng đi từ sân bay về khách sạn này trong đêm, tôi thấy Đà Nẵng như một công trường khổng lồ, chỗ nào cũng đất đá, cần cẩu xây dựng… Lơ mơ chưa đầy 10 phút, taxi dừng xịch trước khách sạn. Bảng giá 12.000 đồng/km, bằng TP.HCM, đồng hồ báo 85.000 đồng, cộng thêm 15.000 tiền phí sân bay. Về tôi search thử Google chiều dài quãng đường vừa đi, câu trả lời là hơn 5km. Vậy là anh taxi này đã ăn gian gần 30.000 đồng. Sáng hôm sau, chúng tôi lại vẫy taxi đi đến một quán cà phê gần nhà hát Trưng Vương, từ nơi tôi ở đến đó Google map “bảo” là chỉ 2km nhưng khi xuống xe, tôi phải trả 46.000 đồng. Buổi trưa, cũng từ khách sạn, cùng 3 người bạn, tôi ngoắc một chiếc taxi 7 chỗ, nói muốn đến nhà hàng Phì Lũ ăn cơm vì nghe nói nhà hàng này ngon nổi tiếng ở Đà Nẵng. Anh taxi phi một mạch ra con đường đẹp như mơ cạnh biển, tấp lại ở khu nhà hàng rất to có biển “Phì Lũ 3 - Trung tâm tổ chức tiệc cưới”, đồng hồ tiền báo 115.000 đồng. Chẳng có ma nào ăn uống ở đây, chỉ có mấy cô mặc áo dài hồng đang gấp khăn trải bàn. Tôi nói muốn ăn cơm, họ bảo chị ơi đây là nhà hàng tổ chức tiệc cưới, nếu chị muốn ăn cơm thì phải đến cơ sở 1 hoặc 2 trên đường Nguyễn Chí Thanh. Chúng tôi lục tục quay ra, anh taxi vẫn đứng chờ, đồng hồ vẫn chưa tắt, anh ta mời chúng tôi lên xe đi tiếp! Lên xe, chưa ai kịp nói gì thì anh ta thanh minh: “Tại em chẳng biết các anh chị muốn đến nhà hàng 2 hay 3” rồi lại làm một mạch đến nhà hàng chúng tôi cần đến. 165.000 đồng cả thảy. Trong lúc chờ đồ ăn, tôi lại Google map và ngã ngửa, chỗ này chỉ cách nơi tôi ở chưa đầy 3km! Còn cái nhà hàng tiệc cưới kia cũng chỉ cách khách sạn có 5,5km. Tôi trách mình sao không hỏi Google trước rồi mới lên xe.

Chật mấy cũng vẫn ngồi được

Những ngày sau, với vài kinh nghiệm “thương đau”, chúng tôi luôn luôn Google những điểm cần tới và hễ lên taxi là giao hẹn trước, đi từ đây đến đây từng này cây số nhé, vậy là số tiền “chính đáng” đi trông thấy, nhưng cũng chỉ được vài lần, còn thì cái đồng hồ tiền cứ nhảy tanh tách rất đáng ngờ, và cho dù quãng đường đi có đúng như tôi đo trên bản đồ, số tiền cũng chẳng hề ăn nhập.

Các bạn tôi an ủi lẫn nhau, đi taxi bị “xử ép” thế này còn nhẹ chán. Mới đây một du khách Trung Quốc đi 5 cây số mà phải trả tới 4 triệu đồng. Rồi hồi Hà Nội tổ chức Đại hội đồng Interpol của dành cho ngành cảnh sát trên toàn cầu mà khách tham dự còn bị tài xế taxi cho đi vòng vèo, ăn gian tiền cước, thậm chí giằng cả ví để cướp tiền cơ mà. Còn tôi thì chạnh lòng nhớ anh tài xế taxi đã chở tôi từ Melaka về Kualalumpur (Malaysia) năm nào. Chỉ sau vài cuộc đối thoại của chúng tôi, anh ta biết ngay chúng tôi là khách Việt Nam và nói luôn một tràng: “anh yêu em, anh muốn cưới em” khiến chúng tôi cười ngất. Rồi anh ta kể bao nhiêu là chuyện về những người khách Việt đã đi xe của mình và còn hẹn nếu đến Việt Nam chơi nhất định sẽ gọi điện cho chúng tôi.

Xe khách - bão quá tải

Chúng tôi đi Huế 3 ngày sau đó, khởi hành từ bến xe khách Đà Nẵng. 10 phút sau khi chúng tôi yên vị, chiếc xe 45 chỗ có vẻ ngoài khá sạch sẽ mới mẻ khởi hành. Nhưng nó không bật máy lạnh, đi với vận tốc 10 km/h và duy trì vận tốc đó suốt hơn 1 tiếng đồng hồ để đón khách dọc đường. Mới đầu mỗi người được một chỗ theo đúng “chuẩn” nhưng sau đó, anh lơ xe với chị thu tiền đặt thêm những tấm đan gài ngang nối kín các hàng ghế lại với nhau, lèn thêm 3 người vào mỗi chiếc ghế phụ đó và luôn miệng nói với những người được ngồi ghế chính rằng “anh chị làm ơn ngồi xích qua cho người ta ngồi nhờ”. Xe đầy ắp người, không máy lạnh, trời nắng chang chang nhưng anh lơ xe vẫn bắt thêm khách. Vài hành khách phản ứng rằng chật chội quá họ không thể ngồi được, có người xuống xe luôn, người thì bảo nếu bắt ngồi thế này thì chỉ trả nửa tiền. Anh lơ xe cáu bẳn: “Làm sao trả nửa tiền được, ngồi được chứ sao không ngồi được, cứ ngồi xuống đi!”. Chị thu tiền đeo khẩu trang kín mít trèo lên ghế bước xuống tận cuối xe thu tiền từng người, 45.000 đồng/khách. Đến lúc này, chiếc xe mới long sòng sọc lao đi. Thì ra nó chỉ tốt nước sơn. Qua mấy đoạn đường cua tay áo, tôi chột dạ nghĩ đến những tai nạn thảm khốc mà dạo này báo hay đưa.

Xe du lịch - bão vô trách nhiệm

Từ Huế về lại Đà Nẵng, theo gợi ý của lễ tân khách sạn, chúng tôi lên một chiếc xe bus 2 tầng với toàn bộ ghế nằm. Vé đắt hơn xe dù 15.000 đồng, nhưng chúng tôi được đón tận nơi bằng chiếc xe 7 chỗ đến một trung tâm thông tin du lịch tư nhân nằm ngay gần quốc lộ 1A. 1 rưỡi chiều xe bắt đầu lăn bánh, nó luôn luôn duy trì tốc độ 50-60 km/h. Trừ chúng tôi, hành khách trên xe toàn người nước ngoài, mỗi người một ghế nằm, ai nấy nhanh chóng chìm vào giấc ngủ, tài xế mở hết đĩa hài đến nhạc Đàm Vĩnh Hưng. Tới trạm nghỉ Hải Vân, xe dừng lại, đã gần 5 rưỡi. Hành khách ai nấy đều thở dài vì xe chạy chậm quá. Rồi 4 người thuộc tổ lái xe vào trạm dừng ăn uống. Nửa tiếng sau, họ gọi khách lên xe đi tiếp. Chúng tôi ngán ngẩm, chui lại vào chỗ nằm. Gần 1 tiếng sau, xe đến điểm trả khách, và đó là… Hội An! Chúng tôi chạy lên hỏi tài xế mấy giờ mới đến Đà Nẵng, họ hỏi lại: “Sao đến Đà Nẵng mà không nói từ lúc gửi hành lý?” .Tôi nói chúng tôi không có hành lý nên không gửi, mà chúng tôi mua vé đi Đà Nẵng chứ đâu có mua vé đi Hội An. 2 bên đang đôi co qua lại thì thanh tra của nhà xe tới. Nghe tôi trình bày lại sự việc, anh ta quay sang hỏi tài xế: “Anh có dừng ở Đà Nẵng không?”. Tài xế trả lời: “Có dừng mà chúng nó không xuống!”. Tôi bực quá gắt lên: “Anh nói dối, anh chỉ dừng ở trạm Hải Vân chứ không dừng ở Đà Nẵng, làm chúng tôi còn tưởng đến Hội An rồi mới đến Đà Nẵng!”. Thanh tra hỏi anh tài xế: “Anh giải quyết thế nào?”. Tài xế bảo: “Kệ cho chúng nó tự đi về”. Thanh tra chỉ mặt tài xế: “Anh bị phạt tháng này!” rồi đi thẳng ra khỏi xe. Lúc này hành khách đã xuống xe và đi hết. Chúng tôi xuống theo để hỏi xem anh ta sẽ giải quyết thế nào, anh ta cho tôi một số điện thoại và bảo đó là số của người điều hành ở Huế, người đó chịu trách nhiệm, và lên xe máy đi thẳng. Tôi gọi cho người điều hành và được câu trả lời: “Sao chuyến nào cũng có trường hợp này xảy ra thế nhỉ? Thôi chị chịu khó đi taxi ngược trở lại Đà Nẵng đi, chỉ mất hai trăm rưỡi, ba trăm ngàn thôi!”.

Cuối cùng chúng tôi cũng về được Đà Nẵng, vào lúc 9h tối, bằng cách thuê một xe 4 chỗ do người bảo vệ khách sạn - điểm dừng của chiếc xe du lịch vừa thả chúng tôi xuống - giới thiệu với giá 250.000 đồng. Mất gần 8 tiếng cho quãng đường hơn 100km, chúng tôi mệt mỏi và chán nản. Bạn tôi bảo: “Tớ thích giao tiếp với các loại máy như khi mua vé tàu, xe ở Singapore, chẳng cần nói máy nó cũng hiểu và hiểu chính xác chứ không lôi thôi như giao tiếp với người!”.

Nhật Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm