Cập kênh

22/04/2012 09:57 GMT+7

(TT&VH) - 1. Ngồi bên bờ sông Hương cà phê sáng, người bạn Huế cứ loay hoay như muốn tìm cái gì, trong khi tôi mải nhìn ra cầu Tràng Tiền với dòng người nườm nượp trong tuần fetival  năm nay…

Cuối cùng thì cũng biết nguyên nhân khiến bạn tôi không yên: “cái bàn cập kênh khó chịu quá, làm mất cả hứng với ly cà phê”. Và rồi anh cũng gọi được thằng bé chạy bàn kiếm được cái nắp bia để “chấn chỉnh” lại chân bàn rồi mới yên tâm rút điếu thuốc bập lên môi…

Anh bảo: “Trên đời này sự khiếm khuyết là bình thường, sự hoàn thiện mới thật hiếm hoi. Vậy mà mình cứ cố luôn tìm sự hoàn thiện thì mệt quá”.

Trong gia đình, vợ chồng ý thích khác nhau thì đó là sự cập kênh. Cập kênh của vợ chồng đôi khi dẫn đến xô đũa, xô bát rồi cũng trở lại yên lành khi cả hai bên nhận ra sự vô lí của nó.

 Cập kênh suy nghĩ giữa thế hệ cha mẹ và con cái thì  thời gian sẽ hóa giải dần dần, còn cập kênh của cái bàn thì khắc phục ngay trong giây lát khi tìm được miếng kê.

 Cập kênh mà tồn tại trong nhiều gia đình thì không thể khắc phục cơ học như cách kê cái nắp bia  vào dưới chân bàn như thế này, mà là thời gian….

2. Nhìn rộng ra xã hội thì bao nhiêu cái cập kênh  khác đang tồn tại, tồn tại dai dẳng, ví dụ năng lực và vị trí bây giờ đâu hẳn đã đồng hành, pháp luật và thực thi luôn có một khoảng cách. Nói và làm cũng vậy, nói một đằng làm một nẻo ngọt như anh nghiện. Còn trong chính sách luôn bị kêu là bất cập…thì là cập kênh đó. Chính sách  tác động đến đời sống từng gia đình… Tiếp theo là sự chênh lệch giàu nghèo, những suy nghĩ trái chiều về một vấn đề xã hội sinh ra phản biện. Phản biện giống như miếng kê để nhằm tạo nên một mặt bằng ổn định. Nhưng mà chuyện đó đâu có được giải quyết hài hoà một sớm một chiều.

3. Cái cập kênh trong quan hệ xã hội khi đồng tiền làm chủ được người ta tìm cách kê giống như cách chấn chỉnh cái bàn của bạn tôi, nhưng không phải là dùng nắp bia, mà là kê bằng tiền.

Tiền cũng là vật liệu kê để lấy thăng bằng hiệu quả nhất. Nhưng trường hợp này thì thăng bằng được chỗ này thì nó gây ra hàng loạt các vụ cập kênh khác làm cho nhiều người không khắc phục nổi vì tiền không phải ai cũng sẵn, không dễ tìm như cái nắp bia…thì lúc ấy kê bằng quyền. Quyền cấm cập kênh!

4. Lúc này, khi kê xong cái chân bàn bạn tôi mới lặng lẽ nhấp cà phê, thỏa mãn phì phèo điếu thuốc rồi lại tiếp tục lẩm bẩm: “Cập kênh, đó là vấn đề xã hội, quốc gia đại sự đấy, cách hóa giải thế nào? Với cuộc sống, cách “kê” kiểu cơ học, kê bằng sự giải thích vòng vo, kê bằng những biện pháp hành chính… để nhằm giải quyết thăng bằng không bao giờ là biện pháp triệt để mà nó chỉ mang tính nhất thời, tạm bợ. Đó là chưa kể nó còn làm cho cuộc sống càng cập kênh hơn. Giải quyết thăng bằng kiểu kê chân cái bàn này không bao giờ tạo nên sự ổn định vì cuộc sống không phải là cái bàn để uống cà phê”.

“Gớm, có cái chân bàn kê cập kênh mà anh nghĩ lắm chuyện quá” – tôi bảo bạn.

                        Bài và tranh minh hoạ: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm