Bờ Hồ có người vượt đèn đỏ

29/03/2012 09:05 GMT+7


(TT&VH Cuối tuần) - Ở đâu cũng có thể gặp những người vượt đèn đỏ, chứ không chỉ ở ngã tư Tràng Tiền - Đinh Tiên Hoàng, ngay bên Bờ Hồ. Đó là lỗi vi phạm giao thông sơ đẳng nhất, nhẹ nhất, lãng xẹt nhất. Nhưng tại sao đó lại là câu chuyện thường ngày ngay giữa trái tim Thủ đô?

Từ đèn đỏ định mệnh ở Cửa Nam

Trước khi đến với vài chuyện “tẹp nhẹp” xung quanh cột đèn tín hiệu bên Hồ Gươm, chúng ta hãy dịch lên một chút đến nút giao thông Cửa Nam. Câu chuyện anh thiếu úy cảnh sát bị ô tô đâm, kéo rê 60m trong đêm, đã làm chấn động dư luận mấy ngày qua. Trước hết vì đó là một tai nạn kinh hoàng, nhìn qua clip mà camera giao thông ghi lại, cũng như qua tường thuật của các nhân chứng, thì vụ đâm xe này thảm khốc chẳng khác gì các pha hành động trong phim Hollywood, mà chẳng cần có kỹ xảo hay diễn viên đóng thế. Cái tay lái ô tô là một thiếu gia, nhưng cũng là một con người, và nạn nhân của anh ta, sau cú đâm, bị hất tung lên nắp capo, sau đó bị văng xuống đường và cuốn dưới gầm xe kéo rê hàng chục mét cũng là một con người bằng xương bằng thịt, có một trái tim ở bên trong. Vậy mà thiếu gia ấy nhấn ga bỏ chạy. Anh ta đi ô tô, chắc thỉnh thoảng có nghe VOV giao thông, với câu slogan lặp đi lặp lại: “Phía trước là sự sống/ Hãy lái xe bằng cả trái tim”. Với anh ta có lẽ phải cụ thể hơn, phía trước, trên capo và dưới gầm xe là sự sống. Đừng lái xe bỏ chạy như một thằng điên như thế.

Vượt đèn đỏ - đương nhiên phạt

Lại nói đến chiếc camera của VOV giao thông. Con mắt thần này đã ghi lại trung thực những gì diễn ra ở ngã năm Cửa Nam trước, trong và sau vụ đâm nhau. Chính nhờ đó mà người nhà nạn nhân, sau 3 ngày ròng rã, đã lần tìm được chiếc xe Altis gây tai nạn, để cuối cùng cậu thiếu gia phải tự nguyện ra đầu thú. Thế nhưng, cũng chính nhờ nó mà xảy ra một điều “khó xử”: Nạn nhân, thiếu úy cảnh sát, đã vượt đèn đỏ, khiến tai nạn xảy ra, và chiếc ô tô kia đã đi đúng làn đường tuân thủ theo đèn tín hiệu.

Các luật sư nói rằng, tai nạn giao thông xảy ra có phần lỗi của nạn nhân, nhưng thiếu gia kia khó thoát khỏi tội cố ý không cứu giúp người bị nạn. Chưa kể, trong trường hợp có chứng cứ khẳng định anh ta biết nạn nhân bị bật lên capo và sau đó bị cuốn dưới gầm xe mà vẫn cứ nhấn ga chạy tiếp thì còn là “cố ý giết người”.

Không ai nỡ trách người thiếu úy cảnh sát, trong một lúc vội vàng trong đêm khuya vắng, xe cộ thưa thớt, và không có CSGT, anh đã vượt đèn đỏ. Một lỗi vi phạm lãng xẹt. Các luật sư nói rằng với lỗi này, nếu bị bắt, anh chỉ bị phạt một hai trăm ngàn đồng. Tất nhiên, là nếu bị bắt, còn thực tế, giờ ấy chẳng có CSGT nào “đứng đường” để thổi còi anh. Và nếu có bắt, thì có lẽ các đồng chí CSGT hay CSCĐ cũng sẽ thông cảm với đồng nghiệp… Thật không phải, nếu tôi gắn cho nạn nhân những suy nghĩ kể trên, bởi có lẽ không riêng gì anh, rất nhiều người trong chúng ta, đều có thể có suy nghĩ như vậy. Từ xưa đến nay, vượt đèn đỏ là chuyện quá… bình thường.

Thế nhưng, cái giá thực sự mà anh phải trả, như chúng ta đều thấy, không phải là một hai trăm ngàn, mà vô cùng khủng khiếp, không phải được trả tại Kho bạc Nhà nước, mà trả cho chính cuộc đời mình.

“Những ngã tư những cột đèn”

Từ Cửa Nam, mời các bạn trở lại Bờ Hồ. Ngã tư Bờ Hồ đoạn Tràng Tiền - Hàng Khay - Phố Huế - Đinh Tiên Hoàng đương nhiên có đèn tín hiệu giao thông. Và tất cả những ai đi qua ngã tư này đều biết, CSGT hay đứng ở đầu phố Hàng Khay sát Bờ Hồ. Tôi cho rằng đó là cái ngã tư trung tâm nhất, “Hà Nội nhất” của Hà Nội, và theo logic nó phải là nơi hội tụ nhiều nhất chiều sâu nghìn năm văn hiến Thăng Long, hay ít nhất là những biểu hiện bề ngoài của nếp sống văn minh thanh lịch Thủ đô. Thế nhưng, ở đây, hầu như lần nào đi qua tôi cũng gặp những người bị bắt vì vi phạm luật lệ giao thông, mà vi phạm ở chỗ này thì hầu hết là vượt đèn đỏ (còn có lý do gì nữa đâu?).

Khổ, có ai ở Hà Nội mà không biết góc Hàng Khay ấy, CSGT chuyên đứng gác ở đó. Ban đầu tôi nghĩ, phải chăng bờ Hồ có quá nhiều “Khách ở quê ra” đâm ra chẳng biết “Những ngã tư những cột đèn” (*). Nhưng thực tế thì, những người nhà quê thực sự (là những người vãng lai từ các tỉnh về, chứ không phải những tay nhà quê lên Hà Nội lập nghiệp đã biến chất) luôn là những người chấp hành nghiêm chỉnh nhất các luật lệ giao thông. Điều này không hẳn vì ý thức họ cao, mà vì họ quá sợ. Ngược lại, người ở trung tâm Hà Nội nhất, người Bờ Hồ nhất, lại hay coi thường luật lệ giao thông nhất và dường như muốn chứng tỏ chất Hà Nội, chất phố cổ của mình bằng cách điềm nhiên vượt đèn đỏ hoặc không đội mũ bảo hiểm. Các anh chị sành điệu hay các cô cậu học sinh luôn tự cho phép mình cái quyền được “vượt đèn đỏ” hay dàn hàng ba hàng bốn trên đường, coi như là một biểu hiện của tuổi trẻ năng động, hay học trò tinh nghịch nhất quỷ nhì ma. Những người đi Dylan, SH… hầu như không bao giờ chịu đội mũ bảo hiểm, họ cho rằng đội vào là làm “mất chất” những chiếc xe tay ga này cũng như là hạ cấp dân chơi của họ. Những người có địa vị, có quan hệ coi việc lấn làn, vượt đèn đỏ… mà CSGT không dám bắt mình hoặc bắt xong lại tha ngay như một cách để chứng tỏ quyền lực.

Sự đảo lộn giá trị khiến cho những người nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông, đi đúng làn đường của mình, không hàng hai hàng ba, thấy đèn sắp nhảy vàng đã đi chậm lại, nửa đêm vẫn dừng trước đèn đỏ… bị coi là nhát gan, nhà quê, âm lịch. Với “chuẩn” bây giờ, phải “phá phách”, “lệch chuẩn” mới hiện đại, thời thượng.

Phải đến khi tai họa xảy đến, người ta mới thấu hiểu, tự do nhất chính là tự giác tuân thủ các luật lệ, nhất là những thứ luật lệ giúp bảo vệ sinh mạng của chính mình như luật lệ giao thông. Những người có kinh nghiệm đi làm khuya khoắt từng khuyên tôi rằng, càng khuya thì càng phải thận trọng khi đi qua các giao lộ. Vì đêm khuya người ta thường phóng cực nhanh, và nhiều người cố ý vượt đèn đỏ.

Viết về chuyện vượt đèn đỏ, tôi muốn “nhại” lại bài thơ tình nổi tiếng Gửi người phụ nữ của Gamzatov, mà tôi nghĩ, chúng ta nên tự dặn chính mình trước khi ra đường, nhất là những khi đi qua ngã năm Cửa Nam vào khoảng 1h30 sáng: “Nếu có nghìn người dừng lại đèn đỏ/ Em có biết trong nghìn người ấy/ Chắc chắn có tôi/ Nếu trên phố chỉ còn lại một người dừng đèn đỏ/ tôi xin thề - người đó không ai khác/ ngoài tôi”(**)!.

(*) Khách ở quê ra, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu, Những ngã tư và những cột đèn, tiểu thuyết của Trần Dần.

(**) Nguyên văn mấy câu thơ của Gamzatov như sau: Hỡi người phụ nữ/ nếu có nghìn đàn ông yêu em/ em có biết trong nghìn người ấy/ có Raxun Gamzatov nữa mà/…/ Nếu đàn ông chỉ còn lại một người yêu em/ tôi xin thề - người đó không ai khác/ ngoài Raxun Gamzatov, em ơi!

Nguyễn Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm