“Đổ xăng” vào… giá cả

06/03/2012 11:40 GMT+7


(TT&VH) - 1. Trả lời trên báo chí ngày hôm qua, TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học thị trường giá cả, Bộ Tài chính đã cho rằng: “Nếu cho phép giá xăng dầu tăng thời điểm này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, gây hậu quả khôn lường”.

Ông phân tích, ngay đầu tháng 3, thị trường trong nước đã phải chứng kiến mức điều chỉnh tăng gây sốc của rất nhiều mặt hàng thiết yếu. Thế nhưng mới đây, các doanh nghiệp xăng dầu tiếp tục đề xuất tăng giá xăng với mức từ 800 - 1.000 đồng/lít. Theo TS Ngô Trí Long, Nhà nước có hai công cụ để điều hành giá xăng, đó là chính sách thuế và giá. Nếu thuế đã dùng đến “kịch kim” rồi thì phải dùng giá. Tuy nhiên, lại phải xét phương án dùng giá ở thời điểm nào? Nếu ở thời điểm giá các mặt hàng đang bình ổn thì được. Còn thực tế hiện nay, giá các mặt hàng thiết yếu đang có xu hướng biến động mạnh. Nếu cho phép giá xăng dầu tăng thời điểm này chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, gây hậu quả khôn lường.


Chưa biết thời điểm tăng giá xăng dầu. Ảnh:
Hoàng Hà

Nếu hiểu theo cách nói “đổ dầu vào lửa” của vị chuyên gia uy tín và cẩn trọng này, có thể thấy giá cả các mặt hàng thiết yếu trên thị trường đang nóng ở mức “nước sôi lửa bỏng”, nếu tăng giá xăng dầu, không khác chi đổ thêm dầu vào lửa.

Thực ra, điệp khúc tăng giá vào tháng Giêng, Hai không có gì là lạ, cũng chỉ xoay quanh chuyện mớ rau, con cá, cân thịt... tăng giá do tâm lý sau Tết. Nhưng năm nay, một cơn bão giá thực sự đang cuốn người dân vào, cơn bão mà ai cũng biết, cũng ngấm và có lẽ sức đe dọa của nó vẫn đang chờ ở phía trước. Cứ nhìn thực tế “ba năm rõ mười” trên thị trường, có thể thấy tình thế “nước sôi lửa bỏng” mà vị chuyên gia kinh tế ám chỉ quả không ngoa. Hiếm có khi nào, trong thời gian ngắn vài ba tháng, người dân liên tiếp phải hứng chịu những đợt tăng giá “dồn dập” các loại mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như hiện nay.

2. Cách đây hơn hai tháng, ngày 15/12, giá vé hàng không chính thức tăng 20%. Dù bản chất máy bay cũng chỉ là một loại xe bus biết bay, thì cái giá hàng triệu đồng cho chuyến khứ hồi Hà Nội - TP. HCM có lẽ chỉ dành cho những người giàu.

Ngày hôm qua 5/3, sau bao nhiêu lần dự thảo, cân nhắc, lấy ý kiến, liên bộ Y tế - Tài chính đã ban hành thông tư liên tịch số 04 nêu mức tối đa khung giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà nước. Theo thông tư này, ban hành mới khung giá 447 dịch vụ khám, chữa bệnh, gồm 445 dịch vụ y tế và giá khám bệnh, giá ngày giường bệnh. Theo khung giá mới, có những dịch vụ y tế tăng giá tới 20 lần so với hiện hành.

Ngoài thị trường, bắt đầu từ tháng 3/2012, giá nhiều mặt hàng liên quan đến đời sống người dân tiếp tục điều chỉnh theo hướng tăng.

Chuyện giá gas tăng vọt thì ai cũng biết rồi. Rồi giá sữa, sau khi đã tăng tới 19% vào tháng cuối năm 2011, đã tăng tiếp 12-18% trong 60 ngày qua và đã có thông báo sẽ tăng tiếp 5-10% bất chấp đã chênh lệch 30% so với giá thế giới, bất chấp các cuộc kiểm tra của ngành tài chính.

Các phóng viên kinh tế của các báo cũng đồng loạt “ra quân” khảo sát thị trường. Kết quả họ thu về là các siêu thị Maximark, CitiMart, Co.op Mart... cho biết đã nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp ngành hàng hóa mỹ phẩm và sữa bột, mức tăng 5-10% từ tháng 3. Lý do tăng giá được giải thích do chi phí đầu vào như: giá nhân công, giá gas, giá thực phẩm, giá thuê mặt bằng kinh doanh... tăng. Những lý do muôn thuở được đưa và vẫn “hợp lý”, bởi thực tế, giá gas đã tăng… sốc và giá xăng cũng nhấp nhổm “xin tăng”.

Nếu tiếp tục “đổ xăng” vào giá cả thì nguy cơ bão giá ngày một lộ rõ.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm