Làm gì với đất vàng?

29/02/2012 10:22 GMT+7

 

(TT&VH) - 1. Trong buổi làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sáng 20/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã khẳng định, nếu dời trụ sở các bộ, các trường học mà làm chung cư, sẽ không ký nữa. Ông nói: “Việc di dời phải đúng mục đích đặt ra, nếu di dời xong rồi lại xin làm chung cư, khu đô thị thì không có ý nghĩa gì hết. Với thành phố, tôi sẽ không bao giờ đặt bút ký cho bất cứ một khu chung cư nào như thế nữa”. Bởi nếu để lấy tiền cho các bộ xây trụ sở mới hoặc các trường mới thì buộc chúng ta phải bán diện tích trụ sở cũ cho tư nhân, như vậy mục đích di dời để giảm tải không đạt được.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên ông khẳng định điều này. Còn nhớ, tại hội nghị triển khai quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ngày 24/11/2011, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã khẳng định: “Hà Nội sẽ không cấp phép mới bất kỳ một công trình cao tầng nào trong các quận trung tâm thành phố, ưu tiên xây dựng không gian công cộng tại khu đất di dời trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất...”.

Phát biểu của người đứng đầu Hà Nội nhận được sự đồng tình đông đảo của dư luận nhân dân. Nhất là trong lúc môi trường sống của người dân Hà Nội đang chịu quá nhiều sức ép từ sự quá tải không chỉ trong giao thông, mà cả trong giáo dục, không gian công cộng, khu vui chơi giải trí…

Tuy nhiên, cần thấy rằng, thời điểm này đã là 2012, vậy chỉ còn 3 năm nữa là nhiệm kỳ Chủ tịch lần thứ 2 của ông kết thúc, trong khi chủ trương di dời các trường đại học, trụ sở cấp bộ, bệnh viện lớn không phải ngày một, ngày hai, mà có lộ trình dần đến năm 2020 và mốc 2030. Vì vậy, không chỉ Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo “không ký”, mà những người kế nhiệm ông cũng cần kiên quyết “không ký”.

2. Nhưng cái khó hơn là việc giải bài toán “đất vàng”. Bởi các trường, các bộ cũng cần kinh phí xây dựng tại địa điểm mới. Ông Thảo kiến nghị “Thành phố xin mua lại, giữ đúng mục đích dành cho sinh hoạt công, hình thức mua cũng từ vốn ngân sách, ghi thu, ghi chi, có vậy mới đạt được mục đích giảm ùn tắc”. Vậy, tốt nhất, đất vàng nên để làm gì?

Ai cũng biết, Hà Nội những năm qua, hàng trăm khu đô thị, hàng nghìn tòa chung cư cao tầng mọc lên, nhưng rất ít các trường mầm non được xây dựng, thậm chí ở nhiều phường nội thành chưa có trường mầm non nào. Việc xếp hàng thâu đêm suốt sáng mong mua được đơn xin học cho con vào trường mầm non công lập đã trở thành chuyện... thường ngày. Theo dự báo, quy mô dân số Hà Nội đến năm 2030 là 9,5 triệu người. Với yêu cầu diện tích tối thiểu là 8m2/học sinh nội thành và ngoại thành là 15 m2/học sinh thì từ nay đến năm 2030 toàn thành phố cần xây dựng thêm gần 1.600 trường từ mầm non đến THPT. Nên chăng, các khu đất kia  dành để xây dựng trường học thì hơn.

Tiếp theo, hiện quỹ đất dành cho giao thông quá thiếu, mới chiếm 7-8% đất đô thị, trong khi nhu cầu phải đạt 20-26%. Đất cho giao thông tĩnh, các bãi đỗ xe càng thiếu trầm trọng. Vậy nên cũng có thể dành đất ấy xây dựng các bãi đỗ xe. Nếu là bãi đỗ xe ngầm như tại công viên Lê Văn Tám mà TP.HCM chuẩn bị khởi công tới đây thì phía trên có thể để xây dựng công viên, vười hoa để người dân có thêm không gian công cộng.

Trên đây chỉ là hai nhu cầu trong số muôn vàn vấn đề bức thiết mà hiện người dân thủ đô vẫn còn thiếu. Tất nhiên, để thực hiện thành công, Hà Nội phải giải được bài toán về nhu cầu cộng đồng xã hội với bài toán kinh tế, bởi làm gì cũng cần kinh phí, không thể dồn tất cả cho ngân sách Nhà nước.

Nguyễn Gia


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm