Cân đối được không?

16/02/2012 14:18 GMT+7


(TT&VH) - Sau nhiều lần lấy ý kiến cũng như tính toán khá thận trọng các yếu tố cấu thành giá dịch vụ, đến thời điểm này, Dự thảo thông tư về giá dịch vụ viện phí mới của các Bộ Y tế, Tài chính, LĐTB&XH và BHXH Việt Nam vừa được hoàn thành với sự nhất trí cao của liên bộ.

Còn nhớ, tháng 7/2010, lần đầu tiên Bộ Y tế đã công bố dự thảo điều chỉnh giá viện phí, theo dự thảo, 362 dịch vụ có mức tăng 10 tới 20 lần, có dịch vụ tăng tới 70 lần như sinh thiết tủy xương từ 30.000 đồng lên 2 triệu đồng/lần.

Như vậy, sau một năm rưỡi “nâng lên, đặt xuống” dự thảo được thông qua, sẽ có hơn 400 dịch vụ y tế được điều chỉnh giá, tuy nhiên mức điều chỉnh thấp hơn đáng kể so với dự kiến ban đầu.

Những lý do để tăng giá viện phí, ai cũng biết, như Bộ Y tế từng đưa ra một loạt dẫn chứng giải thích: Giá viện phí hiện nay đang áp dụng đã 15 năm nay đã không còn phù hợp, chi phí khám chữa bệnh tăng khi một loạt vật tư, giá điện, giá xăng tăng…

Theo số liệu của BHXH, đến hết năm 2011, 62% dân số đã có thẻ BHYT (khoảng 53 triệu người). Theo Bộ Y tế, với việc điều chỉnh viện phí trên, Quỹ BHYT năm 2012 vẫn có khả năng cân đối được. Tuy nhiên, vấn đề đối với 38% số dân còn lại, tức hơn 30 triệu người, chủ yếu là nông dân chưa có bảo hiểm đã được đặt ra, họ sẽ “cân đối” ra sao khi chi phí khám, chữa bệnh sẽ tăng 26% theo tính toán của Bộ.

Nhóm hộ cận nghèo cũng sẽ chịu tác động, bởi lẽ hiện nay mới chỉ có khoảng 10% số hộ cận nghèo có thẻ BHYT, cho dù Nhà nước đã hỗ trợ cho hộ cận nghèo tới 50% chi phí tham gia BHYT. Viện phí tăng đến 26% thì cũng không phải là số tiền nhỏ với đối tượng này. Đó là chưa kể những người ở nông thôn, người lao động tự do chưa tham gia BHYT không may bị bệnh nặng vào viện điều trị sẽ phải chịu chi phí cao, họ sẽ “cân đối” ra sao hay lại sẽ nhanh chóng trở thành người nghèo và là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Thêm nữa, việc tăng viện phí đòi hỏi Bộ Y tế phải giải quyết sớm những bất cập khi người dân đang phải chịu giá thuốc “trên trời”. Bộ không thể quản lý được giá thuốc khi 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc phải nhập khẩu. Quá nửa số thuốc mà người bệnh dùng là của nước ngoài. Thuốc sản xuất trong nước chưa thoát khỏi những danh mục hoạt chất generic (thuốc được sản xuất sau khi thuốc phát minh hết hạn bản quyền), chưa sản xuất được thuốc chuyên khoa như thuốc tim mạch, tiểu đường, thần kinh, nội tiết... Các công ty dược nước ngoài tận dụng cơ hội đua nhau đẩy giá thuốc tại thị trường Việt Nam. Thêm đó, việc tính tiền giường nằm là tính cho mỗi người nằm 1 giường nhưng trên thực tế, người bệnh phải nằm ghép 2 - 3 người/giường, nằm ngoài hành lang. Và thực tế, ngành y tế chưa bao giờ hứa hẹn sẽ chấm dứt cảnh nằm viện kiểu “cá hộp”.

Tăng viện phí, Bộ có thể khắc phục thỏa đáng những bất cập trên?

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm