“Nên đến trước khi chết” hay “cho tiền cũng không trở lại”?

02/02/2012 10:32 GMT+7

(TT&VH) - 1. Đầu năm mới chẳng vui vẻ gì khi nghe tin một blogger Mỹ nói xấu về du lịch Việt Nam trên Huffington Post - tờ báo điện tử lớn thứ 2 tại Mỹ. Tất nhiên, du lịch Việt Nam thì cũng không phải là toàn thiện, toàn mỹ, nhưng chúng ta quen nghe người ta bình chọn địa danh quê mình là nơi “nên đến trước khi chết”, nay lại phải nghe nói xấu đến mức đào đất đổ đi là “Cho tiền cũng không trở lại Việt Nam” thì… nhảy dựng lên là phải.

Theo trích lại trên VTC News thì tay blogger này viết: “Người bán đồ ăn thu tiền của tôi gấp 3 lần giá cả bình thường, người lái taxi gian lận về quãng đường để tính cước. Khi tôi mua áo phông ở Hội An, ba người phụ nữ chèo kéo tôi trong cửa hàng của họ để giữ tôi phải mua một cái gì đó, thậm chí là kéo áo sơ mi của tôi.

Một người bạn tôi mua chuối và người bán hàng đã bước đi mà không trả lại tiền thừa, vào siêu thị mua đồ thì được trả tiền thừa bằng socola... dường như kinh nghiệm của tôi là một chuẩn mực và không phải là ngoại lệ”.


Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Tưởng chuyện gì to tát chứ cái chuyện ấy thì… có gì phải tẩy chay du lịch của Việt Nam dữ dội như vậy. Cái tay blogger này đúng là quá… nhỏ mọn. Ngay tôi đây, chân còn dính bùn, giọng nhà quê một cục mà mùa lễ hội này lớ xớ tới mấy nơi quán xá không hỏi giá trước, đến lúc tính tiền còn bị chủ hàng “chém cho sã cánh” nữa là. Còn chuyện dính phải taxi “đểu” thì chắc mọi người còn nhớ, năm ngoái, đến cả khách Interpol quốc tế đến Hà Nội cũng bị anh taxi “chém” đẹp…

2. Thật ra, những bức xúc về nạn bán hàng rong, chèn ép du khách… của blogger nêu trên vốn chẳng có gì mới, và cũng không phải lần đầu chúng ta được nghe.

Du lịch Việt Nam còn một số vấn nạn nhức nhối, nhưng bức tranh cơ bản vẫn là màu sáng khi chúng ta đón tới hơn 6 triệu lượt khách quốc tế năm ngoái. Dù có một blogger khinh khỉnh “Cho tiền cũng không thèm trở lại Việt Nam”, nhưng có biết bao nhiêu tổ chức uy tín về du lịch và truyền thông bình chọn cho Việt Nam là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới (xem Tuổi trẻ Online, 12/1). Cụ thể, Hiệp hội du lịch Mỹ (USTOA) công bố Việt Nam đứng đầu nhóm danh sách các điểm được du khách chọn là điểm đến trong năm 2012. Tạp chí du lịch trực tuyến hàng đầu châu Á Smart Travel Asia cũng công bố Hà Nội và Hội An là hai trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất tại châu Á trong năm 2011.

Một điều thú vị nữa là kết quả điều tra ngày 5/1/2012 trên chính tờ báo The Huffington Post, thông qua người sử dụng Facebook, cho biết Việt Nam nằm trong số 10 điểm đến tốt nhất trên thế giới.

Đặc biệt,“chả cá Lã Vọng” thì đã được chuyên mục du lịch của Hãng tin hàng đầu của Mỹ MSNBC xếp vị trí thứ 5 trong “10 nơi nên biết trước khi chết”.

3. Tiên trách kỷ… “Cho tiền cũng không thèm trở lại Việt Nam”, ý kiến có phần cực đoan ấy trước hết là liều thuốc đắng để chúng ta nhìn lại các dịch vụ du lịch trên đất nước mình. Một sự làm phiền, một cách cư xử thiếu tế nhị dù chỉ là chuyện “thường ngày ở huyện” nhưng cũng có thể để lại ấn tượng rất xấu cho du khách đến từ một nền văn hóa khác, khiến họ tẩy chay. Chúng ta không nên xem nhẹ.

Nhưng nếu gặp Matt Kepnes, tôi sẽ nói với anh ta rằng, trên thế giới này không có nơi nào toàn tốt, cũng không có nơi nào toàn xấu. Tôi cũng sẽ kể cho anh ta nghe một câu chuyện diễn ra vào thế kỷ 16 khi những người phương Tây là tổ tiên anh ta đến xứ Đàng Trong của Việt Nam. Họ cũng rất khó chịu khi thấy người dân bản xứ thích cái gì mà họ có là lập tức… ngửa tay xin bằng được. Nhưng khi sống với người bản xứ rồi, họ mới nhận ra rằng, đến lượt họ cần cái gì, người bản xứ lập tức đem “cho không” mà không cần phải mua bán. Từ quy kết ban đầu về sự tham lam, họ đã nhận ra rằng người bản xứ là những người hồn nhiên, hào phóng nhất thế giới.

Matt Kepnes có thể khó chịu về những cái lặt vặt anh gặp dọc đường, và chúng ta nên chia sẻ với anh ta và cũng hy vọng, phía sau những cái lặt vặt ấy, khi thật sự hiểu và yêu, anh ta cũng sẽ nhận ra Việt Nam cũng là một trong những điểm anh ta “nên trở lại trước khi chết”.

Trần Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm