Quẳng bộ salon ra đường

10/01/2012 10:50 GMT+7

(TT&VH) - 1. Đề xuất thu phí lưu hành xe máy, ô tô đang rầm rĩ trong dư luận, bản thân tôi hàng ngày ngồi trên chiếc ô tô làm chật thành phố thân yêu của mình cũng thấy rất áy náy. Nhất là khi Bộ trưởng Thăng chỉ đích danh: “Anh có ô tô thì phải đóng góp cho hạ tầng, Nhà nước không thể bỏ tiền ra làm hạ tầng giao thông cho người đi ô tô, trong khi có nhiều người khác phải đi bộ” (xem VNE, 8/1).

Đúng quá rồi. Chiếc ô tô cá nhân khuỳnh khoàng, nhất là loại siêu xe thì chắc chắn sẽ chiếm chỗ gấp 4-5 lần chiếc xe máy. Bản thân tôi hàng ngày lượn đi lượn lại chiếc 4 bánh “còm” trên phố phường, tôi cũng thấy mình “lấn chiếm” khá nhiều diện tích công cộng.

Này nhé, xe 4 chỗ, gồm ghế băng đằng sau và 2 ghế “bành” đằng trước, trông y hệt như một bộ salon. Xông pha trong đám tắc đường, chờ đợi hàng tiếng đồng hồ, tôi thường ngả hết ghế ra, bật điều hoà mát rượi (nếu là mùa hè) hoặc nóng sực (nếu là những ngày Đông giá này) cùng vợ con hoặc bạn bè đọc sách, ngâm thơ, uống trà... Đường tắc đến bao giờ thông thì thôi.

Từ khi “quẳng” bộ salon này ra đường, ngoài tiền xăng, tiền gửi xe nhiều hơn xe máy (đương nhiên rồi) tôi chỉ phải chi thêm phí đăng kiểm 6 tháng một lần, mất khoảng 200 ngàn đồng, hoàn toàn không đáng kể. Chỉ riêng khoản đó là không có khi đi xe máy.

2. Nhìn bề ngoài thì đúng là như vậy. Thế nhưng, thực sự tôi đã mất gì khi quẳng bộ salon này ra đường?

Đó là những thứ thuế, phí không hiển thị hàng tháng, nhưng đánh một cục “váng óc” những người đi xế hộp. Một chiếc xe ô tô ở Việt Nam giá cao gấp 2-3 lần giá bán ở nước ngoài. Cái khoản chênh lệch ấy, ai cũng biết là nằm trong thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT. (Nếu một chiếc xe giá 10.000USD ở nước ngoài mà về Việt  Nam giá 28.000 USD thì có nghĩa là trong tuổi thọ 20 năm của mình, mỗi năm chiếc xe phải đóng phí gần 100 USD/tháng, tính ra là gần 2 triệu). Đè lên bộ salon ọp ẹp của tôi còn là lệ phí trước bạ (vừa tăng từ 10 lên 15%), phí cấp biển số (vừa tăng từ 2 triệu lên 20 triệu đồng), đó còn là thuế bảo vệ môi trường khi xài xăng (1000 đồng/lít) và những tờ 10-20 ngàn đồng phải rải như lá mít khi các trạm thu phí mọc lên khắp nơi.

3. Nhưng nói gì thì nói, khi đường phố chật hẹp, nếu tiếp tục ngồi salon khi đi trên đường trong khi có rất nhiều người phải chen chúc trên xe buýt hay nhấp nhổm trên xe máy, thì tôi cũng đồng ý là nên đóng thêm phí lưu hành ô tô, và phí lưu hành giờ cao điểm. Chỉ có điều mức đóng như thế nào cho hợp lý mà thôi, không nên từ 20-50 triệu, tức là từ xấp xỉ bằng đến gấp đôi GDP bình quân trên đầu người năm 2011 (27 triệu) như thế.

Và một điều quan trọng nữa là chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận với những người đi ô tô, bởi họ không hề “tham nhũng không gian công cộng”. Trên bốn cái bánh nghênh ngang ấy đã là một núi phí sụn xương sống rồi. Họ cũng chỉ là nạn nhân của tình trạng thiếu tầm nhìn trong quy hoạch giao thông, chứ đừng đổ hết lỗi ùn tắc cho họ.

Nhìn sang Ấn Độ, họ không những nhìn ô tô như sản phẩm của “dân chơi” của “đại gia” mà còn sản xuất xe ô tô Tata siêu rẻ chỉ 2.000 USD/chiếc - rẻ hơn nhiều loại máy tính xách tay - để người dân được“chuyển từ những chiếc xe máy thiếu an toàn sang xe ô tô an toàn hơn”. Hay như ở Thái Lan, Quốc Vương đất nước này đã đã ra quyết định: việc sở hữu ô tô là quyền hợp pháp của người dân. Còn việc làm thế nào để hết tắc đường là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước (xem Dân trí 11/11).

Trần Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm