Khi máu bị nhiễm bẩn

07/01/2012 11:37 GMT+7

(TT&VH) - Trước đây, bộ đội lái xe thường có khẩu hiệu: “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, không nói thì ai cũng biết, xăng dầu là máu của nền kinh tế. Chính vì vậy mà Nhà nước vẫn nắm quyền điều hành định giá mặt hàng xăng dầu, mỗi biến động của mặt hàng này đều gây nên tác động đối với đời sống kinh tế xã hội.

Tuy vậy, vì lợi nhuận vẫn có những con sâu cố tình làm vấy bẩn máu của nền kinh tế, nhưng điều đáng lo ngại hơn là họ bị xử phạt quá nhẹ so với lợi nhuận thu về.

Đầu tiên là việc một loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu bị phát hiện gian lận chất lượng, các cây xăng này đều có trị số octan thấp hơn so với quy định. Ví dụ, cửa hàng treo biển bán xăng A92 nhưng chỉ số octan chỉ hơn 83, hay nói cách khác là họ "treo đầu dê, bán thịt chó", tương tự như thế, có cây xăng treo biển treo bán xăng A95 thì bán xăng A92.


Ảnh minh họa (Nguồn: GTVT)

Gần đây ngày 29/12/2011, Cục Quản lý chất lượng, Bộ KH&CN có công văn gửi hỏa tốc tới các cơ quan báo chí thông tin về cây xăng không đạt tiêu chuẩn tại Hà Nội. Đó là Cửa hàng Xăng dầu Mai Dịch (Công ty Cổ phần Sản xuất Dịch vụ xuất nhập khẩu Từ Liêm - Km9, Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội).

Không hiểu có sự liên quan gì không, khi mà quãng thời gian trên, báo chí đưa tin về các vụ cháy nổ xe máy, ô tô xuất hiện với tần suất dày đặc, bất thường và khó lý giải. Điều đó như "đổ thêm dầu vào lửa", khiến người dân càng có cớ để nghi ngờ và liên hệ các vụ cháy nổ xe với chất lượng các loại xăng dỏm.

Theo luật, việc kinh doanh hàng giả trị giá từ 60 triệu đồng tương đương với hàng thật sẽ bị xử lý hình sự. Khi phát hiện ra hành vi gian lận chất lượng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã kiến nghị xử lý hình sự các cây xăng này. Theo ông, mức lợi nhuận từ gian lận xăng dầu là rất lớn, cho nên mức phạt vi phạm hành chính không đủ sức răn đe. Đặc biệt, bán xăng “dỏm” không chỉ gây thiệt hại cho khách hàng, như gây hư hại động cơ xe và có thể dẫn đến tai nạn. Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà cũng cho rằng: “Với số lượng xăng vi phạm, có doanh nghiệp tồn hơn 1.000 lít xăng không đạt chuẩn thì chắc chắn giá trị vượt quá con số 60 triệu đồng”.

Trong khi đó, những người bán xăng dỏm bị xử lý ra sao?

Ngày 22/12/2011, quyết định cuối cùng được đưa ra, 11 cây xăng chỉ bị phạt hành chính theo nghi định 107, với mức phạt tối đa là 30 triệu đồng. Hình phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh 12 tháng. Cửa hàng xăng dầu Mai Dịch (Hà Nội), cơ sở bị phát hiện có hàm lượng methanol trong xăng vượt mức cho phép, thì chuyển giao kinh doanh cho một doanh nghiệp khác và cây xăng tiếp tục kinh doanh.

Với mức xử phạt như vậy, liệu có ngăn chặn được những kẻ đang tâm vấy bẩn máu của nền kinh tế đất nước?

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm