Liên đoàn cờ thế giới cần đến Sóc Trăng học tập!

28/12/2011 10:58 GMT+7

(TT&VH) - 1. Chơi cờ, dù là cờ tướng hay cờ vua đều là môn thể thao trí tuệ, nó giúp cho trí não được thường xuyên làm việc, kích thích sự hưng phấn giúp tư duy sắc sảo hơn, logic hơn. Nó chẳng khác nào một loại biệt dược quý giúp chống lại sự trì trệ, chậm chạp của bộ não.

Với những quan chức “công bộc của dân” vốn phải lo nhiều công to việc lớn thì đây là môn thể thao lý tưởng, lại ít tốn kém. Tuy thế, xưa nay người ta thường thấy trào lưu một số cán bộ ưa giải trí với những giải tennis, bóng bàn, golf… chứ ít khi tham gia giải đánh cờ nên khi biết có các quan chức tham gia đánh cờ, hẳn nhiều người cũng mừng, có lẽ dân mình được nhờ.

Nhưng việc hai quan chức ngành GTVT Sóc Trăng chơi cờ “lộ tẩy” thì người ta không thể mừng mà chỉ có thể… khóc. Đó là Nguyễn Thanh Lèo, Phó Giám đốc Sở GTVT và Trần Văn Tân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo lái xe loại 3 bị bắt vì chơi “cờ bạc”. Trước khi bị bắt, ông Lèo đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra cầu cứu vì bị ông Tân thuê “xã hội đen” đến nhà xiết nợ và dọa giết cả nhà do ông thua độ đánh cờ tướng số tiền lên tới 22 tỷ đồng. Trong những lần chơi cờ với nhau, có nhiều ván ăn thua lên tới 5 tỷ đồng và ông Lèo luôn là người thua cuộc.

Căn biệt thự của ông Lèo trên khu đất lấn chiếm - Ảnh: Tiền Phong

2. Có lẽ các quan chức của Liên đoàn Cờ vua Thế giới (FIDE) phải đến Việt Nam học hỏi ông Lèo và ông Tân xem, tiền mà họ “vận động” cho giải cờ chỉ có 2 kỳ thủ ở đâu ra mà lắm thế. Trong làng thể thao Việt Nam, Lê Quang Liêm được xem là vua săn giải thưởng nhưng cả năm 2010, anh “cày ải” ở các giải cũng chỉ kiếm được hơn 1 tỷ đồng, như chức Vô địch Giải Aeroflot 2010 Liêm nhận được 21.000 euro tiền thưởng, tiền thưởng từ nhà tài trợ tại giải vô địch quốc gia 2010 là 4.000 USD… đến như tại Giải các siêu đại kiện tướng quốc tế ở Dortmund (Đức) anh cũng chỉ kiếm được 7.000 euro.

Những người trong giới kì thủ đều biết, nhiều giải đấu trên thế giới là những giải đấu mời, không có tiền thưởng mà ban tổ chức chỉ trả một khoản phí tham dự thi đấu mà thôi. Nhiều giải, ban tổ chức thương lượng với mỗi kỳ thủ về số tiền được nhận để tham dự. Qua đó có thể thấy, không chỉ Liên đoàn Cờ vua Thế giới cần học hỏi ông Lèo, ông Tân mà kỳ thủ thế giới Lê Quang Liêm cũng phải ngả mình trước trước những sức ép ghê gớm từ mỗi ván cờ bạc tỷ của hai “siêu đại kiện tướng” Sóc Trăng này.

Phía sau những nước cờ bạc tỷ, là những tên giang hồ xiết nợ máu lạnh, không nói cũng biết kỳ thủ như ông Lèo sẽ chịu sức ép ghê gớm thế nào. Hẳn thế, vì trước khi "tự báo công an", một quan chức làm đến Phó Giám đốc Sở như ông Lèo đã thừa biết những hậu quả mình sẽ phải chịu đối với hành vi đánh bạc. Nhưng quan Lèo vẫn phải thực hiện màn “tự thú trước bình minh” bởi “kỳ thủ” này quá hiểu, sau nhưng chuyến đi đêm với “bác thằng bần”, ông đã sống giữa hai lằn ranh của luật pháp và “luật rừng”. Nếu không trả nợ, ông sẽ bị xử bằng luật rừng bởi những tay anh chị chuyên đòi nợ thuê. Chính nỗi sợ hãi đã khiến ông quên bẵng nỗi lo mất ghế, quên cả nguy cơ tù tội, và cả cái bộ mặt thật mà xưa nay ông cố công che đậy.

3. Còn về phía Liên đoàn Cờ vua Thế giới, muốn biết số tiền mà hai ông “vận động” cho giải cờ chỉ có 2 kì thủ ở đâu ra mà nhiều thế, trước khi gặp ông Lèo, ông Tân, các quan chức FIDE nên đến tham quan các công trình về GTVT ở một tỉnh nghèo như Sóc Trăng, biết đâu có phần nào câu trả lời.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm