Chúng ta thích nói

11/12/2011 14:21 GMT+7

(TT&VH) - 1. Tôi ngồi trong quán cà phê nhìn ra ngoài đường. Lâu rồi không uống bia vì tình hình lạm phát ngày càng gay cấn, chi tiêu cần cắt giảm mọi bề. AQ một chút thì cứ nghĩ quán cà phê bớt ồn ào hơn quán bia, kể ra cũng là tốt, chứ quán bia như Hải Xồm, Lan Chín có những lúc chưa kịp say bia đầu óc đã quay cuồng đảo lộn vì tiếng người nói ào ào như ong vỡ tổ, như tằm ăn rỗi, như cối xay lúa, ù ù mãi không thôi, lại thêm những tiếng “Một hai ba dzô! Một hai ba dzô!…” như đệm trống trong nhạc rock, miệt mài suốt từ buổi trưa, kéo mãi có khi đến tận quá nửa đêm.

Ảnh chỉ có tính minh họa - Nguồn: Internet

Ngày xưa khi chỉ trích tính khí dân tộc, Tản Đà thì nói “Dân hai lăm triệu ai người lớn/Nước mấy nghìn năm vẫn trẻ con”, hình như muốn nói rằng người Việt Nam mãi mà chẳng chịu lớn, còn Nguyễn Văn Vĩnh thì rất ấn tượng với cái thói hay cười: cái gì cũng cười, chuyện gì cũng cười, cười liên tu bất tận. Giờ thì phải nói rằng: Chúng ta rất thích nói.

Trong quán bia đã đành đi một nhẽ, vì đó là nơi người ta “xả stress”. Nhưng stress gì mà lắm thế, xả mãi không thôi. Đám nhậu chính là nơi người ta tranh nhau mấy thứ: tranh nhau uống, tranh nhau nói rồi, còn lạ lùng hơn, tranh nhau trả tiền. Ta thấy ở khắp nơi người Việt Nam giành giật nhau trả tiền, không cho trả tiền ăn phở có khi dỗi, ăn xôi sáng mà không được trả tiền cho bạn tình cờ gặp có khi mặt xám lại, nhiều lúc thiếu điều xảy ra đánh nhau, thượng cẳng chân hạ cẳng tay thực sự vì cái nỗi ai cũng đòi trả tiền. Lạm phát thì ầm ầm ngoài kia, trong quán thì người ta cứ tranh nhau trả tiền.

2. Nói thì ôi thôi là nhiều. Tại công sở thời gian nhân viên nói chuyện với nhau gấp nhiều lần thời gian làm việc, bàn “công chuyện làm ăn” ngoài quán có khi kéo dài bốn, năm tiếng, công việc được ba mươi phút thì quay sang thượng vàng hạ cám chuyện xe cộ, điện thoại, máy ảnh, máy tính, quen ông này biết chị kia thân thiết với anh nọ. Vào đến rạp chiếu phim vẫn ra rả chuyện trò, vừa ăn pop-corn uống Coca-Cola vừa nhỏ to tâm sự, không nhỏ to tâm sự thì bình luận tình huống phim, lại còn đoán trước “thằng kia”, “con kia” sẽ làm gì, đoán đúng thì khoái chí cười hí hí, lỡ đoán sai thì tặc lưỡi “ôi sao lại thế nhỉ?” rất là đau khổ.

Đại khái, cả xã hội lên cơn mê nói, thành thử nhiều thứ đã ăn theo khí chất này. Trước đây báo chí Việt Nam hay đưa tin trong mục “Chuyện lạ đó đây” rằng bên Nhật không khí ô nhiễm quá quắt nên người ta có những cái máy hít không khí ngoài đường, giờ ai ở nước mình mà làm ra những cabin thiết kế cho những người thích nói vào ngồi nói chuyện một mình hoặc có máy nói chuyện cùng, chắc phát tài phải biết.

3. Online chat là một công cụ  tuyệt vời cho người Việt Nam. YM, Skype, cộng thêm nhắn tin điện thoại, ôi cả một thiên đường cho những người hay chuyện. Rồi nảy sinh các forum trên mạng, dân tình ào ào chuyện gẫu, rồi nói xấu, châm chọc, mỉa mai, rồi dựng chuyện, tán tỉnh, đủ hết cả. Báo mạng cũng góp phần to lớn vào cuộc nhiều chuyện trên diện rộng này. Các mục giải trí, sao này tụt ngực, sao kia dao kéo, rồi mục tâm sự, gỡ rối tơ lòng, khuyên nhủ tâm lý… người tham gia nhiều, mà người comment (bình luận) mới thực là đông đảo.

Bật tivi lên, đúng ngày muốn trầm lắng, bạn sẽ hãi hùng luôn. Kênh nào kênh nấy không game show thì talk show hoặc reality show. Có lần tôi chuyển liền mười kênh tiếng Việt, kênh nào cũng trò chuyện khách mời, khách và MC hì hục nói, cốt sao đừng để có giây nào bị trống, bị “chết”. Đâu cũng nói, thành thử thiếu MC, nên người ta phải dùng cả các MC rất kỳ quặc, chẳng hạn như một MC mặt rất xấu, người rất kém phong độ, nói lắp bắp và răng thì lại hô, thế mà cũng nói thôi thì đủ thứ chuyện, kinh doanh, văn hóa, thần bí, du lịch, vân vân và vân vân.

Ngoài đường thì trong khi đi xe không tiện nói năng, người ta bóp còi inh lên, chẳng vì cái gì cũng bóp còi, nhiều khi còn bóp còi theo điệu nhạc. Còi xe thay luôn cho nói năng. Cái nhu cầu nói, nó thật là vô biên và thể hiện muôn hình vạn trạng.

4. Nghĩ đến đây thì tôi đành phải ngừng mà ra về, vì nhân viên quán cà phê nhân khi vắng khách ngồi “tám chuyện” rôm rả như ở quán bia.

Con Sâu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm