Đồng lòng, đồng bộ

24/11/2011 10:52 GMT+7

(TT&VH) - Trong báo cáo gửi Quốc hội Chính phủ đã gọi đích danh tai nạn giao thông đó là “quốc nạn". Đã nhiều năm, dù các Bộ, ban ngành, địa phương đều có các giải pháp, cố gắng triển khai, nhưng sự nghiêm trọng của vấn đề vẫn được nhắc đi nhắc lại, tình hình cứ ngày một xấu đi, như một căn bệnh di căn, mãn tính.

1. Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Giải bài toán quản lý giao thông cần phải có sự đồng bộ bởi mỗi bộ ngành trong hệ thống quản lý chỉ có thể kiểm soát được một phần nào đó bài toán này. Bộ GTVT phát triển mạng lưới đường và hệ thống giao thông công cộng, quy hoạch, xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông... Nhưng Bộ Xây dựng cần điều chỉnh quy hoạch đô thị, kiểm soát sự gia tăng số người theo các công trình xây dựng, để tránh tình trạng “đường cứ tắc, cao ốc cứ xây”, để điều chỉnh quy hoạch phù hợp với sức chịu đựng của hệ thống đường giao thông... Bộ Công thương có thể điều tiết số đầu phương tiện xe cộ sản xuất, nhập khẩu hàng năm. Bộ Công an quản lý điều hành người tham gia giao thông, quản lý các số liệu, số lượng các phương tiện tham gia giao thông... Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế đánh vào đầu phương tiện, bãi đỗ xe, phí đăng kiểm...

Như vậy, muốn giải quyết dứt điểm, tận gốc bài toán giao thông cần có tổng tư lệnh chủ trì việc tổng hợp số liệu, phối hợp chặt chẽ tất cả bộ ngành liên quan. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan trung ương của Nhà nước.  

Tình trạng ùn tắc xảy ra nhiều, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM - Nguồn: Internet

2. Thật đáng hoan nghênh, điều này được thể hiện rõ tại diễn đàn Quốc hội hôm qua. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội. Bộ trưởng thừa nhận, thời gian qua, Chính phủ đã ra nhiều chỉ thị, chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường giải pháp giảm tai nạn và ùn tắc, nhưng vấn nạn này vẫn còn nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, tai nạn gây thiệt mạng khoảng 12 nghìn người. Tình trạng ùn tắc xảy ra nhiều, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM. Đồng thời, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, trong các nhóm giải pháp, khâu đột phá là nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, trước hết là tăng cường tính nghiêm minh, cương quyết của người thực thi công vụ kết hợp với tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho nhân dân.

Ông cũng nhấn mạnh vai trò của các địa phương, cần xây dựng ý thức trách nhiệm cho các cấp, ngành, địa phương, coi nhiệm vụ giảm tai nạn, và ùn tắc cũng là một nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương.

“Chia lửa” với Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: sẽ tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe, quản lý lái xe sau khi được cấp giấy phép, ban hành phiếu kiểm soát lái xe để theo dõi vi phạm; xử lý kịp thời và dứt điểm những điểm đen giao thông hiện nay. Điều quan trọng nữa là các cơ quan chức năng tập trung xử lý mạnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; buộc trách nhiệm của người chủ phương tiện trước khi đưa phương tiện của mình vào tham gia giao thông.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Trước mắt, Bộ kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng thêm các công trình cao tầng có nhiều người làm việc, nhiều người ở tại các quận nội thành Hà Nội và TP.HCM, đặt mục tiêu 10 năm nữa cơ bản giải quyết được ùn tắc ở hai thành phố lớn này.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh vấn đề đầu tư cho ngành giao thông. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần có một hành lang pháp lý về các hình thức kêu gọi vốn đầu tư ngoài nhà nước từ chính sách đất đai, chính sách giá, cho đến các hình thức đầu tư đảm bảo cho doanh nghiệp có thể có lãi, có thể thu hút vốn; cần có tầm nhìn quy hoạch để chọn đúng, trúng những dự án đầu tư...

Cử tri có quyền hy vọng, sự đồng lòng từ diễn đàn Quốc hội, sẽ là tiền đề để giải quyết tận gốc quốc nạn nhức nhối bao năm qua.

Tử Yến - Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm