Bát nước trong đầu nguồn

15/11/2011 14:13 GMT+7

(TT&VH) - Hôm qua, đến nhà ông bạn chơi, ông buộc tôi phải mượn quyển sách của ông đang xem, để về mà đọc. Tôi muốn ông vui, nên cũng phải cầm và cảm ơn.

 1. Đây là quyển Quốc văn Giáo khoa thư do Nha Học Chánh Đông Pháp xuất bản năm 1939 của chương trình Việt Nam Tiểu học Tùng thư lớp Đồng ấu & Sơ đẳng. Sách này do Nha Học Chánh Đông Pháp đã giao cho ông Trần Trọng Kim, ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Đặng Đình Phúc và ông Đỗ Thận cùng biên soạn. Toàn là những học giả tài giỏi để soạn một quyển sách cho học trò nhỏ.

Nằm võng khoẻ khắn, tôi lật ngay một trang bất kỳ và coi liền một bài như vầy: “Một hôm, một người hào phú có chuyện lôi thôi với một người thợ. Đang cơn tức giận, người hào phú lấy hòn đá ném người thợ. Người thợ nhặt hòn đá cất đi một chỗ, nghĩ bụng rằng: Thế nào cũng có lúc tao lấy hòn đá này ném vào đầu mày.

Cách ít lâu, người hào phú chẳng may cửa nhà sa sút, của sạch không, phải đi ăn xin. Một hôm, người thợ trông thấy người ấy ăn mặc rách rưới, đi qua trước cửa, người thợ vội vàng chạy đi lấy hòn đá, định để ném lại người hào phú ngày trước. Nhưng khi tay đã cầm hòn đá, anh ta lại nghĩ rằng: Người ấy lúc còn giàu sang mà ta báo thù thì là dại, bây giờ người ấy khổ sở mà ta báo thù thì là hèn. Thôi, ta không nên báo thù. Rồi quẳng hòn đá xuống ao”.

Quả thật là hay, tôi lại coi tiếp cho hết trang: “Giải nghĩa: Hào phú = người giàu có và có thân thế. Sa sút = suy kém. Dại = Đây có ý nói lúc người hào phú có của, có thế, mà mình báo thù thì tất nó hại được mình. Bài tập: 1-Tìm những tiếng phản nghĩa với những tiếng sau này: tức giận, sa sút, giàu sang, khổ sở. 2 - Làm văn: Trả lời những câu hỏi sau này: Người hào phú lấy gì ném người thợ? Người thợ nhặt hòn đá định để làm gì? Sau người hào phú sa sút thế nào? Người thợ trông thấy định làm gì? Sau lại nghĩ lại làm sao?” Bài này có cả hình minh hoạ rõ ràng.

2. Tôi đặt sách xuống, nghĩ ngợi. Quả thật đơn giản mà sâu xa. Bàng bạc sự đôn hậu giản dị. Tư duy rất trong sáng. Đó là nước giếng trong. Là căn bản đạo đức.

Tôi lật nhanh qua coi tiếp những chủ đề: Nào là, học trò đi học phải đúng giờ, phải giúp đỡ người già, người tàn tật. Học trò phải chọn bạn mà chơi, phải biết bênh vực kẻ yếu, không nói dối, không nói xấu người vắng mặt, không tàn bạo, không độc ác với súc vật. Học trò phải kính trọng cha mẹ, thầy giáo, phải chuyên cần...

Đột nhiên, tôi nhớ lại lúc tảng sáng ngồi uống cà phê dưới gốc mận. Ba chú chim sâu nhỏ ríu rít ngay trên đầu. Không hiểu sao, tôi lại nghĩ chúng cũng là học trò đi học đấy. Rồi ngày hôm kia nữa chứ, gặp mấy chú bé con lếch thếch trên đường đi học, vai mang ba-lô như tốp lính con, tôi ngừng xe chở giúp vì nghĩ rằng chúng nó là cháu mình. Ừ, những cái đó chính là quốc văn giáo khoa thư chứ gì. Đột nhiên, tôi nhìn quyển sách cũ nhàu nát với bao trìu mến, cứ như thể là người thân bao đời bao kiếp mà bây giờ mới gặp lại. Tôi lật tiếp, lại gặp bài thơ của Nguyễn Trãi gia huấn cũng có trong Quốc văn Giáo khoa thư: “Thấy người hoạn nạn thì thương/ Thấy người tàn tật lại càng trông nom/ Thấy người già yếu ốm mòn/ Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần/ Trời nào phụ kẻ có nhân/ Người mà có đức muôn phần vinh hoa”.

Thành thật cảm ơn ông bạn đã ép tôi phải mượn quyển sách này. Đọc thật khoẻ người như được uống bát nước trong tươi mát đầu nguồn.

(*): Chuyên mục do “lão nông” – nhà văn Ngô Phan Lưu thực hiện, xuất hiện trên TT&VH vào thứ Ba hằng tuần, từ 15/2/2011.

Ngô Phan Lưu


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm