Lễ hội Tây, nói chuyện ta

01/11/2011 10:42 GMT+7

(TT&VH) - Lễ hội Halloween đã kết thúc, nhưng dư âm của lễ hội này để lại vẫn còn chưa dứt trên nhiều diễn đàn.

1. Nhiều người cho rằng chúng ta cũng không nên “Tây hóa” vì lễ hội này vừa “ma quái”, tốn kém tiền bạc lại vừa mất nhiều thời gian. Bằng chứng là những món đồ chơi trong ngày Halloween rất đắt, phải là “đại gia” mới dám bỏ ra “tiền mớ” để chơi Halloween. Chẳng hạn, giá mặt nạ hóa trang nhập từ Mỹ, Trung Quốc khoảng 350 ngàn đồng, bộ cánh của Harry Potter giá khoảng gần 500 ngàn đồng. Thậm chí, nếu muốn được thành người sói, nói như dân chơi: “Sói vừa vừa thì nửa củ, sói thiệt dzữ thì củ hai (0,5-1,2 triệu đồng/lần vẽ).

Thế nên, có người khắt khe cho rằng, thay vì “đốt tiền” cho lễ hội “ma quỷ” này, các bạn trẻ hãy dành số tiền đó để làm từ thiện, hoặc để đầu tư cho việc khác có ích hơn, thiết thực hơn. Hay thậm chí có người lên án giới trẻ chỉ biết “đua đòi”, chạy theo những nhu cầu “kiểu Tây” trong khi lại quên dần và ngày càng xa lánh truyền thống, vô tình làm cho “vẻ đẹp xưa cũ Á Đông rút lui trước sự sôi động phương Tây” ...

Halloween được giới trẻ Việt hào hứng đón nhận

Cá nhân người viết bài này lại nghĩ rằng, cái gì cũng có lý do của nó. Mỗi một lễ hội có một sự thu hút khác nhau. Những lễ hội mới du nhập vào Việt Nam nếu xét về tầm cỡ thì không thể bằng những lễ hội truyền thống của Việt Nam được. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là những lễ hội du nhập ở nước ngoài vào Việt Nam yếu hơn hay kém hơn mà quan trọng là lễ hội ấy đã được người dân tiếp nhận một cách lành mạnh, phát triển và duy trì nó với một tinh thần hết sức nhân văn. Bên cạnh đó, cần phải xét đến khía cạnh dù là truyền thống hay du nhập thì mục đích đầu tiên và quan trọng của lễ hội là mang lại niềm vui cho con người, là dịp để con người giao lưu với nhau. Có những người đi chơi hội như là một nhu cầu về tín ngưỡng (vì lễ hội truyền thống của Việt Nam chủ yếu là mang tính tín ngưỡng). Có người đi hội như là sự chia sẻ, như là dịp để giải tỏa và có những người đi hội chỉ vì tò mò muốn biết xem lễ hội ấy nó như thế nào?! Vấn đề là, chúng ta tổ chức lễ hội cho dân có “được lòng dân” hay không mà thôi! 

2. Trước đây, những lễ hội như Halloween, Valentine... ít phổ biến ở Việt Nam. Nhưng từ khi đất nước mở cửa, chúng ta đã đón những luồng gió văn hóa mới từ nhiều nước khác nhau vào trong nước.

Chẳng lấy ví dụ đâu xa, Hà Nội – thủ đô của nước ta hằng ngày phải “giao tiếp”, tiếp xúc với tất cả văn hóa của trên thế giới vào. Người nước ngoài ở Hà Nội ngày một nhiều lên, các mối quan hệ đa quốc gia ngày càng được mở rộng và vì thế nhu cầu về văn hóa du nhập sẽ ngày càng mạnh lên bằng việc liên tục xuất hiện các lễ hội khác nhau nhằm mang lại sự gần gũi với quê hương, đồng thời để giới thiệu các sắc thái văn hóa của đất nước mình cho người Việt Nam.

Trong khi đó, người Việt Nam cũng có nhu cầu hiểu biết về các dân tộc khác, tiếp thu văn hóa nước ngoài vào và chính điều đó càng làm văn hóa của Việt Nam đa dạng hơn, phong phú hơn, đồng thời tạo ra sự gần gũi, thân mật giữa chúng ta với bạn bè quốc tế. Đó là chưa kể các lễ hội ấy đã góp phần không nhỏ vào việc để thu hút khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại. Vì vậy, các lễ hội có tính quốc tế như Valentine, Giáng sinh... cho đến các lễ hội của các nước như lễ hội hoa anh đào của Nhật Bản... sẽ ngày một nhiều lên trong đời sống của người dân Việt Nam như là một quy luật tất yếu của cuộc sống.

Lê Thư

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm