“Soi” lỗi người, mình lại đầy lỗi

05/10/2011 10:18 GMT+7

(TT&VH) - Tiếp tục “soi” vụ Lý Nhã Kỳ, hôm qua, một trang thông tin điện tử đã viết: “Văn bản bổ nhiệm Lý Nhã Kỳ mắc lỗi đến khó tin”! Độc giả hơi hoang mang, văn bản quyết định của Bộ mà mắc lỗi gì vậy? Hóa ra, bài báo cho hay văn bản này mắc lỗi về thể thức trình bày văn bản; cụ thể một là, văn bản này “quên” ghi rõ ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, địa chỉ thường trú, công việc hiện tại của bà Trần Thị Thanh Nhàn. Hai là, một văn bản do Bộ trưởng ký nhưng trong phần “Nơi nhận” lại ghi “Thứ trưởng... (để báo cáo)!

Lý Nhã Kỳ trở thành tâm điểm của dư luận sau khi cô được bổ nhiệm là Đại sứ Du lịch Việt Nam.

Chưa biết góp ý nêu trên đúng sai như thế nào (quả thực người viết bài này cũng không rõ các quyết định bổ nhiệm có nhất thiết phải ghi đầy đủ về người bổ nhiệm như thế hay không. Thử tìm kiếm trên mạng thì kể cả các quyết định bổ nhiệm quan chức cấp cao cũng chỉ ghi tên người được bổ nhiệm, chứ không thấy phải “khai lý lịch” như thế). Song, dù “soi” với mục đích gì (có phải để câu view theo vụ Lý Nhã Kỳ hay không?) thì tôi cũng ghi nhận sự sốt sắng của người viết trong việc bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cũng như sự chuẩn mực trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, điều rất đáng tiếc là trong bài báo có chủ ý “nhặt sạn” người khác, người viết và người biên tập lại mắc rất nhiều lỗi cũng đến mức rất khó tin. Hơn 6 tiếng kể từ khi bài báo này được post lên (14h35 ngày 4/10/2011), vào lúc 20h50 cùng ngày, người viết bài này đọc bài báo trên ở trên mạng, vẫn thấy các lỗi sau:

- Trên đoạn mào đầu (nguyên văn): “Văn bản quyết định bổ nhiệm Lý Nhã Kỳ làm Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ 2011- 2011 mắc những lỗi đến khó tin về thể thức trình bày văn bản”. Thực ra phải ghi là nhiệm kỳ 2011 - 2012 mới đúng. Phần thân bài ghi đúng, vậy mà phần giật lên đầu bài lại sai.

- Trong chú thích ảnh: “Sơ xuất về thông tin trên văn bản quyết định bổ nhiệm bà Trần Thị Thanh Nhàn...”. Chữ “sơ xuất” cũng được dùng một lần nữa trong thân bài (đoạn “...cũng thể hiện những sơ xuất đến... hài hước”).

Viết “sơ xuất” là sai chính tả một cách rất đáng tiếc. Bởi đây là một lỗi mà người ta đã nói đi nói lại nhiều lần: “sơ suất” chứ không phải “sơ xuất”!

- Ngoài ra là một số lỗi “khó tin” khác như: mở ngoặc mà không đóng ngoặc; các lỗi thiếu dấu cách (sau dấu phẩy không có dấu cách dẫn tới chữ sau dính vào chữ trước), thiếu dấu phẩy (lúc thì viết: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lúc lại viết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Đúng là “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Khi nhặt sạn lại lòi ra một đống sạn. Hy vọng rằng bài viết này của tôi ít sạn nhất có thể.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm