“Thảm họa” đầu vào

27/09/2011 10:21 GMT+7

(TT&VH) - Sau “thảm họa” điểm lịch sử được dư luận đặt câu hỏi “lỗi tại ai?” vẫn chưa có câu trả lời, thì giờ đây việc chưa năm nào điểm chuẩn ngành sư phạm thấp như năm nay, khiến không ít người lo lắng và cho rằng một số trường ĐH địa phương, ĐH vùng đang “vơ bèo vạt tép”.

1. Xin dẫn chứng: Các ngành sư phạm vật lý, ngữ văn tại Trường ĐH Quảng Nam chỉ bằng điểm sàn nhưng vẫn phải xét tuyển hàng chục chỉ tiêu bằng nguyện vọng (NV) 2. Ngành sư phạm bậc ĐH của các trường ĐH An Giang, Thủ Dầu Một, Hồng Đức, Quảng Bình, Tây Bắc, Thái Nguyên chỉ bằng điểm sàn, kể cả các ngành sư phạm toán, hóa, sinh, ngữ văn và phải xét tuyển rất nhiều chỉ tiêu bằng NV2. Trường ĐH An Giang, ngành sư phạm tin học còn không có thí sinh nào trúng tuyển. Ngành nhiều nhất là sư phạm toán với 20 thí sinh, các ngành sư phạm còn lại chỉ có 5-10 thí sinh trúng tuyển NV1.

Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tuy đã nhân hệ số môn lịch sử nhưng điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức 14,5 điểm! Trong số 42 thí sinh trúng tuyển ngành lịch sử, chỉ có ba thí sinh đạt điểm thi môn sử từ 5 trở lên, đa số là 2-3 điểm. Thậm chí có ba thí sinh chỉ được 1,25 điểm, một thí sinh 1 điểm môn sử.

Trường ĐH Cần Thơ có ít nhất bốn thí sinh đậu ngành sư phạm lịch sử khi điểm thi môn này chỉ là 1 điểm, nhiều thí sinh 1,25-2 điểm. Trường ĐH Đà Lạt, một thí sinh trúng tuyển ngành sư phạm lịch sử với điểm thi 0,5. Cá biệt hơn, một thí sinh tại trường này trúng tuyển với tổng điểm 13 nhưng môn sử chỉ 0,25 điểm, tức chỉ vừa thoát khỏi ngưỡng điểm liệt (0 điểm)! Lỗi này thuộc về các nhà quản lý chứ không phải lỗi của những thí sinh đã “đỗ mót” vào các trường kể trên. Đó cũng có thể xem là “thảm họa đầu vào” của ngành sư phạm năm nay vậy!

2. Cách đây đúng 2 năm, Tổng thống Mỹ Obama đã thực hiện chương trình cải cách giáo dục mang tên “Race to the Top” (Vươn lên hàng đầu) có trọng tâm là đánh giá năng lực giáo viên. Trong chương trình này, ông nhấn mạnh là ngành giáo dục cần phải phân loại được giáo viên đang làm tốt và không làm tốt công việc dạy học. Chính phủ sẽ hỗ trợ và đào tạo giáo viên đến nơi đến chốn. Nhưng nếu giáo viên sau khi được hỗ trợ vẫn dạy không tốt thì cần phải nghỉ việc.

Không thể vin vào việc càng ngày càng thiếu thí sinh thi vào ngành sư phạm mà tiếp tục bòn mót những sinh viên kém vào đạo tạo rồi cho “ra lò” những giáo viên mỏng kiến thức để “gõ đầu” trẻ. “Thảm họa” nào cũng sẽ qua đi nếu biết tìm cách khắc phục. Hiện nay, nhiều sinh viên khá, giỏi ra trường vẫn đang chạy đôn, chạy đáo kiếm việc, dù không phải cử nhân sư phạm. Vậy thì bằng chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ”, “trải thảm đỏ” với những người này, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho họ, chắc chắn người có tài thật sự sẽ không ngại thử thách. Như thế, vừa cho thấy lãnh đạo đủ tâm và đủ tầm trong việc sử dụng người tài, vừa không để lãng phí “nguyên khí quốc gia”.

Lê Thư

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm