Văn chương và mùi nước tiểu

17/09/2011 07:28 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - 2 thứ nêu trên hầu như chẳng có mối quan hệ nào, nhưng tại cuộc hội thảo về thơ trẻ nhân Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần 8 vừa qua ở Tuyên Quang thì chúng lại có một sự liên hệ thú vị, ít nhất là qua phần phát biểu của nhà thơ, nhà phê bình “gạo cội” Vũ Quần Phương.

Sau khi lắng nghe một số nhà thơ trẻ “lập ngôn” về quan điểm sáng tác của mình, về cái gọi là “hành trình lửa” của các nhà thơ, nhà thơ Vũ Quần Phương đã cầm micro nêu luận điểm rằng trong sáng tác, nhiều khi không cần phải tuyên ngôn gì cả, cứ viết đi, cứ sáng tác một cách hồn nhiên, hết mình đi; còn việc phân định trường phái sáng tác là việc của các nhà phê bình…


Một số đại biểu tại Hội nghị viết văn trẻ. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Nhân đó, ông kể một câu chuyện lý thú bằng trải nghiệm của chính mình để chứng minh rằng “mọi thứ lý luận đều màu xám”. Số là hồi ông học trong ngành y, một bậc thầy của ông đã “truyền” một kinh nghiệm không giống ai để phát hiện người bị sỏi thận. Ấy là… ngửi tay bệnh nhân xem có mùi… khai không? Đúng là cả thế giới chẳng ai làm chuyện kỳ khôi như vậy. Nhưng bác sĩ Việt Nam áp dụng là có lý do của nó. Số là người bị sỏi thận khi đi tiểu thường bị nhói buốt, nhất là lúc sắp tiểu xong. Chính vì vậy theo phản xạ, người bệnh thường thò xuống hạ bộ để túm giữ lấy, hòng kìm lại cơn đau. Đó là cơ chế phản xạ rất bình thường của người bị sỏi thận mà có thể nhiều người biết, chỉ có điều, do người VN thường rất lười rửa tay sau khi đi vệ sinh, người bị sỏi thận cũng vậy, cho nên họ thường để lại mùi… nước tiểu đậm đặc sau khi “túm giữ”.

Quả là một tình tiết thú vị cỡ thám tử Sherlock Holmes Việt Nam mới có thể chỉ ra! Rõ ràng nếu các y bác sĩ chỉ học “lý thuyết” trong trường ốc thôi thì không thể có được kinh nghiệm lý thú này. Chỉ thực tiễn cuộc sống mới có thể chỉ bảo cho họ.

Tất nhiên, cử tọa tham dự cuộc tọa đàm trên không có ai xuất thân trong ngành y, cho nên không ai dám phản biện “kinh nghiệm” nói trên của nhà thơ Vũ Quần Phương.

Xin bái phục kiến thức y khoa của nhà thơ, nhà phê bình Vũ Quần Phương. Tôi tin rằng, nếu tiếp tục theo ngành y, ông sẽ là một chuyên gia giỏi. Song, nếu vậy thì nền văn học nước nhà không chỉ mất đi một nhà thơ lớn mà còn mất đi một chuyên gia phê bình đầu ngành với khả năng “ngửi” văn chương số 1.

Những người viết trẻ và những người yêu văn chương chắc chắn sẽ phải ghi nhớ điều ông muốn gửi gắm qua câu chuyện rất “đời” kể trên: Mọi thứ lý luận đều màu xám/Và cây đời mãi mãi xanh tươi.

Nobita

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm