Đừng nhìn di sản bằng con mắt sợ hãi

20/07/2011 11:02 GMT+7

(TT&VH) - 1. Có lẽ chưa có một lễ hội truyền thống nào mà lại gây nhức nhối cho giới chuyên môn và dư luận xã hội như Lễ khai ấn đền Trần. Cũng chưa có lễ hội nào mà ngành văn hóa lại phải xây dựng cả một đề án với hàng loạt các hội thảo lớn để tìm cách “ứng phó” với nó như vừa qua, mà rốt cục vẫn chưa đâu vào đâu.

Nhân cuộc hội thảo rầm rộ về chủ đề này vừa được tổ chức hôm 18/7 tại Nam Định, với các ý kiến tranh cãi quyết liệt, tôi lại nhớ tới một bài báo nhỏ của nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang đăng trên TT&VH vào khoảng năm 2002. Khi đó, Lễ khai ấn đền Trần vẫn được xem là một lễ hội kỳ thú, thu hút sự hiếu kỳ của công chúng. Trước xu thế người người đi trẩy hội xin ấn với mong muốn thăng quan tiến chức, nhà nghiên cứu già suốt đời ở chốn hương thôn này đã cảnh báo rằng, đó là một cách hiểu sai lệch về phong tục tốt đẹp của cha ông.

Hàng ngàn người chờ đợi được phát ấn - Nguồn:  Đất Việt

Ông cho rằng Lễ khai ấn không hề có ý nghĩa cầu thăng quan tiến chức, mà chỉ để tưởng nhớ việc các vua quan đời Trần trở lại công đường bắt đầu các công việc một năm mới sau kỳ nghỉ lễ Tết. Như thế, nó còn bao hàm ý nghĩa “nhắc nhở” quan chức thời đó đừng mải mê dùng xe (ngựa) công đi vui Xuân hoặc dền dứ hội hè tháng Giêng mà xao nhãng việc triều chính.

Song nói một cách công bằng, thì đó là những thói xấu mà người ta mang đến, hoặc cố tình gán cho lễ hội này, chứ không phải là ở tự thân nó. Cái tệ của xã hội nằm trong lòng người, nhân cớ Lễ phát ấn mà bộc lộ ra thôi. Hiểu như vậy sẽ thấy Lễ khai ấn là nạn nhân chứ không phải nguyên nhân.

2. Di sản vật thể và phi vật thể đều tồn tại trong lòng cộng đồng và nó chỉ có thể tồn tại và phát huy giá trị khi được cộng đồng thừa nhận, gìn giữ. Khi di sản bị cộng đồng (hay nói chính xác là một bộ phận của cộng đồng) làm cho biến tướng thì phải do chính phần còn lại của cộng đồng điều chỉnh.

Điều đó có nghĩa là không nên ngăn cấm bằng các biện pháp hành chính. Mà sự ngăn cấm luôn là hệ quả của sự sợ hãi: Sợ không quản được nên mới cấm.

Vì thế, cách tốt nhất là điều chỉnh hành vi của những người trẩy hội. Nói như TS Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: “Chính quyền và cơ quan quản lý không nên can thiệp mà chỉ nên bảo vệ di sản không đi chệch giá trị mà nó vốn có”; và “cộng đồng cũng phải hiểu rõ về di sản của mình và phải cam kết thực hành đúng nghi thức truyền thống”.

Tất nhiên, để làm được điều này không phải ngày một ngày hai. Nhưng một khi cả xã hội đều không có sự “tiếp tay” cho lễ hội này biến tướng (từ khâu tổ chức đến khâu tuyên truyền); thì dần dà sự mê lú bởi tham vọng chức quyền trước tờ ấn đền Trần sẽ giảm đi, và Lễ khai ấn đền Trần sẽ dần trở về với vạch xuất phát của nó. Khoảng thời gian để nó trở về vạch xuất phát nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào dân trí có sớm cao lên không?

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm