Học lại triết lý kinh doanh của Bạch Thái Bưởi

13/07/2011 10:40 GMT+7

(TT&VH) - 1. Hiện nay, thương lái nước ngoài đang đổ xô sang Việt Nam, lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm để mua những thứ họ cần.

Đành rằng, được giá thì nông dân có quyền bán, nhưng qua đây có thể thấy rằng cả người nông dân, nhà khoa học đến nhà quản lý đều không làm chủ được nguồn nguyên liệu và kênh phân phối đầu vào của sản xuất.


Quả vải thiều trên đường đi Trung Quốc

Lúc này, tinh thần dân tộc cần phải được đánh thức như tinh thần “tẩy chay khách trú”, phong trào “Người Việt dùng hàng Việt” đã được tư sản dân tộc Việt Nam phát động cách đây 90 năm (1919) trong cả nước mà lịch sử đã ghi lại. Xin trích: “Phong trào lan rộng ra cả nước, đặc biệt ở các thành phố tập trung đông Hoa kiều ở Bắc Kỳ như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... Nhất là ở Hà Nội, trong mấy ngày này, những phố Hàng Buồm, Hàng Ngang là nơi Khách trú buôn bán nhiều, người ta đi lại như nước chảy, ai nấy khuyên nhau không nên mua đồ hàng Khách, đừng nên ăn ở các hàng cao lâu Khách. Hiệu Khách trong mấy ngày phải đóng cửa buổi tối. Thành phố bày ra một cảnh tượng rất mới lạ”.

Đánh giá ý nghĩa của sự kiện này, báo cáo chính trị của Phủ Toàn quyền năm 1919 viết: “Phong trào tẩy chay xảy ra ở Sài Gòn này tuy rằng quá trớn, nhưng cũng có ý nghĩa rằng tư tưởng đã đổi mới, mới đây ít năm thì người Nam Kỳ chẳng những không thích mà còn sợ cái việc buôn bán, bây giờ thì họ thấy thương mại là quan trọng cho họ và họ cần phải cố gắng trên cái hướng này”.

Bên cạnh việc “tẩy chay Khách trú”, người Việt Nam hãy là “người Việt yêu hàng Việt”. Từ nhà kinh doanh Việt Nam đến người tiêu dùng Việt Nam “3 không” (không bán, không mua, không dùng) hàng nhập lậu qua biên giới và thay bằng các sản phẩm Việt Nam. Lúc này, các nhà sản xuất Việt Nam cũng vì yêu nước, vì người tiêu dùng Việt Nam hãy sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu của đất nước.

2. Ngày nay trong thời đại hội nhập WTO, hàng hóa các nước đều được “thông quan”, “bình đẳng” trên thị trường, cạnh tranh với nhau bằng chất lượng, giá cả. Song cái tâm lý “sính ngoại”, “vọng ngoại” thâm căn cố đế vẫn còn tồn tại, thậm chí ngày càng phát triển. Chính tâm lý ấy đã tạo ra sự bất bình đẳng, làm thua thiệt cho hàng nội. Chính vì vậy phải thay đổi cái tâm lý này.

Tôi lại nhớ đến cụ Bạch Thái Bưởi, một người tiêu biểu trong việc khích lệ tinh thần “người Việt dùng hàng Việt” để chiến thắng trên thương trường.

Năm 1909, ông đã gỡ tên các tàu cũ thuê lại của Pháp, đặt lại tên bằng những danh nhân, địa danh lịch sử của Việt Nam như: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi. Còn chúng ta hiện nay thì sao? Theo yêu cầu của thương nhân Trung Quốc, nhiều người đến cả quả trứng muối cũng bọc trong một bao nilông in logo và chữ Trung Quốc, đóng vào thùng cũng in chữ Trung Quốc (đọc bài Mê trứng vịt chạy đồng - Báo SGTT). Bán cơm bụi cũng phải trưng ra những cái biển quảng cáo với những dòng chữ không phải chữ của người Việt, và còn rất nhiều nữa.

Nếu Bạch Thái Bưởi khi mở tuyến Bến Đục - Chùa Hương với sông Đáy, Hà Nam, đã quảng bá “hàng Việt” bằng văn chương, thơ phú đậm chất Việt Nam “Sông Phủ Lý gần kề cạnh bến/Thuyền hỏa xa vừa đến thời đi/Chèo Lan trỏ nẻo Đục Khê/Lại từ Bến Đục đua về Hà Nam...”. Xưa kia, thương nhân người Hoa chèn ép Bạch Thái Bưởi nhằm hạ gục ông bằng nhiều cách như thấy ông hạ một giá tàu, họ hạ hai, ông hạ hai, họ hạ bốn. Ông mua trà mời khách đi tàu, họ mua thêm bánh ngọt. “Cuối cùng, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ ra cách trải chiếu hoa ở trên tàu thủy để những người chân lấm tay bùn cũng có thể ngồi chiếu hoa. Ông đặt hòm “lạc quyên” trên tàu để người Việt, ai ủng hộ thương gia Việt bỏ tiền vào đó giúp đỡ. Kết quả là người dân đã bỏ tàu của “ngoại” mà đi tàu người Việt. Niềm tin vào đồng bào mình đã vực ông đứng dậy và đứng thẳng lên”.

3. Hãy nhớ lại một tình tiết liên quan đến Bạch Thái bưởi trong lịch sử để học lấy cái triết lý kinh doanh của ông: “Trong một cuộc họp của Hội đồng kinh tế lý tài có Bạch Thái Bưởi tham dự, do bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, Bạch Thái Bưởi bị Renê Robanh - Thống sứ Bắc Kỳ lúc đó, đe dọa: Nơi nào có Robanh thì không có Bạch Thái Bưởi. Ông đã đáp lại: Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robanh. Tôi kinh doanh trên đất nước tôi, xung quanh tôi là đồng bào tôi, chẳng lẽ đồng bào tôi không ủng hộ tôi hay sao?”.

Lúc này, cần sử dụng tinh thần dân tộc để làm vũ khí cạnh tranh, trên đất Việt Nam, xung quanh các doanh nghiệp và những người nông dân làm ra hàng hóa, chính là đồng bào của mình, chẳng lẽ chúng ta không ủng hộ nhau?

Phạm Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm