Gót chân A-sin của hiệp sĩ đường phố

04/07/2011 14:09 GMT+7

(TT&VH) - Đang lo lắng cho trường hợp một hiệp sĩ đất Bình Dương bị cướp tổ chức truy sát phải nhập viện, thì lại hay tin nhóm hiệp sĩ ở đất này vừa lập thêm 2 chiến công mới trong ngày 2/7. Họ tóm gọn gã ăn trộm dây điện đang chở tang vật bằng xe máy, và bắt sống một gã ăn cắp xe máy đang trên đường tẩu thoát.

Qua tường thuật lại, tôi hình dung ra việc bắt cướp của các hiệp sĩ không chỉ đơn thuần là mai phục, đón lõng “con mồi” mà các anh cũng tổ chức đi “tuần tra đêm”, phát hiện những đối tượng có biểu hiện khả nghi (như gã ăn trộm dây điện chở bao tải vào lúc rạng sáng, còn gã ăn cắp xe máy thì có biển số lạ...). Sau đó các anh bám sát đối tượng, tất nhiên nếu đối tượng bỏ chạy hoặc chống trả thì các anh sẽ khống chế hoặc buộc phải về công an phường làm rõ. Quá trình truy đuổi, khống chế đối tượng hoàn toàn không đơn giản như đi bát phố, mà là cuộc săn bắt cướp thực sự, với không ít lần các anh hiệp sĩ phải đổ máu, thậm chí hy sinh tính mạng như trường hợp hiệp sĩ Nguyễn Xuân Chinh năm 2010.

Khánh - kẻ ăn cắp xe máy đã bị các hiệp sĩ tóm gọn sau 8 km truy đuổi
- Nguồn: Vnexpress

2. Đây không phải lần đầu tiên dư luận lo lắng cho số phận của các hiệp sĩ đường phố sau những chiến công thầm lặng. Ở đây không chỉ là chế độ, chính sách, cũng không chỉ là thiết bị, phương tiện (vì họ không phải là lực lượng vũ trang). Cái đáng lo nhất là tư cách pháp lý cho hoạt động của lực lượng này.

Sở dĩ tôi kể ra khá tỉ mỉ quá trình bắt cướp của các hiệp sĩ đường phố như trên, vì quá trình “tác nghiệp” của các anh bộc lộ rất nhiều những sơ hở về mặt pháp lý.

Chúng ta có thể thống nhất với nhau, là toàn dân đều có quyền (thậm chí trách nhiệm) phải ngăn chặn những mối hiểm nguy cho xã hội, hay cụ thể là bắt trộm, bắt cướp. Tuy nhiên, với người dân bình thường, thì họ chỉ “động thủ” khi đối tượng đã có biểu hiện “gây án” rõ ràng: cạy cửa, cướp giật... chứ không có quyền truy hỏi, khống chế một đối tượng khả nghi theo quan điểm chủ quan của mình. Chẳng hạn, một người đàn ông điệu bộ tất tả chở một bao đồ vào lúc rạng sáng là rất khả nghi. Đó có thể là một gã ăn cắp, nhưng cũng có thể chỉ là một người đàn ông vừa được lên chức bố và đang tất tưởi mang chăn ra bệnh viện cho vợ đẻ. Các chiến sĩ cảnh sát cơ động hoàn toàn có thể yêu cầu anh ta dừng xe để “xác minh” những thứ khả nghi đó. Cho dù thân phận anh ta như thế nào thì việc bị cảnh sát cơ động hỏi thăm cũng là chuyện bình thường và người đàn ông đó phải chấp hành.

Nhưng nếu là các hiệp sĩ đường phố thì sao? Người đàn ông đó đang rất vội, nếu bỗng dưng có toán người bắt anh ta phải dừng lại mà lại không phải bằng hiệu lệnh còi hay dùi cui, rồi truy đuổi, ép xe anh ta vào lề đường mà trên mình lại không đeo phù hiệu, sắc phục, không đi xe đặc chủng; khi tra xét anh lại không có thẻ công an... Vậy thì liệu có ổn không? Chưa kể nếu mang thứ quý giá trên xe, anh ta lại tưởng hiệp sĩ đường phố là kẻ xấu giả danh và chống cự quyết liệt, hô hoán lên là bị cướp, người dân lại đổ ra để... đánh cướp, thì vấn đề đã bị đẩy đi quá xa.

3. Gần đây có chuyện lực lượng công an mặc thường phục giám sát người đi đường vi phạm luật giao thông. Mặc dù sự vi phạm đã rõ rành rành, nhưng khi kiểm tra vẫn phải có sự hiện diện của lực lượng chức năng mặc sắc phục. Điều đó là cần thiết, vì việc khống chế một công dân hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản mà phải tuân theo những quy định hết sức chặt chẽ: ai bắt, bắt như thế nào, trình tự thủ tục ra sao?

Tôi hoàn toàn ủng hộ và cố gắng mài sắc lòng can đảm để có thể noi gương những hiệp sĩ đường phố - những chàng Lục Vân Tiên của thời đại ngày nay. Thế nhưng, để rõ ràng việc bắt cướp chuyên nghiệp, kèm theo truy đuổi, xét hỏi, điều tra, khống chế, mai phục... thì phải cần Nhà nước mở rộng phiên chế của lực lượng an ninh, trật tự, đưa các anh vào hàng ngũ những người “vì an ninh tổ quốc, vì bình yên cuộc sống”. Như thế, gót chân A-sin của những hiệp sĩ đường phố mới không bị bộc lộ.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm