Thành nhà Hồ - thành trì của hòa bình

29/06/2011 10:51 GMT+7

(TT&VH) - Khi tin mừng Thành nhà Hồ trở thành di sản văn hóa thế giới thứ 15 của Việt Nam, tôi bèn lật giở Đại Việt sử ký toàn thư, hy vọng tìm được những trang sử hào hùng xung quanh việc xây dựng và chiến đấu ở tòa thành có giá trị nổi bật toàn cầu này.

Hẳn bất kỳ ai cũng phải kinh ngạc khi bằng những phương tiện thô sơ ở thế kỷ 15, nhân dân ta đã vận chuyển những khối đá xanh nặng tới 26 tấn, đưa lên độ cao tới 10m để lắp ghép tạo tác thành một tòa thành bề thế đến như vậy. Kỳ công ấy xứng đáng được xem hiện tượng đột khởi, vô tiền khoáng hậu, thậm chí có thể liên tưởng tới kỳ công xây dựng Kim Tự Tháp ở Ai Cập cổ đại.

2. Song điều tôi ngạc nhiên là trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư lại hầu như không chép gì nhiều về kỳ tích xây thành Tây Đô - mà nay ta gọi là Thành nhà Hồ. Vẻn vẹn chỉ có một đoạn như sau: Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để dùng vào việc xây thành. Trước đây xây thành Tây Đô, tải nhiều đá tới xây, ít lâu sau lại bị sụp đổ, đến đây mới xây trên bằng gạch, dưới bằng đá.

Chưa kể đến tính chính xác của đoạn chép trên cũng còn phải bàn thêm, song rất dễ có thể phỏng đoán rằng, vì sử cũ coi cha con Hồ Quý Ly là “ngụy triều” nên sự ghi chép còn ít ỏi. Trong cuộc kháng chiến ngắn ngủi của nhà Hồ, sử cũng không chép trận chiến khốc liệt nào xảy ra ở thành Tây Đô, mặc dù phương thức tác chiến cơ bản của nhà Hồ là dùng quân đội mạnh dựa vào hệ thống phòng vệ vững chắc để cố thủ cự địch. Phải chăng, những viên đá tròn tìm thấy ở Thành nhà Hồ được xem là đạn đá để bảo vệ thành chưa hề tìm thấy chiến công?


Những viên đá tròn được tìm thấy ở Thành nhà Hồ

3. Cuộc kháng chiến của nhà Hồ 600 năm trước đã thất bại và nhiều chính sách kinh tế - tiền tệ - quân sự hết sức mới mẻ, thậm chí đi trước thời đại của cha con Hồ Quý Ly cũng sớm lâm vào bế tắc vì không được lòng dân. Nói như danh tướng Hồ Nguyên Trừng: Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo. Ngôi thành đá “kì vĩ” vô tiền khoáng hậu của cha con Hồ Quý Ly cũng không thể bằng thành trì trong lòng nhân dân.

Trong tư duy lịch sử của thời hiện đại, chúng ta hiểu rằng, Thành nhà Hồ không phải là kỳ tích do một cá nhân nào dựng lên, dù là một ông vua, mà nó thuộc về nhân dân, do ông cha ta từ 600 năm trước đổ mồ hơi, xương máu dựng nên. Nhà Hồ có thể chưa kịp lập nên những chiến công hiển hách xung quanh tòa thành này, nhưng gần 20 năm sau, những khúc tráng ca chống quân xâm lược phương Bắc đã rền vang xung quanh thành Tây Đô (còn gọi là Tây Kinh) trong khí thế chẻ tre của nghĩa quân Lam Sơn: “Thừa thắng ruổi dài, Tây Kinh ta thu lại/Ruổi binh tiến đánh, Đông Đô đất cũ thu về/Lạng Sơn, Lạng Giang thây chết đầy đường/Xương Giang, Bình Than máu trôi đỏ nước/Ghê gớm thay sắc phong vân phải đổi/Ảm đạm thay ánh nhật nguyệt phải mờ” (Đại cáo bình Ngô).

Tôi tiếc là phim lịch sử cổ trang của chúng ta còn quá yếu, chứ nếu không, ta hoàn toàn có đủ cảm hứng để dựng lại những trận chiến công phá quân Minh xung quanh thành Tây Đô của nghĩa quân Lam Sơn.

Xin được chép lại những trang sử không thể quên trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 5 (năm 1425), vua sai Tư không Lê Lễ đi tuần ở Diễn Châu. Lễ đặt phục binh trước. Quân Minh không biết. Gặp khi Đô ty Trương Hùng của nhà Minh đem hơn 300 chiếc thuyền chở lương từ Đông Quan (lúc này quân Minh đang chiếm và đổi tên thành Thăng Long là Đông Quan). Trong thành mừng lắm, tranh nhau mở cửa thành ra đón. Quân phục thình lình nổi dậy, chém viên Thiên hộ họ Tưởng và hơn 300 quân giặc. Hùng tháo chạy, Lễ cướp lấy thuyền lương rồi đuổi theo, vừa đi vừa đánh, đến tận thành Tây Đô”.

“....Bấy giờ, giặc đều đến cứu thành Nghệ An, vua (tức Lê Lợi) đoán là các thành Tây Đô đều đã suy yếu, liền chọn 200 quân tinh nhuệ, 2 thớt voi, sai bọn Lê Lễ, Lê Sát, Lê Nhân Chú và Lê Triện, Lê Bị đi gấp theo đường đất đánh úp thành Tây Đô, chém được hơn 500 thủ cấp giặc, bắt sống được rất nhiều. Quân Minh đóng cửa thành cố thủ. Dân cư ngoài thành, bọn Lê Triện đều phủ dụ được cả. Bấy giờ người Thanh Hóa tranh nhau đến cửa quân xin liều chết đánh giặc”.

Bài ca hùng tráng “bình Ngô” kết thúc khải hoàn sau khi ta đã đánh cho chúng thất điên bát đảo, chấp nhận cho chúng giảng hòa để giữ tình hòa hiếu, cấp cho “Vương Thông, Mã Anh vài ngàn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run” . Những người chép sử đã chép đầy ý tứ: “Ngày 17 (năm 1428), Vương Thông nhà Minh dẫn quân bộ đi sau. Thông cùng vua nói chuyện từ biệt suốt đêm rồi đi. Vua sai đưa trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ cùng các lễ vật tiễn chân rất hậu. Quân thủy, bộ của ba thành Tây Đô, Cổ Lộng, Chí Linh cùng lục tục rút tiếp. Từ đây, việc binh đao dập tắt, khắp thiên hạ thái bình” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Vậy là thành Tây Đô đã chứng kiến một trong những toán quân Minh cuối cùng rút về nước trong sự nhục nhã. Tòa thành đón nhận sự thái bình và rồi 600 năm sau, ngày 27/6/2011, thành Tây Đô (hay Thành nhà Hồ) đã trở thành di sản của toàn nhân loại. 

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm