Uyên Linh “thất sủng” và việc phơi mình lên báo

25/05/2011 10:55 GMT+7

(TT&VH) - Khi nghĩ về việc nổi tiếng và lên báo, tôi nhớ nhất câu nói của GS Ngô Bảo Châu qua tường thuật lại của thân mẫu anh - PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền. Sau 5 tháng gần như không tiếp xúc với báo chí, đến lúc đó (dịp Tết 2011), bà mới cởi mở tâm sự về niềm vui sướng “như được nhân lên bao lần” so với người khác, khi thấy con mình giành được vinh quang. “Nhưng, sự chia sẻ niềm vui sướng ấy tôi muốn dành riêng cho Châu thôi, chứ không phải tất cả những chuyện riêng tư cứ “phơi” hết lên báo. Châu bảo “phơi” như thế nó khô hết” - bà nói.

1. Bà cũng kể rằng: “Châu chỉ muốn được tĩnh lặng. Có lần Châu bảo với mẹ: “Biết bao giờ cho cái năm “rắc rối” này nó qua nhanh đi để con lại ngồi làm toán”.

Mỗi người có một cách ứng xử riêng khi được (hay vô hình trung, hay bất đắc dĩ) trở thành “người của công chúng”. Trong giới nghệ sĩ cũng vậy, có người chỉ nhăm nhăm tạo scandal để “hâm nóng tên tuổi”, nếu không e công chúng quên mất. Lại có người ẩn dật với báo chí, không chịu lên báo, dù các nhà báo có “tam cố thảo lư”. Lại có những người khoan thai, điềm đạm, không chạy theo và cũng không lảng tránh dư luận, có cái gì mới (về mặt nghề nghiệp) thì lên báo, không có gì mới thì chối từ. Hạnh phúc thì chia sẻ, đau khổ cũng không giấu...

Cách ứng xử nào cũng có lý do của nó, cũng có cái hay, cái dở... Và nhìn chung dư luận nên tôn trọng “quyền riêng tư” của những người nổi tiếng, đồng thời cũng nên đề phòng những người lạm dụng chuyện riêng tư để được nổi tiếng.



Uyên Linh bị "thất sủng"?

2. Cô Uyên Linh bị báo chí nói rằng đang bị “thất sủng”, chứng cớ là sức hút của cô trên báo đã “nguội lạnh”, thay vì kín lịch phỏng vấn đến tháng 4/2011 như cô phát biểu trước đó. Bài báo có ý trách cô quá tự tin, hay nói thẳng ra là quá “chảnh”, không đáp ứng lại tình cảm của người hâm mộ, nên dần bị xa lánh. Và một minh chứng nữa cho việc cô bị thất sủng là đêm Bước nhảy hoàn vũ mới đây, cô đã đến, chủ động chào mọi người, thậm chí nán lại, nhưng chẳng ai vồn vã với cô, thậm chí còn có vẻ ghẻ lạnh, xa lánh. Nghe mà thấy tội, MC chọn khách mời Ngọc Khuê để phỏng vấn, trong khi “ăn bánh bơ, đội mũ phớt” với cô dù cô ở ngay bên cạnh. Đó là “bài học” cho cô và cho các Idol khác.

Đọc đến đây, tôi hơi lăn tăn với từ “thất sủng”. Báo chí dù là đại diện cho dư luận, công chúng, nhưng không phải là ông vua, mà có thể khiến một đại thần hay một cung phi nào đó lâm vào cảnh bị thất sủng nếu làm hoàng thượng “mếch lòng”. Nếu báo chí yêu ai hay ghét ai với tư cách cá nhân thì không còn là “người đưa tin” trung thực công tâm nữa rồi.

Xem ra cách “phớt lờ” với Uyên Linh để trả đũa vì cô không chịu lên báo, hơi giống cách trẻ con “étte” nhau ở trường, khi cả hội cùng quay lưng lại với một cô nàng đanh đá nào đó, hay một cậu học giỏi nhưng mắc bệnh sĩ.

3. Trách nhiệm của nghệ sĩ với công chúng không phải ở chỗ phải liên tục xuất hiện trên báo (nhất là khi chẳng có gì mới), phơi bày hết gan ruột (phơi ra thì “khô” mất như cách ví von của GS Ngô Bảo Châu)... mà chính là ở sự sáng tạo nghệ thuật, đáp ứng sự mong mỏi của người hâm mộ và đóng góp cho nghệ thuật nước nhà. Đó còn là trách nhiệm đối với các hoạt động xã hội khác (rõ nhất là từ thiện).

Chọn cách ít “phơi” mình trên báo, có khi lại là một cách hay để giữ gìn khoảng lặng cho mình để phát triển.

Xem ra bị “thất sủng” lại chính là cơ hội cho Uyên Linh bứt phá và bài học (nếu có) dành cho cô trong những chuyện vừa xảy ra, là hãy bình tĩnh và chỉ nên quan tâm đến nghệ thuật.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm