Đề kháng văn hóa qua ngắn dài, dày mỏng

07/05/2011 07:58 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Bộ VH,TT&DL mới có văn bản gửi các Sở trực thuộc để yêu cầu xử lý các trường hợp sử dụng trang phục biểu diễn không phù hợp với thuần phong mỹ tục. TS cổ sinh học Vũ Thế Long điểm lại những trải nghiệm “cấm áo, cấm quần” ông từng qua.

50 năm trước, chúng tôi còn là học sinh, sinh viên. Đoàn thanh niên khi ấy vận động thanh niên: nam mặc quần soóc, nữ mặc váy bởi đất nước ta còn nghèo, thiếu vải. Ngày ấy vải thiếu thật chứ không phải thiếu vải theo mốt hở hang như bây giờ. Phong trào bùng lên một thời rồi tắt ngấm.

Tôi thích mặc quần soóc vào mùa Hè vì vừa mát, vừa thuận tiện cho công việc. Mặc quần soóc đến cơ quan làm việc, có người nhìn mình như lão dở hơi. Tôi chìa tấm ảnh cụ Hồ mặc quần soóc tiếp tướng Pháp, Võ Đại tướng mặc quần soóc duyệt binh năm xưa ra. Họ chịu nhưng không mấy ai học theo.

Có một thời vận động nếp sống mới, đi công tác nông thôn, thấy đầu làng treo cái nong cũ to đùng làm khẩu hiệu. Trên nong chĩnh chện mấy dòng viết bằng vôi trắng: “Cấm vào làng/Đầu đít vịt/Quần ống tuýp/Sa chiêng nhọn”. Ở thành phố cũng cấm quần ống tuýp, ống loe. Có chuẩn đàng hoàng. Quần nào không nhét vừa cổ chân cái chai bia là ống tuýp. Quần nào nhét vừa chai sâm-banh là quần ống loe. Tóc dài, quần loe, quần tuýp, hát nhạc vàng… đều là biểu hiện của văn hóa đồi trụy, cần tẩy trừ bằng sạch. Người ta bảo: “Cái quần nó loe vì cái đầu nó loét”.

Phong trào làm mạnh đến thế rồi cũng lại chìm nghỉm. Chẳng ai nhắc đến nữa. Sau này có cho mặc những thứ ấy cũng chẳng ai mặc vì cái mốt đã lỗi thời. Rồi người ta lại quay trở lại hát nhạc Tiền chiến.

Tôi chẳng phải nghệ sĩ, cũng chẳng phải nhà quản lý văn hóa. Nhưng, thiết nghĩ, đất nước có văn hóa cao bao giờ người ta cũng kính trọng nghệ sĩ và bác học. Kẻ tầm thường, ăn mặc lố lăng, phi văn hóa đương nhiên không thể được nhân dân coi là nghệ sĩ. Xã hội là người đánh giá công bằng nhất. Một xã hội có trình độ văn hóa cao tự công chúng sẽ tôn vinh những nghệ sĩ thực thụ và bài trừ những tên nghệ sĩ rởm.

Vấn đề không phải là ban những lệnh cấm mặc dài mặc ngắn, mặc dày mặc mỏng, hở nhiều hở ít. Những hành vi ngăn cấm, cắt quần, cắt áo cực đoan thuở nào chỉ chứng tỏ đấy là một hành vi kiểm soát văn hóa phi văn hóa vô bổ mà thôi. Vấn đề là giáo dục sao cho người dân có thẩm mỹ văn hóa tốt. Khi đó những hành vi phi văn hóa trong xã hội bị dân chúng tự giác tẩy chay, công luận lên án. Lúc ấy, chẳng cần cấm đoán những bộ cánh phi văn hóa cũng tự biến mất.

Một khi, trên sân khấu những kẻ ăn mặc lố lăng hở hang vẫn vênh vênh tự đắc, vẫn được công chúng kém hiểu biết nịnh bợ tán tụng thì rõ ràng là nền văn hóa ấy có vấn đề, cần phải kịp thời chấn chỉnh. Chúng ta có cả một Bộ Văn hóa, nhiều Viện nghiên cứu và cả một bộ máy tuyên truyền để có thể làm việc ấy.

KT (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm