Cứu một huyền thoại

26/02/2011 13:55 GMT+7

(TT&VH) - Hồ Gươm của chúng ta cũng chứa đựng một truyền thuyết linh thiêng. Truyền thuyết được hiện thân bởi chính một sinh vật tồn tại bằng xương băng thịt nhưng vẫn mang trong mình nhiều bí ẩn. Sức hút của Hồ Gươm với du khách trăm miền, cả khách nước ngoài không chỉ bởi quang cảnh, mà còn bởi dưới làn nước trong xanh kia, chính sinh vật hiện thân của truyền thuyết trăm năm kia đang ăn, nghỉ, đi lại và thỉnh thoảng lại nổi lên cho thiên hạ chiêm ngưỡng. Nếu không có cụ rùa ngự dưới ấy, có lẽ hồ Gươm cũng bớt huyền bí đi vài phần.

>> Chuyên đề: Rùa Hồ Gươm lâm nguy

Ngẫm chuyện xứ người, tại Thành phố Straubing (Đức), sau khi nhận được tin báo một con thiên nga bị kẹt giữa hồ đóng băng, 25 lính cứu hỏa đã được cử ngay đến hiện trường để giải cứu con vật dù biết lớp băng trên mặt hồ không đủ độ dày, có thể gây nguy nhiểm. Họ liều mình trong đêm tối, nhưng sau đó phát hiện con thiên nga chỉ là đồ giả bằng… nhựa. Câu chuyện hơi khôi hài, nhưng cũng đủ thấy người ta ứng cứu sự an nguy của loài vật quanh mình như thế nào.

Năm 2009, báo chí Pháp đã “nhảy dựng” cả lên khi người ta phát hiện ra chú cá hồi trên dòng sông Seine. Đó là chuyện “ngoài sức tưởng tượng” bởi trước đó, con sông nổi tiếng nước Pháp đã gần như trở thành con sông “chết” vì ô nhiễm, rất nhiều loài cá đã biến mất khỏi dòng sông giữa “kinh đô ánh sáng”. Sự kiện cá hồi đã được tạp chí môi trường nổi tiếng National Geographic (Mỹ) đánh giá là 1 trong 10 sự kiện của môi trường thế giới năm 2009. Nó chứng tỏ, dòng sông đang trở lại thời nguyên thủy, hoang dã của nó và nỗ lực của các nhà chức trách trong cải tạo môi trường con sông đã bước đầu thành công.


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

So thế để có thể thấy, quyết định cứu cụ rùa đã được thành phố Hà Nội thông qua ngày hôm qua, không chỉ là cứu một sinh vật sống, mà là cứu một huyền thoại, một phần hồn của Hà Nội.

Rùa hồ Gươm, vốn gắn với truyền thuyết linh thiêng vốn cũng là động vật hoang dã. Nhưng giờ đây, “môi trường hoang dã” của cụ là 4 phía bê tông, người đi lại nườm nượp. Nước hồ ngập rong rêu, rác thải, đáy hồ lởm chởm gạch đá, lưỡi câu và cả… khung xe đạp. Đến đây, bất chợt tôi nhớ đến chú chó Bấc, vốn làm say mê hàng triệu trái tim trong cuốn tiểu thuyết kinh điển “tiếng gọi nơi hoang dã” của Jack London: “Bấc không biết đọc báo, chứ nếu có đọc thì hẳn đã gay go đến nơi rồi, không chỉ gay go cho riêng nó mà còn gay go cho cả họ hàng nhà chó vùng duyên hải, từ vịnh PiugitXao đến tận Xan Điego thứ chó có bắp thịt rắn khỏe và bộ lông đầy ấm áp. Ấy là con người ta, qua quá trình dò dẫm giữa đất trời tối tăm vùng Bắc cực, đã tìm thấy một thứ kim loại là vàng và bởi vì các công ty tàu biển và vận tải kháo rầm lên về sự phát hiện đó. Cho nên có hàng ngàn người đã đổ xô vào vùng đất phương Bắc. Những người đó cần có chó, mà thứ cho họ cần là thứ chó cỡ lớn, có bắp thịt khỏe có thể lao động nặng nhọc, mà bộ lông dày rậm rạp để chống đỡ với giá tuyết”.

Ở thế giới này, số phận loài vật phụ thuộc vào bàn tay con người. Cũng may, bởi cụ rùa cũng không đọc báo. Chứ nếu mấy ngày nay, báo chí đưa tin ầm ầm về cụ, nếu biết môi trường “nơi hoang dã” của mình như thế, bệnh tình cụ như thế, hẳn cụ cũng đã lo lắng nhiều lắm. Sự lo lắng ấy, liệu có nhanh chóng được giải tỏa? Tất cả còn chờ vào tay các bác sĩ của cụ.

Nguyễn Gia

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm