Sâu 700m và rộng 30.900 km2

26/10/2010 11:01 GMT+7

(TT&VH) - Tháng 10/2010. Đầu tháng, lũ lụt mênh mông vùng bắc miền Trung của Việt Nam. Giữa tháng, cả thế giới dồn tâm theo dõi cuộc giải cứu thần kỳ 33 thợ mỏ Chilê bị mắc kẹt ở độ sâu 700m dưới lòng đất. Rồi, cũng mấy hôm ấy, lại ào ạt mưa lũ lần nữa trùm lên 3 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình có tổng diện tích 30.900 km2. Và, nếu cuộc cứu người ở độ sâu kia được sống sót đã thuộc diện “kỳ diệu”, thì sự cứu sống, cứu đói... cho hàng chục vạn người trong vùng rốn lũ, sẽ đáng xếp vào bậc nào của tính nhân văn?

Biết bao nỗ lực phi thường của những người dân cùng lực lượng vũ trang và các cấp chính quyền. Sức mạnh nào giúp ông Ngô Tam cùng con trai và một người cháu lao thuyền đi trong đêm nước lũ mênh mông, để cứu được 350 người đang chới với trên các mái nhà, ngọn cây... ở Sơn Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Cùng với ông, còn hàng chục “thảo dân chợt thành dũng sĩ” như vậy. Với mỗi con thuyền kiếm sống hàng ngày của mình, họ đã giúp được vài người đến vài chục người thoát nạn.


Để tìm được chiếc xe khách, nhóm thợ lặn đã mất
40 giờ thay nhau lặn xuống đáy sông Lam.

Không bươn bả dọc ngang, song nhóm thợ lặn suốt 40 giờ thay nhau xuống đáy sông Lam để tìm được chiếc xe khách và qua đó, 14 nạn nhân được nguyên vẹn hình hài về quê hương. Kể sao hết bao tấm gương như vậy trong ngập nước, và khi nước chưa rút thì hình ảnh vị lãnh đạo TP.HCM ra thăm hỏi đồng bào, ngồi mũi thuyền mà khua mái chèo tạo lực đẩy, cũng gieo vào triệu người xem ti vi sự ấm lòng khôn tả.

“Vì đồng bào miền Trung bị lũ lụt”, lời ấy ngẫu nhiên thành mệnh lệnh hành động trong những ngày cuối của tháng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Lại thêm những con lợn tiết kiệm sớm được “moi bụng”, thêm các em nhỏ nhịn ăn sáng, các bậc cao niên bớt mua báo... để gom góp từ vài nghìn đồng gửi nơi đang “bĩ cực”. Ở một tổ dân phố thuộc thị trấn Đông Anh (Hà Nội) có chị cán bộ dân vận tự soạn rồi tự đọc lời vận động, khiến nhiều người ứa lệ khi nghe.

Như thế đó, qua cơn đại hồng thủy này càng thấy “khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Để tĩnh tâm hơn sau nguy cấp, ta càng thấy phải quyết liệt hơn nữa với việc ngăn chặn nạn phá rừng làm hủy hoại môi trường.

Nguyễn Quang Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm