Chuyện về những câu thành ngữ

16/10/2010 12:19 GMT+7

(TT&VH) - 1. Người Tày có từ “eo cáy” để chỉ cái anh chàng dẻo mồm hay tán gái. Eo cáy có nghĩa là “đĩ gà”, giống như mấy con gà trống, cứ thấy mái là sấn sổ ve vãn, quây bằng được, nhưng khi đạp mái thì lại ào cái xong ngay. Eo cáy là như vậy, là bọn vô tích sự, chỉ giỏi võ mồm!

Eo cáy ở Việt Nam chỉ coi là đùa, nhưng ở Âu - Mỹ, thì lại khác, dễ bị tòa án kết tội quấy rối tình dục nếu chẳng may bị kiện!

2. Người Thái có câu thành ngữ rất hay: “Nhá heng kha/ va heng hi”. Câu này có nghĩa là: “Đừng tưởng thấy đùi là đã thấy được... cái kia”. Có nghĩa là đừng có tưởng bở, dù hai cái đó gần nhau trong gang tấc, nhưng quyết không phải là một Câu tục ngữ dạy cho con người ta cuộc sống cần thận trọng khi dấn thân!

3. Người Tày có câu: “Ám khẩu pác ám rầu”, nghĩa là miếng nào vào mồm mới là miếng của ta. Chỉ có thể coi là của mình khi miếng đó nằm gọn trong miệng mình. Câu thành ngữ dạy cho người ta thận trọng khi đánh giá tình huống. Loại bỏ các thứ lạc quan tếu ra khỏi đời sống.

4. Người Tày Yên Bái lại có câu: “Mì ngần mì xèn, kha kháy kha/ Bấu mì ngần xèn kha kháy phà”. Có nghĩa là: “Có tiền có bạc chân gác chân/ Không tiền không bạc chân gác chăn”.


Thoáng nghe tưởng như câu tục ngữ nói về chuyện... mãi dâm, có tiền có bạc mới vào ngủ được với gái (chân gác chân) còn không tiền thì phèo (chân gác chăn).

Nhưng không phải. Câu tục ngữ này nói về tục cheo cưới ở vùng miền núi rất nặng nề tốn kém. Không có tiền bạc, đồng nghĩa với việc sẽ không lấy nổi vợ vì không có tiền bạc đưa cho nhà gái thì không thể cưới, đành chịu cảnh ế vợ, nằm khan một mình (chân gác chăn).

Nhưng câu ấy bây giờ dùng cho các nhà nghỉ thì hợp quá. Nhiều vị có chức quyền cũng hay thất bại ở câu thành ngữ này .

5. Người Tày Yên Bái lại có câu: “Mạ bấu khuýu pền bẻ/ hi nắm ẻ pền non”, có nghĩa là: “Con ngựa mà không đem cưỡi thì nó thành con dê/ cái... kia mà không được dùng thì nó thành con sâu”.

Câu tục ngữ về chuyện tình dục đề cập đến công năng của các bộ phận cơ thể. “Cái kia” nó chỉ có ý nghĩa khi được dùng đến. Không dùng thì sẽ hỏng. Nghĩa đen là như vậy.

Nhưng tôi còn cho rằng, câu này cũng có thể áp dụng để chỉ mối quan hệ giữa thực tiễn và lí thuyết. Nếu chỉ lí thuyết không thôi mà không ứng dụng vào thực tế thì ngựa cũng thành dê, “cái kia” cũng hóa con sâu...

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm