Trò Xuân Phả những điệu múa mặt nạ dị kỳ

17/09/2009 15:28 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Những người tham gia các vũ điệu trong trò Xuân Phả đều đeo mặt nạ được tô vẽ, sơn phết kỳ dị, ăn vận áo quần quái gở. Họ vừa nhảy múa, ca hát, vừa phát ra những âm điệu lạ lùng, khiến người nghe có cảm tưởng như bị lạc vào một cõi siêu linh huyền nhiệm…

Có người ví trò Xuân Phả với điệu Cheoyongmu (Múa mặt nạ) của người Hàn Quốc hay như một “lễ hội hóa trang” của người phương Tây nhưng lại mang đậm yếu tố cung đình và dân gian Việt trong từng điệu múa…  


Những mặt nạ “ma”

Trò múa Xuân Phả (tổ chức vào các ngày 10 và 11/2 âm lịch hàng năm tại làng Xuân Phố (nay là Xuân Phả, Thọ Xuân, Thanh Hóa) là một hệ thống múa cổ truyền đặc trưng còn mang nhiều bí ẩn, được lưu truyền qua nhiều thế hệ, vừa tập trung vào chức năng lễ thức hoặc biểu tượng vương quyền, vừa bảo lưu bằng những phong tục, lễ nghi là thờ thành hoàng làng Đại Hải Long Vương, một công thần triều Đinh và Tiền Lê (thế kỷ X).

Nghệ nhân Bùi Văn Hùng cho biết: “Hàng ngày, bà con xóm làng chả ai là không biết nhau, đặc biệt là các nghệ sĩ tham gia múa Xuân Phả. Thế nhưng, khi đã hóa trang, vào vai rồi thì không ai nhận ra ai được nữa. Thậm chí vợ con tôi đi xem múa Xuân Phả cũng chẳng nhận ra “thằng nào” là tôi, tay nào là ông hàng xóm... Tôi nghe nói, ở làng, có người không dám xem trò Xuân Phả là vì sợ tối về gặp ác mộng. Mà quả thật, nó ám ảnh kinh khủng. Nhiều khi tôi đi vào buồng (ông  Hùng là người chịu trách nhiệm giữ bộ mặt nạ trò Xuân Phả), tranh tối, tranh sáng, loáng thấy mặt nạ còn... rùng mình, nữa là...”.


Nghệ nhân Bùi Văn Hùng đang thực hiện một động tác trong một điệu múa Xuân Phả

Để chứng minh, ông Hùng vừa cho tôi xem một số mặt nạ vừa “điểm mặt nạ” trong năm điệu múa thuộc trò Xuân Phả ( là Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và Tú Huần (còn gọi là Lục hồn Nhung). Ở trò Chiêm Thành, áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm đỏ hồng, không thêu thùa hoa văn. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình. Chúa và quân, quấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu, ngậm mặt nạ nửa mặt, hình béo mập, mắt bằng lông công...

Trò Tú Huần có mũ loóng (bằng tre), mặt nạ gỗ hình bà cố, mặt nạ mẹ và mười người con xếp thứ tự từ nhỏ đến lớn. Mười con chia thành từng đôi, xếp hai hàng, tiến lùi theo người mẹ, hú lên ghê rợn sau mỗi lần nhảy, khi hát thì chân chèo xoạc ra còn tay gõ phách theo nhịp múa. Các nghệ nhân đội mũ tre như rế cài lóng, lạt tre làm tóc bạc, có quai đeo vào cằm, đội trên khăn vuông đỏ bịt đầu, đeo mặt nạ gỗ sơn trắng, vẽ mắt mồm đen, nói như lũ trẻ nơi đây thì nom như “mặt ma”, rất hãi. Mặt ông cố và mặt mẹ già nhăn nheo. Mười mặt con chia làm các đôi. Đôi nhất có một răng, đôi nhì hai răng, đôi ba ba răng, đôi bốn bốn răng, đôi năm mặt trẻ, trắng má hồng có năm răng...

Trò Hoa Lang có ông cháu, mế nàng và mười quân, trang phục mũ cao, áo dài, tay cầm quạt và mái chèo. Các nghệ nhân đội mũ da bò, đeo mặt nạ cũng bằng da bò vẽ bằng sơn trắng, mắt có lông công, có chạm rồng ở mũ Chúa, chạm mặt nguyệt ở mũ quân.

Trong năm điệu múa, thì chỉ ba điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Tú Huần có mặt nạ, đặc biệt trò Chiêm Thành và Hoa Lang người múa không đeo, mà ngậm mặt nạ nửa mặt bởi một chốt gỗ vào miệng. Trò Ai Lao có voi, hổ, chúa tể, người hầu và mười quân đội mũ rễ si, quấn phá ngang vai, chân quấn xà cạp, tay cầm xênh tre. Chúa Lào (đội mũ cánh chuồn, áo thụng xanh chàm),  hai bên có lính bảo vệ (mười quân). Cả đoàn đi trong tiếng xênh tre được gõ nhịp liên hồi, biểu hiện sức mạnh các chàng trai đi săn đầy sức mạnh nhưng cũng rất mềm mại, uyển chuyển. Trò Ngô Quốc có hai vị tiên, ông chúa và mười quân trang phục nón lính, áo màu xanh lam, tay cầm mái chèo. Mở đầu có người bán thuốc, người bán kẹo và thầy địa lý múa một đoạn ngẫu hứng rồi nhường chỗ cho hai nàng tiên và đoàn quân đi ra. Đoàn này múa quạt và khăn, tiếp đó múa mái chèo...


Mặt nạ dùng trong trò múa Xuân Phả (giá 2 triệu đồng/1 cái)
bằng chất liệu giấy gió bồi keo chống nước


Có người cho rằng sở dĩ có điệu múa Xuân Phả cùng các cung cách ăn vận, đeo mặt nạ, vũ lộng và phát ra những âm thanh theo vũ điệu là để nói lên tinh thần “Văn Lang” xuất phát từ mười lăm bộ trong quốc gia này lúc bấy giờ, với mục đích chứng tỏ tinh thần liên kết chặt chẽ chung quanh nhà vua... Cũng có nghiên cứu cho rằng múa trò Xuân Phả còn gọi là năm điệu múa Ngũ quốc, nói về năm phương đến chúc mừng nhà vua (vua Lê Thái Tổ) sau khi khải hoàn. Những điệu múa này là một phần dư vị anh hùng của các nền quân chủ phong kiến sau khi giành lại nền tự chủ, là lễ nhạc triều đình hoán vị và đơn giản hóa   một thứ lễ nhạc làng xã...

Đỉnh cao của nghệ thuật múa cung đình và dân gian Việt

Nếu đem so sánh trò Xuân Phả với một số điệu múa như múa Dậm (thờ Lý Thường Kiệt), múa Dô (thờ Tản Viên và bộ tướng của ông), múa hát tàu tượng ở Tổng Gối (Đan Phượng - Hà Nội)... thì thấy, những điệu múa này có sự pha trộn yếu tố cung đình và dân gian mang đầy tính chất ước lệ nhưng đầy huyền bí, lộng lẫy, phản ảnh quan niệm thẩm mỹ của dân tộc nói chung, của người nông dân nơi nó được sinh ra nói riêng. Trò Xuân Phả, vì vậy, “đủ tư cách” tạo nên, là một sinh hoạt văn hoá mà qua biểu diễn người dân thưởng thức được cả trên phương diện cảm thụ và hiểu biết sâu sắc về nó.

     “Trò Xuân Phả đã từng vài lần được triều đình nhà Nguyễn vời vào Huế để biểu diễn chốn cung đình cho vua và các quan trong triều xem. Mỗi chuyến “lưu diễn” như vậy có tới cả trăm người. Năm 1935, chính quyền đô hộ Pháp định đưa đoàn nghệ nhân sang Paris trình diễn, nhưng năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp nổi lên, việc không thành. Tuy nhiên, đến cuối năm 1936 thì phải, vua Bảo Đại mời trò Xuân Phả diễn tại Hội chợ Kinh đô Huế. (Xem Khảo sát Trò Xuân Phả - Hoàn Anh Nhân, Phạm Minh Khang, Hoàng Hải - Nxb. Âm nhạc, Hà Nội, 1997 - tr.95).
Trong năm điệu múa Xuân Phả, đặc biệt là trò Chiêm Thành và Hoa Lang, người múa chỉ dùng miệng cắn chặt lấy chốt phía trong của mặt nạ, để lòi hai mắt cắm lông công, chứ không đeo kín cả mặt. Trong năm điệu múa thì chỉ có điệu Tú Huần, Hoa Lang và Ngô Quốc có bài hát họa cùng nhưng lại chỉ có hai điệu Hoa Lang và Ngô Quốc có nữ tham gia ở các vai tiên, phỗng. Bài Hoa Lang chỉ hát khi chúa và quân múa xong, dạo trống bắt đầu  xắp mái chèo để chèo đò... Hát rằng: Trò tôi ở bên Hoa Lang/ Tôi nghe chính đức tôi sang chèo chầu/ Khoan là khoan, thuyền đà tới bến, quan ta chèo... Trò Tú Huần hát bởi nhân vật mẹ đứng đầu, cầm nhịp hát. Khi hát chân chèo kéo sệt sát đất: Tú Huần kia hỡi Tú Huần/ Mẹ đi đánh trống lấy phần con ăn/ Ăn rồi con lại giữ nhà/ Mẹ đi đánh trống rước cha con về... Điệu múa cuối cùng có hát họa cùng là điệu Ngô Quốc. Sau khi chúa múa dạo lên lối bái tàu, múa siêu đao, phất cờ, múa tay cùng bà nàng đối diện. Còn quân thì múa sạp xòe, dâng cao chân theo tay, theo nhịp trống đánh: cắc thùng cắc, cắc thùng cắc, thùng thùng thùng thùng thùng thùng cắc. Cứ cắc thì giậm chân, giậm hai cái rồi bước theo. Trong khi múa và bái có hô tiếng “xi lô” mười mái chèo như điệu Hoa Lan: ...Năm trống canh anh ngủ có ba/ Còn hai canh nữa anh ra trông trời/ Gió tăm tắp buồm chạy ra khơi/ Chàng về Bắc quốc, em thời An Nam...


Trong múa Xuân Phả, “điểm nhấn” thuộc về các nam nghệ sĩ với những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” qua nhiều động tác múa, tuyến múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt. Những điệu múa ấy gợi nhớ đến điệu múa Chư hầu lai triều, Bình Ngô phá trận dưới triều Lê Thánh Tông với các nghi thức cúng lễ có ở nhiều đám tế tự khác trước nghè thờ thành hoàng làng, ít gặp trong các điệu vũ dân gian quen thuộc bởi lời ca không liên quan gì đến múa, đảm bảo ổn định cả phần hồn lẫn phần sắc trong ngôn ngữ và cấu trúc múa...  

Đón xem tiếp Bài 2:
Trò Xuân Phả - Muốn thiêng phải xây lại nghè


Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam.

Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.


Huy Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm