Đờn ca tài tử: Ai giữ cuộc chơi sắp tàn?

17/03/2009 13:40 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Nhắc đến vùng sông nước Nam bộ, người ta thường nghĩ ngay đến câu vọng cổ, đến sân khấu cải lương, xem đây như là đặc trưng của xứ miệt vườn. Thế nhưng vẫn còn một dòng âm nhạc khác, lặng lẽ thôi, nhưng chính nó mới “rặt” Nam bộ, là “mẹ đẻ” của cải lương và từ bao đời nay nó đã “ăn vào máu” của người dân nơi đây, đó là đờn ca tài tử (ĐCTT).
 
"Tài tử" nhưng không nghiệp dư
 
Theo nhiều nghiên cứu thì nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (tục gọi Ba Đợi) - một nhạc quan của triều Nguyễn chạy vào Nam sau khi hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi - là người có công đầu trong việc kết hợp giữa nhã nhạc cung đình Huế với các làn điệu dân ca Nam bộ, tạo nên nhạc lễ Nam bộ và những bài bản tài tử. Cũng có người cho rằng ĐCTT còn bắt nguồn từ xa hơn. Hơn 200 năm trước, khi Đức Tả quân Lê Văn Duyệt vào Nam, Đức Tả quân cho rằng âm nhạc là để phục vụ nhân dân chứ không chỉ dành riêng cho giới quý tộc và nhạc cung đình cũng là từ dân gian đưa vô phục vụ vua quan. Tả quân đã “trả” nhạc lại cho dân chúng và đây là xuất phát của nhạc tài tử? Vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng chắc chắn là từ khi ra đời đến nay thì ĐCTT đã là “cái hồn” của vùng sông nước Nam bộ.
 
Một cuộc chơi ĐCTT ở nhà ông Hai Sáng
(ông Hai Sáng chơi đàn tranh)

Đúng với tên gọi của mình, ĐCTT rất “tài tử”. Người ta không gọi “biểu diễn” ĐCTT mà là “chơi” ĐCTT. Đơn giản vì ĐCTT là một cuộc chơi, một cuộc chơi ngẫu hứng của những tâm hồn phong lưu tìm bạn tri âm qua lời ca tiếng nhạc. Người ta có thể chơi ĐCTT mọi lúc mọi nơi: trong đám hội, lúc nông nhàn, khi rảnh rỗi, trong sân đình, trước sân nhà, ngoài bờ đê, cạnh bờ sông hay lý tưởng hơn là thả thuyền trên sông. Không ai quy định một cuộc chơi tài tử phải có bao nhiêu người. Bất cứ ai biết đàn, biết ca là có thể tham gia. Đôi khi một người một đàn cũng làm được một cuộc chơi, nhưng lý tưởng thì ngoài người ca ra cần đủ tranh - cò - kìm - sáo (sau này có thêm sến, độc huyền cầm, guitar phím lõm) cùng hòa điệu. Một cuộc chơi tài tử ít nhất cũng vài tiếng đồng hồ, có khi kéo tới... 2, 3 ngày. Ai đàn mệt, ca mệt thì ra nghỉ, có người vào thế, xong thì lại vào chơi tiếp, chơi tới hết người thì thôi.

Vì tính tài tử đó mà ĐCTT dễ bị hiểu lầm là bình dân, không chuyên nghiệp. Thực tế ĐCTT vừa là âm nhạc dân gian nhưng cũng là âm nhạc bác học. Tính dân gian thể hiện rõ qua sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân. Còn tính bác học là ở sự khuôn thước của các bài bản lớn.

Hệ thống bài bản của ĐCTT rất phong phú. Trong đó, quan trọng nhất là 20 bài tổ gồm: 6 Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Tây Thi, Cổ bản, Bình bán, Xuân tình), 3 nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo), 4 oán (Tứ đại, Giang Nam, Phụng hoàng, Phụng cầu), 7 bài nhạc lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc), thường là những bài lớn rất dài và phức tạp (có khi hơn 10 phút mới chơi hết một bài) và đạt trình độ “cổ điển” về nhạc lý. Ngoài ra còn có các bài lý, ngâm, 8 bài ngự... Cuộc chơi tuy tài tử nhưng người chơi không thể là tay ngang. Mà để “chơi” cho bằng anh bằng em thật không đơn giản chút nào khi để thuộc hết 20 bài tổ là đã có thể “bạc đầu”, lại còn phải tạo phong cách với các “ngón đàn” riêng, cách “luyến” riêng. Những “thầy đờn” có ngón đàn độc chiêu rất được coi trọng thường được những gia đình giàu có rước về nhà “thọ giáo”.

Sau giai đoạn phát triển cực thịnh vào nửa đầu thế kỷ trước, ĐCTT dần dần nhường bước trước cải lương và sau này gần như “chết lâm sàng” theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường.

Tụi nó ca cải lương chứ có phải ca tài tử đâu!

“Cải lương là cải lương, tài tử là tài tử, đâu có lẫn lộn được. Nhưng bây giờ hình như không ai thèm phân biệt cái này hết. Mấy câu lạc bộ ĐCTT ở nhà văn hóa cũng vậy. Mang danh là ĐCTT nhưng tụi nó chủ yếu ca vọng cổ, hát cải lương chứ có hát bài bản tài tử đâu. Tụi nhỏ sau này nghe cứ tưởng như vậy là tài tử lại càng chết nữa”, nghệ nhân Hai Sáng bức xúc. Là con nhà nòi (cha là nhạc sư Tư Nghi), ông Hai Sáng (sinh năm 1940) theo ĐCTT từ năm 15 tuổi. Từ sự “đúc kết” của người cha về những người vương mang “nhạc nghiệp”: “Nhỏ tới lớn chỉ đi chơi, bị cha mẹ chửi, có vợ rồi cũng đi chơi để vợ chửi, tới chết thì không ai... cúng”, ông đã bỏ tiền túi xây dựng “nhà thờ tổ” thờ tất cả những ai có đóng góp cho âm nhạc dân tộc mà ông gọi là “hiền nhân hậu tổ”. Khánh thành năm 2002, đến nay đã có hơn trăm cái tên được đưa vào “nhà thờ tổ”. Cũng từ thời gian này, ông Hai Sáng gây dựng lại những cuộc chơi ĐCTT tại nhà. Chiều Chủ nhật nào nhà ông Hai Sáng cũng rộn rã tiếng đàn ca, nhiều người từ các tỉnh (Long An, Bình Dương, Đồng Nai...) cũng lặn lội lên tham dự. “Mỗi lần chỗ này chơi là thiên hạ “ngán” lắm. Toàn hát bài bản không hà. Bài bản ở đây cũng là bài bản “thứ thiệt” vừa dài vừa khó đàn khó hát lắm chứ không sợ dài sợ khó mà rút ngắn bớt như bây giờ đâu. Mà thời buổi này nghe nổi bài bản chắc chỉ có lứa tụi tui thôi”, ông Sáng hóm hỉnh.

Nghệ nhân Bạch Huệ theo chiếu ĐCTT từ năm 14 tuổi, đến nay đã 61 năm vẫn phải thường xuyên đến các tụ điểm chơi ĐCTT để nghe mà học hỏi thêm và rèn hơi ca. Cô bảo: “ĐCTT hiện nay thật sự đã đi quá xa so với cái gốc của nó. Bị cải lương hóa đã đành, bài bản cũng bị rút ngắn, rơi rụng. Mấy đứa nhỏ bây giờ mà thuộc được 5/20 bài tổ là đã siêu lắm rồi. Nói thiệt, lứa tụi tui mà “đi” rồi thì chắc chắn các bài bản sẽ mất theo. Nói đâu xa, chỉ vài năm nữa thôi, người ca thì có thể còn sót lại chứ người đàn điêu luyện nhấn nhá bài bản cho đúng, cho hay chắc không còn...”.

Bảo tồn ĐCTT: nan giải!

Do để “chơi” nên ĐCTT mang đậm sự ngẫu hứng, người đàn thường có “ngón đàn” riêng nên dù cùng một lòng bản, mỗi người đàn mỗi khác, mỗi nơi đàn mỗi khác. Khác với tính hệ thống chặt chẽ của âm nhạc phương Tây, nhạc tài tử không có sách vở hay bản ký âm chính xác nào truyền lại. Điều này làm nên cái hay đặc biệt cho ĐCTT, nhưng sự thiếu thống nhất cũng dẫn đến tình trạng nhiều “dị bản” và các bản nhạc bị tự ý sửa đổi, thêm bớt ngày càng xa với bài bản gốc.“Để tránh tình trạng mỗi nơi chơi mỗi kiểu thì cần phải sưu tầm, tập hợp lại rồi hiệu đính, hệ thống lại các bài bản sao cho thống nhất. Cái cốt lõi của ĐCTT là tính sáng tạo nhưng phải sáng tạo trên cùng một khung, một nền tảng cơ bản chứ không thể thích gì làm nấy. Cái này chỉ có nhà nước mới làm nổi thôi”, ông Hai Sáng nói.

Về đào tạo lớp kế thừa cho các nghệ nhân ĐCTT ngày càng đứng bóng, lại càng khó. “Môn này đòi hỏi rất nhiều ở năng khiếu của người học mà còn phải có sự kiên nhẫn nữa. Quy tắc truyền dạy cơ bản của ĐCTT là bắt đầu từ những bài bản nhỏ (Lưu thủy đoản, Kim tiền, bình bán vắn...) để người học biết nhịp, biết cách lấy hơi rồi mới dần học đến những bài bản khác cao hơn. Bây giờ tụi nhỏ chỉ thích học ca vọng cổ thôi, các bài bản khác không quan tâm”, ông Hai Sáng nhận xét. Cô Bạch Huệ cho hay nhiều học viên “than trời” vì học “tài tử chính thống” sao khó quá và chỉ mới sau vài bài bản nhỏ đã xin cô dạy hát vọng cổ.

ĐCTT đúng nghĩa là chỉ để giải trí tinh thần chứ không hề mang tính thương mại như hiện nay. Tâm lý khán thính giả hiện đại lại không thích nghe bài bản tài tử mà chuộng vọng cổ, cải lương nên người học chỉ cần đủ vốn liếng hát kiếm tiền rồi thôi, thành thử càng xa rời cái gốc ĐCTT. Mỗi năm, khoa Kịch hát dân tộc, trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho ra trường cả trăm học viên đều có thể ca và đàn tài tử, tuy nhiên vì mưu sinh, họ dần bỏ quên tài tử.

“Không phải là không còn người say mê ĐCTT. Có điều thời buổi này kinh tế thị trường quá mà ĐCTT chính thống thì không thể kiếm được tiền. Thành thử chỉ có mấy ông già, bà già về hưu, hết danh lợi, không bon chen mới tìm đến ĐCTT mà thôi”, anh Phạm Thành Tiến, người con trai duy nhất trong 8 người con của nghệ nhân Hai Sáng theo nghề “ham chơi” của cha bùi ngùi chia sẻ.
 
Ninh Lộc - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm