Đức Tuấn cất tiếng hát Trương Chi

29/07/2008 01:44 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Những bài hát của Văn Cao, từ khi trở thành “dòng nhạc” thực sự - bởi Văn Cao, tên tuổi và âm nhạc của ông, có một vị trí rất quan trọng trong tiến trình âm nhạc mới Việt Nam - đã gắn với nhiều giọng hát, trong đó có những cái tên đã trở thành “huyền thoại” như Kim Tiêu, người được cho là hát nhạc Văn Cao hay nhất, nhưng tiếc rằng ngày nay chẳng còn ai nghe được giọng hát “vàng ròng” ấy nữa, người đã được nghe chắc cũng không còn nhớ nhiều.

Còn ở thì hiện tại, nếu không kể các album tổng nhạc, chỉ có thể thấy 2 đĩa nhạc Văn Cao dạng nhạc sĩ - ca sĩ, nổi nhất chắc chắn là album Ánh Tuyết - Văn Cao, phát hành đã cả chục năm rồi, một đĩa khác, từ hải ngoại, do hai nữ ca sĩ danh tiếng một thời Mai Hương và Quỳnh Giao trình bày.
 
CD: Đức Tuấn - Tiếng hát Trương Chi

Kể qua như vậy để thấy album Tiếng hát Trương Chi của ca sĩ Đức Tuấn xuất hiện lúc này đúng là trong tư thế một thứ... hàng hiếm. Không bị so sánh với ai - bởi trước đó chưa có nam ca sĩ nào thu âm nguyên một đĩa toàn bài hát Văn Cao - cũng là một lợi thế, nhưng cũng đồng thời là áp lực, khi phải tạo được dấu ấn với những bài hát đã trở thành mẫu mực, chuẩn mực cho ca khúc tân nhạc Việt Nam, là kỷ niệm với vài thế hệ người nghe nhạc.

Gia tài tình ca của Văn Cao không nhiều, có thể gói gọn trong một đĩa nhạc, cơ hội để “làm mới” cũng không nhiều. Đức Tuấn và người sản xuất âm nhạc - nhạc sĩ Hoài Sa đã chọn cách đơn giản là không cần phải cố ép mình vào nỗ lực làm mới gì cả, chỉ cần giữ nguyên tắc: bài hát hay, giai điệu hay thì hòa âm phải đẹp.

Phong cách chủ đạo là pop. Chọn pop để những giai điệu đẹp đến tai người nghe theo con đường... gần nhất, và cũng là cơ hội để thỉnh thoảng Hoài Sa lại đưa vào chút giai điệu các điệu vũ cổ điển, hay các câu nhạc du dương soạn cho dàn dây theo phong cách bán cổ điển. Âm nhạc của Văn Cao chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc bán cổ điển phương Tây đương thời, điều ấy đã được khẳng định. Và lúc này, khi bán cổ điển đang là một trào lưu thời thượng, hát nguyên một đĩa Văn Cao theo phong cách vốn có của bản thân mỗi bài hát, với Đức Tuấn, hẳn không phải là gánh nặng gì, vì đó là sở trường.

Ở album này, Đức Tuấn dường như rút được kinh nghiệm sau album Đức Tuấn hát tình ca Phạm Duy. Lối hát vẫn mượt mà nhưng không bị sa vào những điệu đàng trong cách xử lý khiến câu hát bị “làm dáng” một cách quá đà. Đức Tuấn cũng không quá lạm dụng phong cách cổ điển để cầu kỳ hóa những bài hát vốn đã rất quen thuộc, vì thế album này có thể nói là khá dễ nghe, theo nghĩa không làm những người đã quen nghe nhạc Văn Cao qua Ánh Tuyết hay những giọng hát của ngày xưa cảm thấy bỡ ngỡ. Vả lại, một giọng nam hát nhạc tình Văn Cao cũng không phải là điều quá... dễ thấy. Có thể có chút lạ lẫm nào đó khi nghe Đức Tuấn hát Buồn tàn thu, bài hát “mặc định” dành cho nữ. Nhưng trong quá khứ, chính nhạc sĩ Phạm Duy, khi đó còn là một ca sĩ tên là Phạm Duy Cẩn, là người đầu tiên trình bày bài hát này. Giờ đây, Đức Tuấn hát lại, và vẫn “đảm bảo” được chút bi lụy - làm nên màu sắc của bài hát, và cộng vào đó sự khỏe khoắn đương nhiên có ở một giọng nam. Buồn tàn Thu cùng Thiên Thai, Trương Chi, Thu cô liêu là những dấu ấn đẹp trong album này, bởi hòa âm rất đẹp cộng với lối hát tỉnh táo mà rất tình cảm. Suối mơ cũng có hòa âm đẹp, nhưng ca sĩ hát còn hơi... lạnh, điều này cũng lặp lại ở bài Bến xuân - với bài này, nếu hát theo phiên bản Đàn chim Việt thì phần hợp xướng rất đẹp, nhưng với Bến xuân thì... thừa!

Nhưng ở tổng thể, Tiếng hát Trương Chi là một đĩa nhạc đẹp. Lâu rồi, những bài hát được ca ngợi là “bất hủ” của Văn Cao mới lại hiện diện cùng nhau trong một album có tính thống nhất cao về âm nhạc như vậy. Đây là một thành công mới của Hoài Sa, khi anh có cách tiếp cận không “nệ cổ”, và ca sĩ có cách hát hợp lý, trên tinh thần thượng tôn ca khúc chứ không đẩy cái tôi của mình lên quá cao.
 
P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm