Có một " cánh đồng bất tận" ở trong tôi...

22/08/2008 07:17 GMT+7 | Entry của bạn

" Đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn...."

Đó là đoạn văn kết thúc "Cánh đồng bất tận", câu chuyện khép lại ở đó nhưng âm ba của nó cứ từng đợt, từng đợt làm xao lòng người đọc. Mình đọc truyện này có hơn mười lần và hình như lòng mình yên tĩnh. Ai bảo Nguyễn Ngọc Tư đã nói quá, đã bôi bác rẻo đất quê hương? Không, mình nghĩ Nguyễn Ngọc Tư phải yêu quê hương đến cỡ nào mới thấu hiểu nỗi khổ của người dân quê như vậy. Nỗi khổ không dừng lại ở tâm trạng tiếc nuối, thèm muốn đến bồn chồn những tấm vải hoa của những người phụ nữ; ở hình ảnh đám nuôi vịt chạy đồng cúi mặt vào lưng nhau cảm nhận sự kiệt quệ, đói nghèo đang vây bủa; ở cái chết tức tưởi của người chăn vịt bên hố tiêu huỷ gia cầm, thuỷ cầm theo lệnh của chính quyền mà nỗi khổ còn là cuộc sống bẩn chật, tù túng, ngột ngạt, nghèo nàn đến man rợ của con người. Đàn ông làm gì sau những lúc quần quật trên đồng? Họ chỉ biết chè chén, biết "lật cạch người phụ nữ ra và thoả mãn" hay đôi khi "cải thiện" với mớ tiền công ít ỏi, chút tiền vay "xoá đói giảm nghèo". Còn đàn bà? Họ chỉ biết cặm cụi làm việc trong đắng đót, trong khi lòng thắt lại, hy vọng có tình yêu từ bùa chú hoang đường... Trẻ con thì ra sao? Những đứa không còn là trẻ con nhưng chưa phải là người lớn thì ra sao? Đó là những mảnh đời của Điền, của Nương.... những mảnh đời dị dạng, khi hai chị em của Điền nhìn thấy những điều không nên thấy thì tuổi thơ của chúng đã giãy chết rồi. Nước mắt của Điền không nguôi ràn rụa chảy trên khuôn mặt, còn nước mắt của Nương khô khốc không thành tiếng ở trong lòng. Khi Điền quật gậy vào đôi chó động tình sao mình nghe lòng đau lạ! Rồi lúc Điền điên cuồng chạy theo tìm Sương... để mãi mãi không về, mình thấy nơm nớp lo lắng, không phải cho Điền mà lo cho Nương. Phải, Nương! Mình rất khó khăn khi đụng chạm đến nhân vật này, vì là nhân vật Tôi nên có nhiều trăn trở trong nội tâm được khai thác. Những ước muốn của Nương giản dị mà xa vời biết mấy: Muốn được sống một cuộc sống bình thường của con người, được đi học trong một cái trường xiêu vẹo dựng trên vườn chùa đầy cây thuốc, muốn có một người cha như mọi người cha và thậm chí muốn chết dễ dàng như người chăn vịt.
Mình thấy bóng dáng của mình trong Nương, không phải ở chỗ cái đẹp rực lên ngời ngợi toả ra từ cô mà là ở số phận, có những chi tiết trong đời Nương giống mình đến không chịu được , cái cách tự học để mà tồn tại !
Còn chi tiết ở cuối truyện, sao mà xót xa làm vậy! Mình thật ngỡ ngàng với cách nói của Nguyễn Ngọc Tư:"Ai đó vãi từng chùm chim én lên cao, chúng cố chao liệng để khỏi phải rơi như lá "Chưa ai nói về chim én như thế cả! Chim én chao liệng để mang đến niềm vui và mùa xuân, còn cánh chim ở đây chập choạng trong nắng chiều đỏ khé!

Có một cuộc đời thê thảm như Nương vậy mà trong tim cô vẫn ứa tràn tình yêu, cô yêu từng ngọn cỏ, lá cây, thương con vịt mù đến những nơi cô từng đi qua trong cuộc đời du mục, thương người đàn bà ở tận đáy xã hội, thương cả sinh linh bé nhỏ chưa thành hình trong cô... Vậy thì có lý do gì để mình không tin cái thiện vẫn tồn tại và tất thắng ở trên đời?

 
Lê Uyển Văn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm