Đồng tính “bùng nổ” ở kịch nói (Bài 2)

08/12/2011 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - “Phát pháo” đầu tiên “công phá” thẳng vào đề tài nhạy cảm này trên sàn kịch chính là vở diễn đình đám Tiếng chim vườn ngọc lan (tác giả, đạo diễn: Minh Nguyệt, dựa vào truyện ngắn của tác giả Trung Quốc Chu Đại Tân) trên sân khấu 5B vào năm 1997.

Thành Lộc & vai diễn để đời

Tại thời điểm ra đời, vở diễn để lại nhiều tranh cãi gay gắt, kẻ khen người chê. Nhưng có một sự thật cần phải thừa nhận rằng lần đầu tiên sân khấu Việt có một tác phẩm khai thác đề tài đồng tính một cách sâu sắc, quyết liệt, đã đưa khán giả vượt lên trên cảm giác “ghê ghê” bản năng mà đau đớn, quay quắt cùng các nhân vật. NSƯT Thành Lộc đã có vai diễn để đời với nhân vật Lữ Đạo Kinh, một tâm hồn phụ nữ trót sinh ra trong thân xác đàn ông. Bi kịch số phận của Đạo Kinh, của người vợ Ngọc Lan (NSƯT Hồng Vân, nghệ sĩ Thanh Thủy), của Thao Hồng (Quốc Thảo)… là có thật và cũng không dừng lại ở một bi kịch đồng tính cá nhân mà vươn đến thể hiện bi kịch xã hội - giá trị một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Sân khấu IDECAF từng lên kế hoạch dựng lại vở diễn này (cùng giai đoạn làm lại Bí mật vườn Lệ Chi) nhưng không hiểu vì lý do gì đã bất thành?

Được khuyến khích?

NSƯT Thành Lộc rất thành công với vai diễn Đạo Kinh trong vở Tiếng chim vườn ngọc lan (sân khấu 5B). Ảnh: từ bộ sưu tập Phiêu linh Lộc của hai nhiếp ảnh gia Kan và Danny Nguyễn

Có thể nói từ sau Tiếng chim vườn ngọc lan, đề tài đồng tính tuy không được khuyến khích nhưng đã được “khai mở” trên sân khấu kịch. Sân khấu 5B với thế mạnh của một sân khấu thể nghiệm đã tạo điều kiện khai thác những đề tài mới lạ, trong đó có đề tài đồng tính một cách nghệ thuật. Đạo diễn trẻ Xuân Hồng dựng vở Người buôn giấc mơ (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc) đã chọn “kép đẹp” Trương Minh Quốc Thái vào vai đồng tính đầy tâm trạng, gai góc. Năm 2008, cũng tại 5B, lần đầu tiên đề tài đồng tính nữ được đề cập đến trong vở diễn Nhà trọ tình yêu (tác giả, đạo diễn: Lê Bình). Mối tình đơn phương của Cúc (Cát Tường) dành cho Mai (Mai Mai) được đan cài khéo léo, như một hương vị lạ và rất đỗi dễ chịu trong một vở diễn đầy tinh thần lạc quan và đậm tính nhân văn về cuộc sống tương thân tương ái của những cô gái trẻ xa nhà lập nghiệp. Tác giả Lê Bình cho biết nhân vật Cúc được ông đúc kết từ sự quen biết và thông hiểu những người thuộc giới tính thứ ba cùng sự cảm thương thân phận mong manh của người phụ nữ: “rất dễ thu mình lại, rất dễ yếu lòng, rơi vào nỗi cô đơn hoang mang trước… mười hai bến nước”.

Năm 2006, Kịch Sài Gòn, vốn nắm bắt rất nhanh nhạy thị hiếu của khán giả, trình làng vở Phận làm trai (tác giả: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSƯT Trần Ngọc Giàu) có cái nhìn thông cảm với người đồng tính. Hơn 20 năm, Khải (Hữu Nghĩa) cố làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha nhưng anh phải luôn sống trong dằn vặt, khổ sở vì không thể “sống thật”. Khải yêu Chương (Tiết Cương), gã “trai nhảy” sẵn sàng lao vào bất cứ ai vì tiền, vun vén một gia đình hạnh phúc cùng Chương để rồi nhận lấy bao cay đắng khi biết người tình chỉ lợi dụng mình. Đơn giản, rành mạch, không đặt nặng tính tư tưởng, như phong cách vốn có của Kịch Sài Gòn, Phận làm trai đã phản ánh được một góc nào đó trong cuộc sống của thế giới thứ ba. Vở càng “hot” hơn khi lần đầu tiên trên sân khấu Việt có một nụ hôn thắm thiết là của hai người đàn ông.

Cũng trong năm 2006, IDECAF có vở diễn đáng chú ý là Người đàn bà không ngủ (vở tốt nghiệp đạo diễn của nghệ sĩ Tuấn Khôi) với những mảnh đời nhỏ nhoi, mỗi người mỗi cảnh, cùng quy tụ trong một khu phố trọ. Điểm xuyết trong bức tranh xã hội thu nhỏ ấy có hai chàng trai trẻ luôn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, không một lời nói nào chứng tỏ cả hai đồng tính, nhưng chỉ qua quan sát cách cư xử, cách họ nhìn nhau (cũng phải kể đến tài diễn xuất tinh tế của cố diễn viên Thanh Phương và diễn viên Đại Nghĩa) là khán giả đủ hiểu và lắng lòng cùng mối tình của họ.

Năm 2008, vở Trai mới lớn (tác giả: Vương Đình Hải) trên sân khấu Phú Nhuận lại đề cập đến khía cạnh khác: Tân (Gia Bảo), cậu trai lớn lên thiếu tình thương của mẹ, thừa sự hà khắc của cha, lại được dì Út thương yêu, chăm bẵm như một… bé gái, bước vào tuổi “mới lớn” với những bối rối, mông lung về giới tính. Tân “yêu thầm” anh gia sư (Ngọc Thuận) nhưng cũng lại có tình cảm với Hồng (Thanh Thúy) khi cô bạn luôn gần gũi, giúp đỡ. Vở diễn đặt vấn đề khá đơn giản và yếu tố đồng tính ở đây cũng chỉ dừng lại từ sự tập nhiễm ở lứa tuổi vị thành niên nếu không có sự định hướng đúng đắn, sự quan tâm của gia đình.

Cảnh trong vở Trai yêu “nóng” cả ở đề tài và nhiều cảnh nóng

Và “bùng nổ”?

Có thể nói năm 2010 đánh dấu sự “bùng nổ” đề tài đồng tính trên sân khấu với sự ra đời của… sân khấu Thế giới Trẻ. Là sân khấu mới, dễ hiểu khi Thế giới Trẻ chủ trương “hút khách” bằng những đề tài “hot”, “gây sốc” như kinh dị và đồng tính. Chỉ hơn 1 năm tuổi, ra mắt hơn 10 vở diễn mà khai thác chính thức đề tài đồng tính ở 3 vở, nhân vật đồng tính hoặc giả gái xuất hiện trong hầu hết các vở quả là một tỷ lệ hơi… nhiều. Có thể nói sau Tiếng chim vườn ngọc lan thì Trai yêu (tác giả: Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng) - một trong những vở diễn khai trương sân khấu Thế giới Trẻ, vẫn còn rất ăn khách ở thời điểm hiện nay - đã để lại nhiều suy ngẫm đồng cảm cho khán giả về thế giới thứ ba. Quá yêu người bạn học Lộc Nam (Khương Ngọc, Quang Tuấn), chỉ vì câu nói đùa “nếu mày là con gái tao sẽ theo mày tò tò” của Nam mà Vũ quyết định giải phẫu giới tính trở thành ca sĩ Sunny Hạ (Phi Thanh Vân). Có được tình yêu của Lộc Nam nhưng Sunny Hạ luôn lo sợ một ngày nào đó sự thật sẽ bại lộ. Rồi Lộc Nam cũng biết chuyện và hoảng loạn bỏ chạy để lại Sunny Hạ cay đắng “kêu trời”: nếu có kiếp sau xin được làm hoặc đàn ông, hoặc đàn bà, đừng trớ trêu “hồn này xác khác”. Vở diễn có lẽ đã hay hơn rất nhiều nếu “người đẹp dao kéo” không quá “đơ” trong một vai diễn nhiều tâm trạng. Bên cạnh nhân vật “chuyển giới” Sunny Hạ, Trai yêu còn “ghi điểm” bởi nhân vật “rất quen”: chuyên viên trang điểm Nguyệt Hằng (Gia Bảo, Hoàng Phi) - “đào” nhì và là nhân vật gây cười của vở. Nguyệt Hằng cũng là vai diễn đưa tên tuổi Gia Bảo lên hàng “sao” với tư cách diễn viên. Cũng từ đây, các vai diễn của Gia Bảo nếu không là “bóng” thì cũng… giả gái.

(Còn tiếp)

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm