Cải lương TP.HCM: Thừa live show, thiếu vở diễn

03/05/2011 06:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Rạp Hưng Đạo, “thánh địa” của sân khấu cải lương TP.HCM nhiều năm qua, đã được đập bỏ chờ xây mới hứa hẹn một tương lai hứng khởi cho bộ môn nghệ thuật đặc sắc đất Nam bộ khi Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo hiện đại được dựng lên trong vài năm tới. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi thì dường như sân khấu cải lương vẫn chưa chạm… đáy của sự khủng hoảng.

Nhộn nhịp live show

Sân khấu cải lương 2011 đã mở màn bằng live show Nợ dâu của vợ chồng nghệ sĩ Hoài Thanh - Đỗ Quyên tại Nhà hát Bến Thành (ngày 8/1). Được sự động viên của người thân, bạn bè đồng nghiệp và nhân “vẫn còn đủ sức để ca”, hai nghệ sĩ đã quyết định về nước (cả hai đang định cư tại Australia) làm live show kỷ niệm sự nghiệp. Và Nợ dâu đã là một trong số ít những live show đậm chất nghệ thuật có thể làm thỏa mãn những người hâm mộ khó tính muốn tìm lại vẻ đẹp thực sự của nghệ thuật cải lương, vốn phải thể hiện qua tài ca diễn của người nghệ sĩ chứ không chỉ qua sự hào nhoáng của hình thức. Đây cũng là một trong số ít live show đầu tư khá khiêm tốn nhưng đạt chất lượng cao và cũng đúng tính chất kỷ niệm khi chủ yếu là vé mời, phần còn lại giá vé cũng rất “mềm” hoàn toàn phù hợp với túi tiền người lao động.

Từ đấy đến nay, tiếp tục có 3 live show với 5 đêm diễn của mẹ con NSƯT Lệ Thủy - Dương Đình Trí, NSƯT Kim Tử Long, nghệ sĩ Mộng Tuyền đã đến với công chúng và đến cuối năm vẫn còn 2 live show với quy mô lớn nữa của NSƯT Bảo Quốc và gia đình nghệ sĩ Tú Sương. Dễ nhận ra tính chất nổi bật của các live show trong năm 2011 này là kỷ niệm đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp người nghệ sĩ nên đều được đầu tư rất kỹ lưỡng và nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng.

NSƯT Kim Tử Long đánh dấu chặng đường 30 năm theo nghề hát bằng một live show được xem là hoành tráng bậc nhất từ trước đến nay trong giới cải lương với số vốn đầu tư lên đến 1,5 tỷ đồng diễn ra vào 2 đêm 25, 26/3 tại Nhà hát Hòa Bình và được tái diễn tại Nhà hát Bến Thành vào ngày 9/4. “Hoa khôi cải lương” Mộng Tuyền lại chọn quê nhà Cần Thơ làm nơi tổ chức live show kỷ niệm 40 năm tuổi nghề (25/3), không bán vé, hoàn toàn phục vụ miễn phí khán giả. Khác với nhiều đồng nghiệp cùng thời “thế hệ vàng” là NSƯT Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu… đều đã làm live show từ vài năm trước, đến tận hôm nay, sau nhiều lời động viên của con cháu, bạn bè, NSƯT Bảo Quốc mới quyết định tổ chức live show lần đầu và có lẽ cũng là duy nhất xem như là “thành tựu trọn đời” cho sự nghiệp đáng ngưỡng mộ của ông. Live show mang tên Bảo Quốc - Góp với nhân gian một tiếng cười này sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình vào ngày 15 và 16/5 với số tiền đầu tư cũng cả tỷ đồng cùng sự ưu ái dành cho các tiết mục cải lương, cái nôi nuôi dưỡng tài năng nghệ thuật của ông.

Vở diễn mới duy nhất tính tới thời điểm này trong năm Đả chiến phá sông Ngân chỉ diễn được 3 suất vào dịp Tết

Khuấy động sàn diễn cải lương thời gian qua, ngoài các live show, còn có rải rác những chương trình tổng hợp quy tụ một lực lượng hùng hậu các ngôi sao với những tiết mục ca cổ, trích đoạn, tấu hài quen thuộc nhằm tận thu “cơn khát” cải lương của khán giả hơn là đem lại sinh khí cho sàn diễn cải lương vốn đang rơi vào sự nhàm chán, cũ mòn. Những ngày tháng 4 này, không hẹn mà gặp, hai nghệ sĩ cải lương nổi tiếng và có nhiều fan hâm mộ bậc nhất là Tài Linh và Phượng Mai cùng về thăm quê hương và tham gia biểu diễn ở một số chương trình. Và chắc chắn khán giả ái mộ hai nữ nghệ sĩ tài danh này chưa thể thỏa mãn khi thần tượng của mình về nước chủ yếu hát… tân nhạc theo lời mời của phòng trà Tiếng xưa. Cả hai nghệ sĩ cũng đã sắp xếp thời gian để xuất hiện trên sân khấu cải lương nhưng cảm giác không thể trọn vẹn khi chỉ qua những trích đoạn ngắn trong các chương trình tổng hợp được tổ chức có phần vội vàng.

Vở diễn thiếu đất sống

Trong khi các live show cải lương vẫn nhộn nhịp thì vở diễn gần như không còn đất sống khi chỉ sau 3 suất diễn vào dịp Tết Nguyên đán, vở cải lương Đả chiến phá sông Ngân - vở diễn mới duy nhất trong năm tính đến thời điểm hiện tại, với 500 triệu đồng đầu tư, của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đã phải đem cất kho và chưa hẹn ngày tái ngộ khán giả. Mặc dù vẫn chỉ trình làng những vở cũ “đến Tết lại lên” từ hơn chục năm qua nhưng ít nhiều nhóm xã hội hóa Vũ Luân đã góp phần đáp ứng nhu cầu được xem tuồng dài, được thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm cải lương của một bộ phận không nhỏ khán giả. Tuy nhiên sau một mùa diễn Tết không mấy thành công khi phải chuyển điểm diễn đến rạp Kim Châu thay vì sân khấu Hưng Đạo quen thuộc, nhóm cũng đã “án binh bất động” mấy tháng nay và vở cải lương hoành tráng Cô gái Đồ Long mà nhóm dự định sớm ra mắt khán giả vẫn chỉ là dự định.

Nếu mọi năm vẫn còn nhóm Thắp sáng niềm tin miệt mài “thắp lửa” cho cải lương bằng cách thường xuyên dựng tuồng mới và duy trì mỗi tuần một suất diễn thì từ trước Tết đến nay, vì nhiều lý do, nhóm hoàn toàn vắng bóng trên sàn diễn. Tác giả Hoàng Song Việt, Trưởng nhóm, cho biết do kịch mục của nhóm đã cũ khó thu hút khán giả nên nhóm hiện đang củng cố lại và sẽ chỉ trở lại khi có vở mới ra mắt. Sân khấu Vàng của đôi nghệ sĩ tài danh Minh Vương - Lệ Thủy cũng đã “im hơi lặng tiếng” từ nhiều tháng nay. NSƯT Lệ Thủy cho hay điều khó nhất là tìm được điểm diễn phù hợp nên từ khi rạp Hưng Đạo bị niêm phong, Sân khấu Vàng hầu như không hoạt động. Tình trạng sức khỏe không ổn định của NSƯT Minh Vương cũng phần nào khiến Sân khấu Vàng “chập chờn” khi khán giả cải lương luôn có thói quen xem thần tượng của mình “đủ đôi đủ cặp”.

Luôn bơi giữa dòng nước ngược là trường hợp của “bà bầu” Linh Huyền khi liều đưa cải lương vào Nhà hát TP.HCM. Tuy nhiên chỉ cầm cự được 4 suất diễn là Linh Huyền đành phải dời về rạp Kim Châu và vẫn nuôi lý tưởng lãng mạn: gây dựng Kim Châu thành một sân khấu cải lương xã hội hóa kiểu như… IDECAF, Phú Nhuận… bên kịch nói. Đây gần như là một “nhiệm vụ bất khả thi” với tình hình sân khấu cải lương hiện nay. Nền tảng cho thành công của các sân khấu kịch là lực lượng nghệ sĩ ổn định được ràng buộc bởi hợp đồng, trong khi nghệ sĩ cải lương chỉ thích tự do không chịu gò bó ở sân khấu nào và nhất là castse nghệ sĩ cải lương luôn cao hơn gấp nhiều lần nghệ sĩ kịch nên việc “trói chân” họ lại càng là điều nan giải.

Cũng vì không tập hợp được nghệ sĩ mà vở Một ông hai bà dự kiến khai trương sân khấu cải lương Kim Châu thay vì ra mắt vào ngày 17/4 đã phải dời sang ngày 29/4 (nhưng cũng chưa có gì chắc chắn). Ra mắt đã khó khăn để tập hợp lực lượng như thế nên ngay cả những người lạc quan với sân khấu cải lương TP.HCM cũng không khỏi e ngại cho nghệ sĩ Linh Huyền, bà bầu của sân khấu cải lương Kim Châu, về quãng đường xa phía trước...

Tác giả Hoàng Song Việt cho rằng nếu chỉ nhìn vào sự nhộn nhịp của các live show hay chương trình tổng hợp mà cho rằng sân khấu cải lương đang khởi sắc là sai lầm. Đời sống cải lương chỉ có thể đo lường bằng những vở diễn mới được đầu tư chỉn chu, nghiêm túc chứ không thể chỉ mãi dựa vào quá khứ. Và rõ ràng sân khấu cải lương vẫn đang mãi gặm nhấm hào quang quá khứ khi sự cũ kỹ, sáo mòn vẫn hiển hiện trong mỗi live show, mỗi suất diễn. Và có lẽ ánh sáng cuối đường hầm vẫn còn xa lắm nhất là khi “bão vẫn đang càn quét” - tác giả Hoàng Song Việt hóm hỉnh nói khi nhìn về một bảng quảng cáo chương trình hội ngộ của một cặp sao lớn...

Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm