Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc & hành trình đến Off-Off-Broadway

23/03/2011 07:18 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Tác phẩm Chúng tôi là (We Are, KB-ĐD: Nguyễn Thị Minh Ngọc) công diễn vào ngày 18/3 và kéo dài đến 26/3/2011 tại sân khấu Off-Off-Broadway của Nhà hát West End tại New York, Mỹ. Hiện nay, vở diễn đang đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng những chương trình phim và sân khấu được mong đợi của thành phố New York. Từ Mỹ, nữ đạo diễn đã có cuộc trò chuyện với TT&VH Cuối tuần.

* Trước tiên xin chị cho biết làm thế nào để tác phẩm Chúng tôi là đến với Off-Off-Broadway?

- Năm 2003, biết được vở Người đàn bà thất lạc của tôi đã diễn ở Liên hoan Sân khấu châu Á - Thái Bình Dương và đã thu hình trong nước, bà Tisa, Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Liên Á tại New York mong kịch mục có thêm vở đó; mãi đến 2008, chúng tôi mới thực hiện được điều này. Đêm bế mạc, nhiều khán giả và đồng nghiệp tại New York cho biết mong đợi vở diễn thứ hai của chúng tôi. Năm 2009, kịch bản Chúng tôi là được Đại hội Phụ nữ viết kịch toàn thế giới chọn đọc tại Ấn Độ. Bà Tisa gửi nó đến Quỹ Bảo trợ Văn hóa của New York và được chấp thuận. Chúng tôi cần hai năm để chuẩn bị. Tháng 3 và tháng 4/2011, vở này cùng một vở nữa của Derek Nguyễn, một người Mỹ gốc Việt được chọn công diễn trong chương trình mang tên Dự án Việt Nam 2. Cho đến hôm nay, khi chuẩn bị xa nhà trong 3 tuần để sống với nó, vượt qua một số khó khăn tưởng chừng không vượt nổi, đến độ có lúc tôi tưởng chừng đây là vở kịch cuối cùng do mình dàn dựng, tôi muốn gửi lời cám ơn những bạn bè đã và đang giúp tôi đủ can đảm đi hết đoạn đường còn lại cho cụm từ “sân khấu Việt Nam” được đến với công chúng Mỹ.

* Đề cập tới thân phận người phụ nữ Việt Nam, tại sao chị chọn Thúy Kiều làm chủ đề cho chương khởi đầu vở diễn?

- Thoạt đầu khi viết, đúng là tôi có xoáy vào thân phận phụ nữ, cùng với thân phận người nghệ sĩ Việt Nam khi phải sống xa quê cha đất tổ. Nhưng nay, sau buổi đọc kịch, tình cờ, khi chọn những ca khúc của Trịnh Công Sơn làm nhạc nối các mảnh đời, tôi đã chỉnh lại 2/5 kịch bản để xoáy sâu vào nỗi cô đơn, sự ngộ nhận và thân phận cát bụi của con người nói chung, nhất là những người Việt bị hoàn cảnh phải bứt khỏi gốc rễ của mình, trong đó có tôi. Mở đầu vở diễn là hình ảnh Thúy Kiều trước khi tự tử, tôi muốn khán giả được nghe tiếng kêu (hay tiếng hát) đoạn trường của người con gái tài sắc, và trước khi khán giả ra về, tôi mong họ sẽ cùng hòa trong tiếng cười với các nhân vật của tôi. Kiếp nhân sinh thường khởi đầu bằng tiếng khóc và mong sao, dứt bởi một nụ cười thanh thản khi trở về.

* Nhưng bên cạnh Kiều, “Chúng tôi” còn có: Người vợ (chương 2), Bà vú (chương 3), Bà ngoại (chương 4), Thị Mầu (chương 5) và kết thúc là Diễm Quyên. Xuyên suốt cả vở kịch, tiếng nói mà chị dành cho phụ nữ là gì?

- Đó là sự chia sẻ. Trong câu chuyện thật, khi người vợ qua đời, những lá thư mới được tìm thấy. Nhiều người tin là nếu người chồng được đọc và hiểu được tiếng Việt, chưa chắc thảm kịch xảy ra. Đừng quên về một mặt nào đó, hiện tại, tôi đang cùng cảnh ngộ với những phụ nữ Việt Nam xa xứ. Và trong quá khứ thì tôi luôn có sự ngộ nhận làm bạn đồng hành. Tôi muốn những phụ nữ xa quê như chúng tôi tin được rằng chúng tôi có thể cô đơn nhưng không cô độc. Ngay cả trước khi gieo mình xuống Tiền Đường, ngay cả khi sắp phải nhận những nhát chém hư vô của người thân sát cạnh mình, ngay cả khi sắp mất sạch tự do vì ngộ nhận, ngay cả khi chung quanh mình không còn một ai, chúng tôi vẫn có thể ru mình: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Tôi nhận ra chỉ cần đặt nhạc anh Sơn cùng những bài ca cải lương vào đúng chỗ của nó trong kịch bản, chúng tôi có thể làm được điều này.

Đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc (thứ hai từ bên phải) và các nghệ sĩ tham gia vở diễn

* Được biết, ban đầu có một nghệ sĩ từ Việt Nam qua sẽ tham gia vở diễn này, NSND Lê Khanh, nhưng việc này đã không thể thực hiện được. Chị giải quyết trục trặc này ra sao?

- Dự kiến NSND Lê Khanh đóng Kiều và Thị Kính. Lê Khanh không qua được (do trục trặc về visa), là một trong những lý do khiến kịch bản phải viết lại vài đoạn. Trước đây Kiều dự định sẽ trình bày trong dạng kịch nói, nay người thay thế là NSƯT Ngọc Đáng nên cả trích đoạn đó phải chuyển thể cải lương, Leon Lê sẽ vào vai Hồ Tôn Hiến, trong khi Từ Hải vẫn là chiếc áo giáp treo đó, các nhân vật phụ cắt sạch, kể cả người chồng mới của Kiều là viên thổ quan. Trích đoạn Thị Mầu và Thị Kính không còn nữa mà thay vào là đoạn độc diễn của một nữ diễn viên đơn độc với mớ áo quần của một thời vàng son sân khấu. Sau khi “thôi đành ru lòng mình vậy” bà thở hơi cuối và ra đi với người bạn đồng hành là nụ cười và niềm hy vọng rằng ở cõi nào đi nữa bà cũng không phải hát câu vọng cổ “giết kẻ thù chớ giết bạn đành sao”. Đó là trích đoạn tôi đã diễn ở Jordan và đã diễn nhiều lần trong nước.

* Chị muốn làm gì với Chúng tôi là sau khi kết thúc 12 suất diễn ở New York?

- Nếu cho tôi một điều ước, tôi vẫn thèm được đi một vòng diễn miễn phí cho sinh viên các trường đại học trong nước, nhất là ở các tỉnh miền Trung và miền Tây của Việt Nam.

* Một chút tò mò: sân khấu Việt Nam ở hải ngoại, mà chủ yếu tại Mỹ, ở khu vực chị đang sống, hiện nay ra sao?

- Để nói về sân khấu Việt ở hải ngoại chắc phải viết một bài dài. Ở đây thường thì kịch dài chỉ diễn từ một đến hai suất rồi thu hình để phát hành DVD gỡ vốn lại. Tôi đang cùng đạo diễn Hùng Lâm phụ chị Túy Hồng, Trưởng ban kịch Sống ngày trước, làm chương trình thứ ba. Hai chương trình trước (Mối tình nửa thế kỷ và Mẹ, ba miền, một trái tim), chị cho biết lỗ trên dưới 15.000 USD, kín rạp nhưng vé mời rất nhiều. Tôi chỉ biết những chương trình mình có tham gia, và biết nhiều kịch sĩ vẫn đau đáu chuyện thực hiện kịch dài nhưng lực bất tòng tâm như chị Ngọc Đan Thanh, hay vợ chồng Quang Minh - Hồng Đào, hiện chưa làm được. Tôi cũng biết ở nhiều thành phố, có những bạn yêu kịch, được đào tạo ít nhiều trong nước, khi sang đây, dù hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, vẫn cố gầy nên những lớp kịch để làm những trích đoạn kịch mà các bạn ấy đã thuộc nằm lòng. Một vài kịch bản Việt đã được dàn dựng bên đây như tôi biết, có Đoạn tuyệt, Lá sầu riêng, Ngôi nhà không có đàn ông, Sông dài, với đội ngũ là các cô chú lớn tuổi và một vài ca sĩ nổi tiếng (Tâm Đoan, Ninh Cát Loan Châu, Trúc Lam, MC Kỳ Duyên...).

Năm ngoái tôi có phụ một tay vào vở Khi bóng đã say hình (đề tài đồng tính) với nhóm Hoàng Hiệp và Hữu Nghĩa, sau khi bán vé một suất đã ra DVD. Vài người hết lòng với kịch dài bên đây còn có Đoàn Mai Phương, đạo diễn Hồng Phúc. Thúy Nga, Việt Hương sang đây còn diễn kịch ngắn với Lê Tín, Hoài Tâm, Hồng Loan, Mai Lan, Calvin Hiệp, Mai Thế Hiệp, Thành Lễ... Danh sách này vẫn còn dài, nghĩa là nếu có điều kiện, khi bạn làm kịch dài, vẫn có nhiều người “liều mình” lao vào tham gia, nhưng những khán giả của tiếng Việt ngày một ít đi - đấy chính là khó khăn của sân khấu Việt nơi xứ người.

Sân khấu Off-Off-Broadway

Off-Broadway ra đời để chỉ những sân khấu có số chỗ ngồi từ 99 đến 500. Sân khấu Off-Off-Broadway có chỗ ngồi dưới 100. Sự khác biệt không phải chỉ ở không gian thu hẹp mà còn ở khuynh hướng nghệ thuật. Kinh phí lớn của các tác phẩm Broadway buộc họ phải làm những vở có độ an toàn cao về mặt giải trí. Sân khấu Broadway vì thế ít dám lao vào những dự án liều lĩnh như loại sân khấu Broadway có thêm nhiều chữ "Off" đứng trước. Nhiều kịch bản đương đại và cả vài danh tác thế giới của Chekhov, Gogol… được sân khấu Off-Broadway chọn dựng. Còn với sân khấu Off-Off-Broadway, đó là nơi dành cho những tên tuổi mới (nhất là khi bạn đến từ một nước khác), những ý tưởng thể nghiệm; nó sẽ được thể hiện hết sức của bạn, nếu bạn được lọt vào mắt xanh của những nhà sản xuất nơi đây.


Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm