Kịch IDECAF: Lại những cuộc chia tay

25/04/2009 08:32 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Từ sau suất diễn ngày 3/5, NSƯT Thành Hội và đạo diễn Ái Như sẽ chính thức rời sân khấu Idecaf sau tám năm cộng tác. Vào tháng Bảy này, Hồng Ánh cũng gác lại bảy năm làm việc ở đây, để bắt đầu một kế hoạch mới cho mình. Ba cuộc ra đi gần như cùng lúc, với ba tên tuổi đáng trọng của Idecaf, dường như có rất nhiều điều để suy nghĩ.

“Ly tràn” ngay cả khi không thêm “giọt nước”

 Thành Hội và Ái Như trong vở Đôi bờ
NSƯT Thành Hội, người đầu tiên quyết định dừng công việc diễn viên tại Idecaf, nghe đâu từ một sự cố không vui trong đối xử giữa “anh em một nhà”. Nhưng với tuổi đời và tuổi nghề ở giai đoạn đã “vững như bàn thạch” của anh, nguyên nhân để khép lại chặng đường dài tám năm chắc chắn không đơn giản như thế. Nói đúng hơn, đây là dấu chấm khảng khái sau một thời gian dài đắn đo, anh ngại “mình làm gánh nặng” cho hướng phát triển mới của sân khấu. Sự ra đi của đạo diễn - diễn viên Ái Như cũng không nằm ngoài nguyên nhân này. Chị vốn nổi tiếng sống tình cảm (và cả nhạy cảm), nên có lẽ “hiểu rõ vị trí đứng của mình có thể làm vướng víu một tập thể trẻ đang chọn một hướng đi nhanh, được nhiều khán giả và tiếng cười hơn” so với những gì bản thân mình đang miệt mài gây dựng.

Ai cũng biết Thành Hội - Ái Như là cặp bài trùng trên sàn diễn, gần như vô nghĩa khi có mặt người này mà không có người kia. Nữ đạo diễn chưa tìm thấy diễn viên nam xứng đáng có thể thay thế vị trí của anh trong những vở diễn của mình. Và ngược lại, ở vị trí độc lập, Thành Hội cũng cảm thấy “lạc” khi tham gia những vở diễn vắng Ái Như. Nhưng sự “cùng nhau ra đi” này không hẳn là tất yếu, vì nói đùa như Thành Hội: “Bà Như mê diễn lắm, gặp được vai, đứng trước khán giả như cá gặp nước”. Thế nên để “bà Như” chia xa “nguồn nước” quý (vì có rất đông khán giả) thì không đơn giản.

Hồng Ánh cũng sẽ ngưng công việc với Idecaf từ tháng Bảy, lên đường du học tại Singapore về ngành truyền hình. Nhưng có thể thấy rõ hơn nguyên nhân của “chia tay” từ việc hơn một năm nay, Ánh đã xin không nhận vai mới nữa. Chị cảm thấy mình “nằm ngoài hướng đi hiện nay của sân khấu”. Sát thủ áo đỏ trong Sát thủ hai mảnh là sự thể hiện cuối cùng của Ánh với sân khấu kịch Idecaf, nơi đã dành khá nhiều sự ưu ái cho chị trong suốt quãng đường gắn bó với sân khấu. Hồng Ánh sẽ hoàn thành nốt vai diễn này đến khi tìm được người thay thế.
 
Hồng Ánh và Thành Hội trong vở Thử yêu lần nữa
 

Nguyên nhân trong câu chuyện “tràn ly” của cả ba nhân vật, thật ra là có “giọt nước”, nhưng cũng chẳng phải vì bản thân “giọt nước” ấy. Đây cũng không hẳn là một sự phản ứng, vì họ chọn cách rút lui êm đẹp. Nghe đâu, “nước” đã đầy từ lâu, khi vở Cảm ơn mình đã yêu em trong ba năm chỉ được sắp xếp diễn có hơn 30 suất (đây là vở hút khách và được đánh giá khá cao - Hồng Ánh từng đoạt giải Mai vàng với vai Bích Hồng trong vở này). Coi như họ dừng lại vì... không thể khác. Giống như cuộc chia tay của những cặp tình nhân lâu ngày không còn chung suy nghĩ, mối quan tâm nữa...

Mất đi một màu kịch quý?

Nếu Idecaf không chỉ tự hào vì có Thành Lộc, mà mang cả sự kiêu hãnh vì là một sân khấu năng động, hội tụ nhiều tài năng, màu sắc của kịch nói, thì sự ra đi gần như cùng thời điểm của Thành Hội, Ái Như, Hồng Ánh là một tổn thất lớn, cả đến vấn đề thương hiệu. Bởi rõ ràng, với những gì đã thể hiện, bộ ba này đã góp phần tạo nên một mảng màu riêng, có thể kén khách, có thể không rộn rã... nhưng làm cho bức tranh kịch ở đây hài hòa (và giá trị) hơn.

NSƯT Thành Hội và Ái Như cùng cộng tác với Idecaf từ tháng 3/2001 với vở đầu tiên là Cơn mê cuối cùng. Trong tám năm, không “gây ồn” với những vở mang tính thể nghiệm hay đột phá, nhưng đôi bạn ăn ý trong nghệ thuật này đã lặng lẽ mang đến cho khán giả những tác phẩm kịch nói nghiêm túc, được dàn dựng tinh tế, chắc tay.

Thành Hội với thế mạnh về ý tưởng, cách nhìn theo chiều rộng, Ái Như lợi về chiều sâu và sự tinh tế, kết hợp đã làm nên những sự lột tả khá toàn diện trên sân khấu, từ những lát cắt giản dị, sinh động của đời thường mà họ chọn. Sông dài, Hãy khóc đi em, Ba người đàn ông họ Lôi, Hồn Trương Ba da hàng thịt... là những những minh chứng đẹp đẽ, trong việc góp phần gầy dựng thương hiệu chính kịch nghiêm túc ở Idecaf.

Hơn cả thành công đơn thuần của một tác phẩm kịch nhiều tập (gần như là duy nhất trong kịch nói Việt Nam), chùm ba vở Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em là một kỷ niệm, dấu ấn đẹp của bộ ba Ái Như, Thành Hội, Hồng Ánh trong lòng khán giả.

Họ được một số khán giả xem như là biểu tượng của những nghệ sĩ kịch thiên hướng lãng mạn, tình cảm khi chọn ý tưởng, cách giãi bày một tác phẩm tình yêu đầy thi vị, mang đến cho khán phòng không khí mới mẻ, ấm cúng hiếm hoi giữa thời kịch đang đổ xô theo “ma, gái, gay”...

Chính tác phẩm nhiều tập này cũng khẳng định rõ nét hơn tài năng chín muồi của Hồng Ánh với diễn xuất. Vai Bích Hồng là biểu hiện rõ ràng nhất nét diễn của chị: nhạy cảm, nữ tính, bản năng... Không đình đám như điện ảnh, nhưng với tám năm sống tại Idecaf, Hồng Ánh cũng đã để lại một “dư vị” đẹp đẽ về một nữ diễn viên có nghề. Tay ngang trăm phần trăm, trở thành diễn viên kịch từ việc đi coi kịch quá nhiều và thuộc thoại, cuối cùng Hồng Ánh lại chính là một điểm sáng cho khán giả chuộng phong cách thể hiện tự nhiên, giàu xúc cảm thật (điều rất hiếm ở các diễn viên nữ hiện nay). Có thể nhớ đến “Hồng Ánh kịch nói” qua Diễm (Phép lạ), Chích chòe (Công chúa Chích chòe), Thúy (Nụ cười của biển), Bích Hồng (Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu, Cảm ơn mình đã yêu em)...

Thêm một cánh cửa khép với chính kịch

Ngoài tác phẩm, nghệ sĩ cũng sống với danh tiếng, sự yêu mến của khán giả, nên sự dừng lại của ba tài năng ở một sân khấu mà đèn còn sáng, khán giả còn đông là quyết định khó. Nhất là khi họ vẫn còn đang khỏe mạnh, sung sức (Thành Hội và Ái Như vẫn đều đặn diễn và đang dìu dắt một thế hệ diễn viên mới ở sân khấu 5B, Hồng Ánh vẫn miệt mài đi tìm những vai diễn điện ảnh mới và có nhiều hứa hẹn sẽ trở lại với kịch) thì cách nói “thôi” ở thời điểm này chỉ có thể hiểu vì lòng yêu nghề, tự trọng với nghề. Họ chấp nhận gác lại khi cảm thấy mình lạc lõng, không đủ sự hòa mình vào chí hướng mới của những đồng nghiệp khác, không còn xúc cảm đến nơi làm việc hàng đêm... Và dự cảm, chính mình có thể trở thành “gánh nặng” cho cuộc chơi mới ở đây.
 
Đạo diễn Ái Như trên sân khấu
 

Đã dám sống với nghề, tại sao không vì nó mà đấu tranh thêm (với chính mình)? Câu hỏi ấy họ đã tự hỏi rồi. Nhưng “có cần thiết nữa không” với thực tế cái mạnh (cả cái hay và cái đẹp) gần như đã hiển nhiên thuộc về số đông. Sự ra đi của ba người thiết tha, mặn mà với chính kịch ở một sân khấu được coi là “số một” về doanh thu (sau sự ra đi của Tú Trinh, Minh Nhí, Trung Dân...), liệu có phải là thêm một cánh cửa khép nữa cho “ngôi nhà rường” chính kịch vốn đã kén người từ lâu... của Idecaf nói riêng và kịch TP.HCM nói chung? Nó nhường chỗ cho một không gian mới, với những cánh cửa dễ lay chuyển hơn trước thị hiếu của đại đa số khán giả mới. Điều ấy đáng vui hay đáng buồn, chắc chỉ có khán giả và những người tâm huyết với kịch nói đúng nghĩa mới hiểu rõ mà thôi!.

Đỗ Duy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm