Một cung bậc khác của Cánh đồng bất tận

23/02/2009 14:50 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Vở kịch Cánh đồng bất tận được chờ mong bởi nó được chuyển thể từ tác phẩm văn học từng gây xôn xao dư luận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng không chỉ có thế, trong giới sân khấu, nó được chờ mong bởi “chu kỳ” của đạo diễn Minh Nguyệt: 10 năm mới dựng lại vở mới. (Các vở trước là Tôi chờ ông đạo diễn (tác giả Lê Hoàng, 1988) và Tiếng chim vườn ngọc lan (năm 1998) của nữ đạo diễn này từng rất đình đám).

Và sự chờ mong cũng đặt vào sự tái hợp của 2 nghệ sĩ Khánh Hoàng (vai Út Vũ) - Thanh Thủy (vai Sương, cô gái điếm) sau 20 năm kể từ vở Sông dài. Ngoài ra vở diễn này còn có sự diễn xuất rất đặc sắc, tình tự của Cát Phượng (vai Nương), Hoàng Thành (vai Ðiền) và người tình bên bến sông (do Kim Ngọc đảm trách).

Cuộc “đối đầu” dễ chịu

Những ai đã đọc CĐBT của Nguyễn Ngọc Tư thì sẽ thấy sau cái nhìn cay đắng và nhiều dằn vặt vào đời sống, rõ ràng tác giả đang “đối đầu” với một câu hỏi hiện sinh, khá then chốt: Rốt cuộc, đời này là cái gì, tại sao những vật kia phải sinh ra, phải sống trong một sự phi lý đến như vậy? Và bằng cách lật giở, hé lộ từ từ, tác giả đã “cắt nghĩa” phần nào cái nguyên do nền tảng của vấn đề, mở ra một hướng nhìn vào tâm thức mới của những cuộc đời ở miệt ruộng đồng Nam bộ.
 
Một cảnh trong CĐBT

Khi đi vào vở kịch CĐBT, đạo diễn lại chọn một cách “đối đầu” kiểu khác, không truy vấn về hiện sinh, mà lại nhìn ngắm vào nhân sinh - với tất cả các sinh động của nó. Đạo diễn Minh Nguyệt như muốn khán giả cùng đặt ra câu hỏi cùng vở diễn, vậy thì đằng sau những mảnh đời ấy là gì? Út Vũ, Sương, Nương, Ðiền… sống với diện mạo như vậy, đằng sau cái lớp “áo đời” kia, thực chất họ nghĩ gì, trái tim của họ rung động ra sao? Và cũng chính vì đặt vấn đề như vậy, nên thay vì cắt nghĩa hoàn cảnh sống, đạo diễn đã nhấn vào sâu hơn tâm lý của nhân vật, tìm hiểu những điểm sáng trong tâm hồn họ. Cho nên, khi kết thúc vở diễn, đạo diễn đã “sáng tạo” thêm cảnh người chồng Út Vũ, vợ và cô gái điếm giáp mặt với nhau, hòa giải một chút về cuộc đời; rồi cả cảnh những đứa trẻ - tương lai của xã hội, đã tìm được phía ánh sáng, dù le lói, mong manh.

“Khánh Hoàng diễn tốt vai Út Vũ với bề ngoài cộc cằn thô lỗ nhưng trái tim mong manh dễ vỡ. Thanh Thủy vào vai cô gái điếm nhưng vẫn trong trẻo, lạc quan và đầy yêu thương. Họ thật sự là hai nhân vật đối đầu, gây kịch tính cho vở diễn” - đạo diễn nhận xét. Từ cuộc “đối đầu” của hai nhân vật này trên sân khấu, nếu có dịp đối chiếu, người xem cũng sẽ thấy được cuộc “đối đầu” giữa đạo diễn và tác giả văn học. Rõ ràng, trong cách cắt nghĩa đời sống, họ có nhiều xuất phát điểm khác nhau, nhưng cũng vì vậy mà người xem lại được chiêm ngưỡng một cung bậc khác của CĐBT.

Và cuộc “hòa giải” lạc quan

Trong một phỏng vấn, đạo diễn Minh Nguyệt nói: “Người vợ trong văn học sau khi lỡ bước đã được tác giả cho đi luôn thì sân khấu đưa người vợ trở về trong sự khao khát của người chồng và thương nhớ của hai đứa con... Nhân vật Nương trong văn học là một cô gái yếu đuối, luôn nương tựa vào cậu em nhưng Nương trên sân khấu rất mạnh mẽ, giỏi võ. Ngược lại, Điền là cậu con trai thân hình vạm vỡ nhưng tâm hồn lại mong manh, luôn thương nhớ mẹ. Sự xuất hiện của cô gái điếm khiến Điền lẫn lộn giữa tình yêu của cậu trai mới lớn và tình mẫu tử... Trong văn học, Nương bị bọn cướp hãm hiếp, tôi nghĩ dù sao cũng phải có chút ánh sáng le lói cuối cánh đồng, cũng như sẽ là bất công nếu Nương phải chịu báo ứng từ cách sống vô trách nhiệm của người cha. Vì vậy, tôi cho Nương đủ sức chống trả bọn cướp, còn Út Vũ phải chết trong cô đơn”.

Vở kịch xuất phát điểm từ sự thương lượng giữa đạo diễn và tác giả, để làm sao một tác phẩm thiên về dòng ý thức có thể chuyển hóa thành hành động và tình tiết trên sân khấu. Suốt vở kịch là một cuộc “đối đầu” dễ chịu và cuộc “hòa giải” lạc quan về cách nhìn của văn học và kịch nghệ. Có thể nói đạo diễn đã mất rất nhiều tâm sức cho việc “hòa giải” này, bởi nếu không, khi độc giả văn học mà bị kịch “phản bội” thì sẽ tẩy chay liền; nhưng nếu tuân thủ y nguyên cấu tứ văn học thì vở diễn sẽ rời rạc, khó thu hút. Vở kịch bắt đầu bằng lòng thù hận, sự bội phản, nhưng kết thúc bằng sự tha thứ, yêu thương. “Tiên vị kỷ - hậu vị tha” - là một nhận xét thích đáng cho vở chính kịch này.

Nhận xét về 3 nhân vật chính, đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc viết: “Thành thực, nhuần nhị và không cường điệu là những dấu son mà cả ba nghệ sĩ đã để lại trong không gian khán phòng”. Với mô hình sân khấu quay với hiệu ứng hình ảnh từ mấy phóng, ở một diện tích vài chục mét vuông, cùng khoảng 350 người xoay quanh sân nhỏ ở Kịch 5B, CĐBT như đưa người xem về một cánh đồng thênh thang sông nước, dù cuộc sống đìu hiu nhưng vẫn nhen nhóm lạc quan.
Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm