Kỳ 3: Cần dùng luật để chấn chỉnh

03/03/2009 14:00 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - So với các quốc gia châu Á khác, đua ngựa tại Việt Nam còn hoạt động thiếu sự điều chỉnh từ luật. Việc tuyển lựa, đào tạo nài có nhiều điều bất cập; hoạt động của bộ môn đua ngựa đã bị biến tướng, bóp méo thành hoạt động cờ bạc trá hình.

Cần phải nhìn nhận lại trách nhiệm từ nhiều phía và xây dựng bộ môn đua ngựa để xứng tầm quốc tế.

Những bằng khen này, em đã được nhận từ năm bao nhiêu tuổi?


Sai phạm từ đâu?

Trường đua Phú Thọ với diện tích 48 ha ra đời năm 1932, do người Pháp xây dựng, từng được xếp là một trong những trường đua nổi tiếng nhất châu Á. Sau một thời gian dài đóng cửa, đến năm 1989 trường đua hoạt động trở lại, thuộc quyền quản lý của Sở VH, TT&DL TP.HCM. Trường đua mở cửa mỗi tuần 2 ngày với 9 đợt đua. Số lượng ngựa đăng ký thi đấu chính thức hiện nay lên đến trên 600 con và còn đến vài trăm ngựa dự bị khác, cuốn theo nó là bao nhiêu thân phận nài ngựa mà chúng tôi đã phản ánh trong 2 kỳ trước.

Hoạt động đua ngựa của trường đua Phú Thọ hiện chỉ theo điều lệ được soạn thảo từ Ban Chủ nhiệm CLB Phú Thọ và chưa có luật qui định về hoạt động đua ngựa. Trong khi các quốc gia trong khu vực châu Á đã có Luật đua ngựa và việc tổ chức các hoạt động từ đào tạo nài, tổ chức thi đấu, tổ chức cá cược với các qui định cụ thể và chế tài chặt chẽ.

Đơn cử: Hiệp hội đua ngựa Hàn Quốc (KRA – The Korea Racing Association) là một tổ chức phi chính phủ được thành lập và giám sát bởi Bộ Nông, Lâm nghiệp Hàn Quốc. Nhiệm vụ chính của hiệp hội này là đem đến cho người hâm mộ những cuộc đua hấp dẫn và công bằng. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ sử dụng nguồn tài chính từ các hoạt động đua ngựa cho các hoạt động dịch vụ xã hội.

Riêng đối với các nài ngựa, phải được đào tại bài bản 2 năm tại trường dạy đua ngựa KRA thành lập từ năm 1971. Điều kiện bắt buộc để tham gia dự tuyển, các thí sinh phải tốt nghiệp phổ thông trung học, có độ tuổi từ 17 đến 22, cân nặng từ 50 kg và chiều cao từ 1m68 trở lên. Với chương trình 2 năm, các học viên phải trải qua 300 - 400 giờ học lý thuyết và thực hành.

Trong khi đó, nài tại trường đua Phú Thọ lại dưới tuổi lao động, quá trình đào tạo chỉ 1 tháng rưỡi là trở thành nài tập sự và sau 3 tháng tập sự là trở thành nài chính thức cho một môn thể thao nguy hiểm. Đây là hành vi gây hại đến sức khỏe của trẻ em. Mặt khác, việc đưa trẻ em vào làm một bộ phận trong hệ thống hoạt động cá cược và việc sắp xếp, dàn xếp, mua nài của “thầu ngựa”, chủ ngựa để gian lận được phản ánh trong loạt bài trước là hành vi gây hại đến giáo dục nhân cách của trẻ em. Bên cạnh đó, việc bỏ học tham gia làm nghề nài ngựa sẽ ảnh hưởng đến tương lai của các em.

Theo điều 4, điểm e Nghị định 139/NĐ-CP ban hành ngày 5/9/2007 của Chính phủ có quy định cấm trẻ em được tham gia: “Kinh doanh các loại đồ chơi, trò chơi nguy hiểm, đồ chơi, trò chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự an toàn xã hội”.

Điều 26 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”. Trong điều 33 của luật này cũng qui định về nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cụ thể: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tuyên truyền, vận động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Phát triển phúc lợi xã hội cho trẻ em, tạo cơ hội thuận lợi để trẻ em thực hiện quyền, bổn phận và phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức; Cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp trẻ em”.

Bao giờ mới hết tình trạng trẻ em trên lưng ngựa?


Do vậy, cần có trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc sử dụng trẻ em dưới tuổi lao động thuộc về nhiều phía: từ gia đình, cha mẹ của các em, chính quyền địa phương, chủ ngựa và những kẻ luôn đặt đồng tiền trên tất cả cho đến Ban Chủ nhiệm CLB thể thao Phú Thọ.

Cần có luật điều chỉnh

CLB thể thao Phú Thọ cho biết, ngày 1/1/2009 Bộ môn Đua ngựa của Việt Nam đã được tham gia vào Liên đoàn đua ngựa châu Á. Trước đó,  Bộ môn Đua ngựa Việt Nam đã cử đại diện đi Hàn Quốc và một số quốc gia khác để tìm hiểu, học tập, ứng dụng những thành tựu của bộ môn đua ngựa các nước bạn. Nhưng đến nay, việc học tập, ứng dụng vẫn chưa được thực hiện. Vì sao như vậy? Nhất là việc sử dụng nài nhỏ tuổi?

Hiện nay, giống ngựa thuần chủng là giống ngựa đạt tiêu chuẩn, đủ điều kiện tham dự các cuộc đua tại các trường đua Hàn Quốc, Hong Kong và các nước có bộ môn đua ngựa phát triển trên thế giới. Đối với ngựa thuần chủng thì được điều khiển bởi nài từ 19 tuổi (sau khi tốt nghiệp trường đào tạo nài ngựa) trở lên. Riêng Việt Nam, một cựu nài ngựa cho biết: “Giống ngựa ở ta  không phải thuần chủng (còn được gọi là ngựa cỏ), dáng nhỏ nên phải sử dụng nài nhỏ tuổi và ép cân cho nhẹ kí từ 25- 38 kg. Nài “to xác” là không thể đua được”.

Đua dưới trời mưa tầm tã


Đó là quan điểm sai lầm và không thể vịn vào đó để có thêm một lí do bao biện cho hành vi sử dụng trẻ em trở thành nài. Bởi lẽ, Hàn Quốc vẫn bảo tồn một giống ngựa truyền thống, có kích cỡ, sức khỏe tương đương với ngựa cỏ Việt Nam và không cho phép lai tạo với giống ngựa khác. Hiện nay, Hàn Quốc vẫn tổ chức các cuộc đua với giống ngựa truyền thống và được các nài từ 19 tuổi trở lên điều khiển. Tuy nhiên, cự li đua sẽ ngắn hơn và tốc độ chạy sẽ chậm hơn.

Bên cạnh đó, hoạt động của bộ môn đua ngựa cần phải được điều chỉnh bằng luật, có chế tài chặt chẽ và giải quyết tận gốc vấn đề cá cược, hoạt động của các “thầu ngựa”, các chủ ngựa không vì đam mê bộ môn thể thao “quí tộc”. Cần phải làm trong sạch để trả lại vị trí xứng đáng mà bộ môn này vốn được cả thế giới công nhận.

Cần thiết phải xây dựng một trường đào tạo nài ngựa đúng tiêu chuẩn, chính qui. Bên cạnh đó, việc cá cược nếu được nhà nước cho phép, thì cần được ban hành những qui định cụ thể, nhất là qui định về độ tuổi đủ điều kiện tham gia cá cược.

Trường đua Phú Thọ nhiều năm nay các cơ quan chức năng đã bỏ ngỏ, không kiểm tra, giám sát hoạt động. Đã đến lúc phải nhìn lại mình và điều chỉnh. 

Anh Đức – Phan Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm