Vụ dùng lao động trẻ em tại trường đua Phú Thọ TP.HCM: Cơ quan chủ quản nhận trách nhiệm

28/03/2009 08:10 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nạn sử dụng lao động trẻ em vào việc cá cược đua ngựa tại trường đua Phú Thọ (xem TT&VH số ra ngày 1, 2, 3 tháng 3) vẫn chưa được chấn chỉnh.

Ông Nguyễn Thành Rum, GĐ Sở VHTT&DL TP.HCM đã thừa nhận trách nhiệm để tình trạng này diễn ra trong một thời gian dài. Ông Rum khẳng định sẽ chỉ đạo chấn chỉnh ngay để hoạt động đua ngựa thực sự là một môn thể thao đúng nghĩa.

>>>
Kỳ 3: Cần dùng luật để chấn chỉnh
>>>
Kỳ 2: Đồng tiền và nhân cách
>>>
Kỳ 1: Thân nài trên lưng ngựa

Bao giờ mới yên?


Sở dĩ các thầu “ngựa” trái phép có thể hoạt động công khai, trắng trợn là do được hỗ trợ của hàng trăm chân rết ghi phơi cá cược tại trường đua, cùng với sự quản lý yếu kém của Ban quản lí (BQL) trường đua Phú Thọ. Như đã phản ánh trên TT&VH, hiện nay, trường đua Phú Thọ là nơi diễn ra các hoạt động cờ bạc, mua bán độ và nghiêm trọng hơn là việc sử dụng trẻ em để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng thầu “ngựa”. Tương lai của các em sẽ ra sao? trong khi nhân cách của các em đang bị bóp méo bởi những đồng tiền “bẩn” của những kẻ đặt đồng tiền trên tất cả và từ sự thiếu trách nhiệm của gia đình và các cơ quan chức năng.

Trao đổi với TT&VH, ông Nguyễn Thành Rum, với tư cách lãnh đạo Sở chủ quản thừa nhận trách nhiệm trong công tác quản lí hoạt động tại trường đua Phú Thọ. Ông Rum cho biết: Không chỉ riêng hoạt động của bộ môn đua ngựa có sử dụng lao động trẻ em, mà một số hoạt động khác như sân khấu, bóng đá, Tennis…cũng sử dụng trẻ em. Qua thông tin phản ánh trên TT&VH, lãnh đạo Sở đã có công văn gửi toàn ngành về việc rà soát các hoạt động có sử dụng trẻ em. Riêng với bộ môn đua ngựa, lãnh đạo Sở đã yêu cầu với BQL trường đua Phú Thọ báo cáo tình hình sử dụng nài ngựa tại trường đua. Qua báo cáo của BQL, có khoảng 52 em nài ngựa hiện đang tham gia tại trường đua, năm 2008 có 3 trường hợp dưới 15 tuổi, nhưng tính đến thời điểm này 3 em đó đã đủ 15 tuổi. Nhưng đó chỉ là con số báo cáo từ phía BQL, thực tế tình hình nài ngựa dưới tuổi lao động làm hồ sơ giả cho đủ 15 tuổi đã diễn ra nhiều năm nay và đang tiếp diễn. Bên cạnh đó, Ông Nguyễn Thành Rum thừa nhận BQL trường đua Phú Thọ đã không thực hiện đầy đủ về việc kí hợp đồng lao động đặc biệt đối với trẻ em làm nài ngựa.

Trẻ em “ép xác” trên lưng ngựa


Khi TT&VH đặt vấn đề việc các em nài ngựa làm hồ sơ giả để đủ tuổi theo qui định làm nài ngựa, ông Nguyễn Thành Rum cho rằng đó là trách nhiệm của địa phương chứ không phải là trách nhiệm của Sở. Ông Nguyễn Thành Rum khẳng định nếu phát hiện được thì sẽ báo cho chính quyền địa phương.

Còn đối với các thầu “ngựa” trái phép, theo ông Nguyễn Thành Rum đây là vấn đế đã diễn ra nhiều năm nay, Sở sẽ tiến hành làm việc với cơ quan công an để xử lí tình trạng này, đồng thời, xử phạt mạnh đối với hành vi gian lận của những cá nhân trong quá trình tham gia hoạt động đua ngựa.

Kiến nghị những giải pháp

Vấn đề sử dụng trẻ em trong hoạt động tại trường đua, là điều không thể chấp nhận, nhất là vịn vào lí do khách quan giống ngựa Việt Nam được gọi là ngựa “cỏ” có thể trạng nhỏ. Tại Hàn Quốc cũng có giống ngựa có thể trạng tương tự với ngựa “cỏ” Việt Nam nhưng vẫn được tổ chức giải đua với nài từ 19 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường đào tạo nài ngựa. Vì sao Việt Nam không áp dụng được những qui chuẩn này như các nước khác?

Mặt khác, với độ tuổi của các em đang làm nài ngựa thì các em phải được tiếp tục học hành, không cho phép trở thành nài ngựa. Do vậy, cần phải có trách nhiệm và sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng. Việc làm hồ sơ giả của các nài ngựa chỉ là trách nhiệm của chính quyền địa phương, còn nơi sử dụng nài ngựa thì “nhắm mắt” sử dụng là điều bất hợp lí. Cần xử lí nghiêm những cán bộ địa phương xác nhận “ẩu” và sự thiếu trách nhiệm trong công tác quản lí của Ban quản lí trường đua Phú Thọ.

Để có thể phát triển bộ môn đua ngựa, việc xây dựng trường đào tạo nài ngựa với tiêu chuẩn về độ tuổi, trình độ như các quốc gia khác là điều cần thiết. Sử dụng nài ngựa nhỏ tuổi, phải ăn kiêng để “ép xác”, bỏ học, thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy xấu đối với tương lai của các em.

Hoạt động của các thầu “ngựa” trái phép, đây là hoạt động vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Phải điều tra làm rõ, bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm này.

Đã đến lúc không thể để hoạt động đua ngựa  tiếp diễn bát nháo và phạm luật như hiện nay.

Anh Đức – Phan Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm