Kỳ 2: Đồng tiền và nhân cách

02/03/2009 11:41 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Đua ngựa được xem là môn thể thao giải trí “quý tộc”. Người nước ngoài nuôi ngựa chỉ để thoả niềm đam mê, nhưng ở Việt Nam đó là khái niệm xa xỉ.

Phần lớn họ làm để kinh doanh, kiếm được nhiều tiền, do đó không từ bất cứ thủ đoạn nào. Và để “giúp đỡ” cho những chủ ngựa này là các tay “thầu ngựa” và “chân rết” của chúng. Người thiệt thòi nhất vẫn là những chủ ngựa chân chính và nài ngựa nhỏ tuổi.

Ngựa “nuôi” chủ ngựa

Theo ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Chủ nhiệm CLB thể thao Phú Thọ, hiện nay CLB có khoảng 900 - 1.000 chủ ngựa đang hoạt động, nhưng thực chất chỉ có 500 - 600 chủ ngựa thật sự. Số còn lại là “phát sinh” nhằm trốn thuế nhà nước. Có nhiều chủ ngựa nuôi ngựa chỉ để tranh đua nhằm đạt được tham vọng tiền bạc.

Một nài ngựa với vóc dáng như một đứa trẻ chưa kịp lớn


Chi phí để nuôi một con ngựa đua khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. Theo một chủ ngựa giấu tên: nếu đua chân chính vẫn có thể lấy lại được số vốn trên và có lời, nhưng nhiều chủ ngựa đã chấp nhận bán rẻ danh dự của mình để kiếm tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Ông Huỳnh Thanh Hùng cũng thừa nhận, hiện nay việc chủ ngựa tìm cách… để “được thua” vẫn còn xảy ra tại trường đua, nhưng do chế tài không đáng kể nên nó vẫn tiếp tục diễn ra và chưa có biện pháp ngăn chặn.

Khi được hỏi những chủ ngựa “cầu thua” như vậy được những lợi gì và phía sau họ là ai chỉ đạo thì ông Huỳnh Thanh Hùng từ chối không trả lời. Theo một số chủ ngựa thì nếu chấp nhận thua theo sắp xếp, các chủ ngựa sẽ được mức tiền trung bình khoảng 10-20 triệu đồng. Trong khi nếu đua hết sức chưa chắc đã thắng, mà mức tiền cũng chỉ gần 10 triệu đồng.

Những “chiêu thức” để thua của các chủ ngựa cũng khá tinh vi, rất khó để phát hiện và xử lý. Họ có thể tác động trực tiếp tới ngựa như: chích thuốc ngủ, cho ngựa nhịn đói, ăn quá no, cho ngựa lội nước để oải cơ… khiến cho ngựa không thể đua tốt nhất. Còn chiêu thức nữa là các chủ ngựa mua nài. Một số chủ ngựa nuôi nài ở nhà để dắt và quần ngựa. Vì vậy, những nài này có khi trở thành… người nhà, dễ sai bảo. Theo một cựu HLV tại trường đua Phú Thọ thì “phần lớn nài đều rất nhỏ tuổi, chưa đủ khả năng nhận thức rõ vấn đề. Do đó, chỉ cần bỏ ra 400.000 -500.000 đồng là có thể bảo nài làm theo ý mình”. Đây là thực trạng mà các chủ ngựa đều thừa nhận.

Tại trường đua đều có gắn camera theo dõi, nhưng đối với nài “có kinh nghiệm” thì vượt qua kiểm soát camera không khó. Trên thực tế, các nài vẫn một tay quất ngựa “nhiệt tình”, nhưng một tay lại níu cương. Camera chỉ có thể quay 1 hướng, do đó ở góc khuất, nài hạ tay xuống thấp hơn lưng ngựa là có thể ghì cương mà không ai biết.

Thầu ngựa lộng hành

Tại Việt Nam, đua ngựa được nhà nước cho phép và bản chất là trò chơi có thưởng. Nhưng do không kiểm soát được mặt trái tại trường đua, nên dần dần đã bị biến chất. Một chủ ngựa tại Đức Hoà – Long An khẳng định “bây giờ đua ngựa đã trở thành tệ nạn cờ bạc trá hình”.

Cân trọng lượng sau vòng đua


Như đã nói ở trên, nếu “làm độ” thì chủ ngựa sẽ được một khoản tiền không nhỏ. Việc một số chủ ngựa móc ngoặc với nhau để sắp xếp thứ tự ngựa về đích là không đáng kể, và chỉ là “trò trẻ con”. Mà phía sau họ chính là những “thầu ngựa” giật dây. Những “thầu ngựa” này rất ít khi ra mặt, mà chủ yếu thông qua đám “chân rết” của mình. Trước mỗi cuộc đua, đám “chân rết” lại mang “phơi” ghi cá cược về nộp lại.

Những “thầu ngựa” này, về cung cách làm ăn không khác gì những “thầu đề”. Tuy nhiên, “thầu đề” khó khăn hơn rất nhiều vì phụ thuộc vào kết quả xổ số (thường rất khách quan, khó có thể nhúng tay vào được). Trong khi “thầu ngựa” chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhất định là có thể mua chuộc được kết quả cuộc đua. Do đó, tính công bằng khách quan tại trường đua là “hơi hiếm”.

Được biết, tại trường đua Phú Thọ hiện có khoảng gần 10 “trùm thầu” và khoảng 100 “chân rết” đang hoạt động ráo riết. Chính vì có nhiều “trùm thầu” như vậy nên đôi khi kết quả lại không được như… “sắp xếp”. Chuyện ngựa về “ngược”, “bể kèo” xảy ra thường xuyên.

Việc sắp xếp kết quả không phải quá khó, không ít chủ ngựa dùng mọi thủ đoạn để làm cho ngựa bị thua, nhưng ban tổ chức rất khó phát hiện. Ông Huỳnh Thanh Hùng cho biết, đội ngũ bác sĩ thú y sẽ khám xét ngựa, nếu phát hiện gian lận thì sẽ loại con ngựa đó. Tuy nhiên, một số chủ ngựa có thâm niên trong nghề cho rằng điều đó là rất khó, kể cả tìm bằng chứng việc các nài cố ý thua cũng không hề dễ. Phần lớn nài nằm trong “tầm ngắm” để mua chuộc đều là nài giỏi, có kinh nghiệm. Trong khi chất lượng đội ngũ trọng tài nói chung thường không qua trường lớp đào tạo, không bằng cấp, chứng chỉ nên chuyên môn cũng là dấu hỏi lớn!

Những kết quả được sắp xếp đã được dư luận đồn đại từ rất lâu. Việc xử lý những chủ ngựa đua dàn xếp kết quả cũng chưa đủ nặng, nên không thể hiện được tính răn đe. Chính những vấn đề còn tồn tại như vậy, nên từ một môn thể thao giải trí lành mạnh như đua ngựa đã và đang biến chất, chuyển thành một loại hình cờ bạc trong mắt người xem. Đáng lên án hơn, chính là “trò cờ bạc trá hình” này có liên quan trực tiếp đến nài ngựa, những đứa trẻ còi cọc vì “không được lớn”.

Sử dụng trẻ em dưới tuổi lao động đang là vấn đề không dễ giải quyết, khi giấy tờ của các em nài phần lớn là giả mạo. Đặc biệt khi “bóc lột” sức lao động của các em vào trò cờ bạc, làm huỷ hoại nhân cách của nhiều em là vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Sự việc diễn ra trong thời gian dài, nhưng không cơ quan nào biết?! Theo một người có “địa vị” tại trường đua, thì trường đua ngựa mặc dù trực thuộc Sở VH,TT&DL TP.HCM, nhưng hầu như chẳng cơ quan chức năng nào “nhòm ngó” tới.

Hoạt động của môn thể thao đua ngựa đang có những dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về việc sử dụng lao động chưa đủ tuổi. Những hoạt động của trường đua và cơ cấu tổ chức cần phải được xây dựng lại. Nhưng đó là vấn đề không dễ, khi gốc rễ của những sai phạm đã ăn sâu vào cả hệ thống trường đua.

Kỳ 3: Cần dùng luật để chấn chỉnh

Anh Đức – Phan Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm