Kỳ 1: Thân nài trên lưng ngựa

01/03/2009 12:20 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Cứ mỗi chiều thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần giới cá cược lại đổ về trường đua Phú Thọ - TP.HCM để khóc cười theo từng bước nhảy của ngựa đua.

Trên lưng ngựa, có những em bé “không được lớn” đang phải oằn mình vì cuộc mưu sinh và thất học là “thành quả đạt được” sau khi giải nghệ…

Trẻ không muốn lớn

Tới trường đua Phú Thọ, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là cảnh bát nháo, thiếu tính chuyên nghiệp của môn thể thao được coi là quí tộc này. Ngoài chủ ngựa, nài ngựa và một số ít người yêu thích đua ngựa, thì đa số những người còn lại đến đây hầu như là dân lao động nghèo, làm nghề tự do, buôn bán thậm chí không nghề nghiệp nhưng có cùng một sở thích là đam mê cá cược hơn là giải trí thuần túy.

Chuẩn bị bước vào một cuộc đua dưới mưa


Từ trong nhà cân, các nài ngựa xếp hàng và lần lượt được đọc tên lên bàn cân; đây là thủ tục bắt buộc để các nài bắt đầu đợt đua. Dàn cờ được chuẩn bị sẵn sàng, các “chiến mã” chờ cờ lệnh xuất phát. Cửa chuồng mở, vòng đua bắt đầu, những con  ngựa tung mình lao về phía trước theo tiếng hò reo của khán giả. Trên lưng ngựa, những nài ngựa nhỏ thó với khuôn mặt non choẹt cúi rạp mình, quất roi thúc giục ngựa lao về đích. Những nài ngựa này đều có độ tuổi từ 10 đến 17 và cuộc đời làm nài được bắt đầu từ những hoàn cảnh thật đặc biệt.

Nài L.T.C đến với nghề này từ năm 2006, khi đó em mới 13 tuổi. L.T.C tâm sự: “Vì gia đình em nghèo nên em phải nghỉ học từ năm lớp 5 và theo nghề nài ngựa này. Hằng ngày em đi quần ngựa mướn cho chủ và luyện tập cưỡi ngựa”.

Theo lời L.T.C, mỗi đợt đua vào những ngày cuối tuần, nếu thắng có thể đem về nhà từ 1 đến 2 triệu đồng. Còn nếu thua thì cũng có tiền nhưng ít hơn, khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng, được gọi là tiền “tử” khi bước chân lên lưng ngựa.

Tổ ấm của L.T.C là căn nhà lá tồi tàn “thiếu trước, hụt sau” nằm cuối con đường đất ngoằn nghoèo chạy dài từ lộ lớn thuộc xã Đức Lập, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Mẹ nài L.T.C dáng người khắc khổ èo uột với căn bệnh đau dạ dày hành hạ nhiều năm ra đón chúng tôi, bà cho biết: “Nhà có 4 đứa con, thằng L.T.C là út, nhưng nó là đứa gồng gánh, lo toan và là thu nhập chính cho gia đình. Tôi và ba nó thì không thể lao động được vì sức khỏe yếu quá”.

Theo giới thiệu của L.T.C, chúng tôi được tiếp xúc với các nài khác hiện vẫn đang đua tại trường đua Phú Thọ. Điều cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là các em là những đứa trẻ phát triển không bình thường. Dáng người nhỏ bé, có em chỉ cân nặng 28 kg, còn nếu tăng cân lên đến 38 – 39 kg là phải giảm. Các nài như: N.T.H , N.V.S (tên tại trường đua) kể: Muốn giữ được cân nặng đủ tiêu chuẩn để đua, mỗi bữa các em chỉ được ăn theo kiểu “ép xác” với 1 chén cơm/1 bữa. Có những lúc lên cân hoặc để đủ điều kiện được cưỡi nhóm ngựa nhỏ như nhóm 3, 4, 5, 6, các em phải dùng đến biện pháp giảm cân nhanh bằng cách dùng thuốc xổ, uống thuốc lợi tiểu... cho mất nước nhanh. Chỉ cần dùng 1 liều thuốc có thể giảm cân nặng từ 2 đến 3 kg sau một ngày đêm. Những đứa trẻ này hoàn toàn không bình thường về thể trạng.


Tương lai nào cho các em?

Có khoảng 40 nài đang tham gia thường xuyên ở trường đua Phú Thọ, phần lớn sống ở huyện Đức Hòa (Long An) và ngoại thành TP.HCM như: Hóc Môn, Bình Chánh… Những nài ngựa hầu hết đều xuất thân từ hoàn cảnh gia đình khó khăn, lao vào mưu sinh từ khi còn rất nhỏ, không được học hành đến nơi đến chốn. Khi được hỏi về tương lai, câu trả lời của các em thật đơn giản: “Không biết sau này sẽ làm gì, tới đâu hay tới đó” hoặc “Em chỉ muốn đi dắt ngựa mướn cho chủ”…

Các bậc cha mẹ của các nài trả lời cũng rất vô tư, không chút băn khoăn, khi nói về việc học hành bị gián đoạn của các con: “Nó học tới lớp 5 nghỉ”, “thằng đó thì tới lớp 8 nghỉ”… Đi dọc trên tuyến đường qua huyện Đức Hòa, chúng tôi bắt gặp những tấm áp phích với khẩu hiệu: “Huyện Đức Hòa quyết tâm thực hiện chống mù chữ, phổ cập giáo dục, nâng cao dân trí” và “Thanh niên độ tuổi 15 – 18 phải tốt nghiệp THPT, THCS để vững bước vào cuộc sống”. Những khẩu hiệu đó xa lạ với lũ trẻ làm nghề nài ngựa.

Lại có những mảnh đời được sinh ra và lớn lên thiếu sự quan tâm từ cha mẹ hoặc gia đình có gia cảnh ly tán… Các em ra đời sớm, kiếm được tiền nhưng lại lao vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ăn nhậu, mại dâm và đã có những trường hợp trở thành con nghiện ma túy. Có em khi tiếp xúc, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi thấy các em biểu hiện thái độ rất thiếu văn hóa, thô lỗ và trên khuôn mặt, ánh mắt của các em nét hồn nhiên, trẻ thơ đã mất.


Bà N.T.T.V, mẹ của một nài ngựa ở huyện Đức Hòa kể: “Những nài không có gia đình, cha mẹ bỏ nhau, rồi theo về sống tại chuồng ngựa của một số chủ ngựa thiếu sự quan tâm, dạy bảo nên lao vào đua đòi, ăn chơi”. Một chủ ngựa có thâm niên hơn 20 năm trong làng ngựa TP.HCM thì kể: “Cách đây khoảng 3 năm trước, có 2 nài ngựa chết do chích quá liều. Hiện có một nài ngựa tên K vào nghề nài khi mới 13 – 14 tuổi, nhưng sau đó rơi vào vòng xoáy của ma túy và vừa đi cai nghiện về. K được đánh giá là một nài giỏi, có tầm cỡ. Nhưng không một chủ ngựa nào dám nhận vào làm dù chỉ với “chức danh” dẫn ngựa vì quá khứ ăn chơi, nghiện ngập của K”.

Những biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống của một số nài ngựa không chỉ dừng lại từ nguyên nhân cha mẹ, gia đình thiếu quan tâm mà còn từ những kẻ đam mê cá độ, đã mua chuộc, dụ dỗ các nài ngựa thực hiện những hành vi gian lận trong thi đấu. Hành vi nghiêm trọng này đã diễn ra nhiều năm nay.

Anh Đức – Phan Vũ     

Kỳ 2: Đồng tiền và nhân cách

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm