Tài năng ca hát đâu rồi?

26/05/2012 13:42 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát, nhưng thị trường âm nhạc không nhờ thế mà được cải thiện. Những gương mặt mới mà công chúng biết đến chỉ là do họ xuất hiện dày đặc trên sóng truyền hình trong thời gian diễn ra cuộc thi chứ chưa thể thuyết phục đông đảo khán giả để họ thừa nhận là một tài năng ca hát thật sự.

Đã nhiều năm nay những cuộc thi ca hát “truyền thống” có phạm vi tuyển sinh trên toàn quốc có thể kể như: Sao Mai, Sao Mai - Điểm hẹn (SM-ĐH), Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Tiếng ca học đường. Từ 2007 có thêm Vietnam Idol và năm nay thêm 2 chương trình Ngôi nhà âm nhạc Giọng hát Việt nhập cuộc. Đó là chưa kể Vietnam’s Got Talent vừa kết thúc - một cuộc thi tìm kiếm tài năng nói chung mà trong đó tỷ lệ ca hát chiếm phần lớn.

Tuy nhiên, những tài năng được tìm kiếm qua các cuộc thi thì vẫn “làng nhàng”, có người mất bóng trong đời sống âm nhạc. Không chinh phục được khán giả Việt Nam chứ đừng nói là tỏa sáng trên trường quốc tế. Liệu Ngôi nhà âm nhạc và Giọng hát Việt có giúp cải thiện việc tìm kiếm tài năng ca hát?



Ngậm ngùi tài năng từ các cuộc thi

Có lẽ sẽ quá khập khiễng khi so sánh người đoạt giải Vietnam IdolAmerican Idol. Thế nhưng cũng có một chút ngậm ngùi khi quán quân của họ thì “nổ tung” trên thế giới, còn quán quân của Việt Nam thì như… bom xịt. Ở American Idol 2002 , sau khi Kelly Clarkson đăng quang ngôi vị quán quân, liên tiếp các album của ca sĩ này làm mưa làm gió trên US Billboard (album Thankful chiếm vị trí quán quân, album Breakaway ngay tuần đầu tiên đã nằm ở vị trí thứ 3) và 4 năm sau Kelly Clarkson giành được giải Album nhạc pop của năm và Nữ nghệ sĩ trình diễn xuất sắc nhất của Grammy 2006.

Nữ quán quân American Idol 2005 Carrie Underwood thì chỉ 2 năm sau đoạt giải Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất của Grammy (2007). Những “idol” thường thường bậc trung của American Idol như quán quân Davik Cook, á quân David Archuleta cũng tạo được ảnh hưởng tới nhiều nước trên thế giới và đã đến Việt Nam biểu diễn trong sự trọng vọng của showbiz Việt.

Hiện tượng Susan Boyle, dù cô không đoạt giải gì trong Britain’s Got Talent 2009 (chương trình có phiên bản như Vietnam’s Got Talent), nhưng bài hát I Dreamed A Dream mà cô trình diễn trong cuộc thi sau khi tung lên mạng YouTube nó đã trở thành cơn sốt thực sự, khi chưa đầy 1 tuần đã có gần 50 triệu lượt nghe.

Nói lên điều đó để thấy rằng cái “nền tảng cơ bản” về ca hát của các nước là khá cao, rất khác với ở Việt Nam. Vì vậy, có lẽ điều cần làm nhất là làm cách nào để nâng cao “nền tảng cơ bản đó”, khi trình độ của phong trào ca hát đạt đến ngưỡng cao thì mới mong có những tài năng đích thực.

Tuy nhiên, nhiều năm qua và hiện nay, việc nâng cao trình độ thẩm mỹ âm nhạc đại trà của công chúng, cũng như việc mở ra những khoa, trường dạy nhạc nhẹ một cách bài bản và đúng nghĩa, không được chú trọng. Chẳng ai quan tâm đầu tư đến việc đào tạo mà chỉ chăm chăm đi tìm kiếm nhân tài với những cuộc thi, đó là một nghịch lý, nhưng nó đã và đang diễn ra.

“Càn quét” tài năng trong vô vọng?

Có thể ví như một hồ cá, không có thời gian nuôi dưỡng, đầu tư cho cá mà những người chài lưới cứ thay nhau liên tục thả lưới càn quét. Ban đầu được cá lớn sau đó cá bắt được càng lúc càng bé dần và có khi không có con cá nào đáng để bắt. Những cuộc thi cũng tương tự như thế, ví dụ ca sĩ SM-ĐH lứa đầu tiên (2004) có Tùng Dương, Ngọc Khuê đầy cá tính và nhiều gương mặt khá chất lượng khác như Kasim Hoàng Vũ, Nguyễn Ngọc Anh, Lưu Hương Giang, Thái Thùy Linh… Đến mùa SM-ĐH 2006, chất lượng giảm đi một chút với những gương mặt như Phạm Anh Khoa, Hà Anh Tuấn, Nguyễn Hoàng Hải… Đến SM-ĐH 2008 thì không thể tìm được gương mặt nào để trao giải của Hội đồng nghệ thuật. SM-ĐH 2010, hai gương mặt nổi bật nhất: Minh Chuyên (giải thưởng của Hội đồng nghệ thuật) và Lương Viết Quang (giải thưởng do khán giả bình chọn) trong gần 2 năm qua họ không có một tác động nào đáng kể trên thị trường âm nhạc.

Nhiều cuộc thi ca hát khác đa số cũng lâm vào tình trạng tương tự. Có lẽ nhiều người biết điều này nhưng lực bất tòng tâm?

Tuy nhiên, các nhà sản xuất chương trình thì vẫn “say máu” với chuyện bắt cá, nhiều chương trình được xem là “khủng”, mua format từ nước ngoài với giá hàng triệu USD, tổ chức cuộc thi rình rang hàng tháng trời. Hầu như việc tìm kiếm được tài năng ca hát hay không, không còn là mối bận tâm đối với các nhà sản xuất. Tất cả đang bị cuốn vào trào lưu truyền hình thực tế của ngành truyền hình Việt Nam trong thời gian gần đây. Miễn là chương trình hấp dẫn (kể cả tạo nên những scandal để chương trình được chú ý), thu hút được đông đảo khán giả xem đài, kéo theo việc thu hút lượng quảng cáo lớn với giá cao ngất trời và đó cũng là mục đích cuối cùng của những cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát?

Với thực tiễn như hiện nay, các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát thực chất chỉ là những gameshow kiếm tiền trên truyền hình, chứ tài năng ca hát đâu ra mà tìm kiếm?

Hải Long


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm