NSND Thanh Hoa: Tôi không thể vượt qua tuổi trẻ của chính mình

14/05/2012 14:30 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Vắng bóng trên sân khấu âm nhạc đã lâu nhưng NSND Thanh Hoa vẫn không ngừng hoạt động "ngầm" với các dự án riêng của mình. Trong tháng 5/2012 này, chị sẽ cho ra mắt hai trong số ba dự án của năm 2012: CD Thanh Hoa - Một chặng đường nghệ thuật và Tàu anh qua núi.

Ở tuổi này, NSND Thanh Hoa nói rằng thật khó để làm mới mình vì theo thời gian, mọi thứ cũng sẽ trôi đi. Tuy nhiên, những kỉ niệm về âm nhạc trong chị thì không thể mất đi và làm CD chính là để lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ đó. 


NSND Thanh Hoa

Bất ngờ với giọng hát thuở đôi mươi

* Với 40 ca khúc và hai dự án thực hiện cùng lúc. Chị xử lý thế nào về phần thu âm để đạt chất lượng tốt nhất?

- Có thể nói, Thanh Hoa - Một chặng đường nghệ thuật là sự tái hiện cuộc đời làm nghệ sĩ của tôi một cách đầy đủ nhất. Từ 1976 – 2006, tôi chọn 30 ca khúc cho 3 album, mỗi album là một giai đoạn trong sự nghiệp, đánh dấu những bước đổi thay trong tiếng hát của mình. Từ lúc tiếng hát của Thanh Hoa như chim sơn ca suốt ngày véo von cùng thiên nhiên buổi bình minh, đầy sức sống của tuổi trẻ và sự hồn nhiên trong tâm hồn (giai đoạn 1976 - 1986, khi tôi mới về Đài Tiếng nói Việt Nam) đến giai đoạn tiếng hát đã trở thành một công cụ văn hóa, đi vào xã hội với trách nhiệm của người nghệ sĩ ( 1986 - 1996) và khi cuộc đời đã trả giá hơn trong tiếng hát ( 1996 - 2006) thì tiếng hát đã trở nên đằm thắm, khắc khoải bên cạnh sự điêu luyện về mặt kỹ thuật. Với những mong muốn đó, các bản thu âm này sẽ được giữ nguyên và chỉ "nâng cấp" về âm thanh cho tốt hơn.

Còn CD Tàu anh qua núi có khoảng 10 ca khúc. Trong đó, sẽ có những bản được thu mới, có những bản được giữ nguyên vì thời gian thu những ca khúc trong CD cũng khá gần đây (2006 - 2011).

* Chị có gặp khó khăn gì với những bản thu âm mới ở thời điểm này không khi mà với ca sĩ, tuổi tác cũng là vấn đề (NSND Thanh Hoa hiện đã bước sang tuổi 60 - PV)?

- Không khó khăn gì vì kỹ thuật thu âm hiện nay rất hiện đại. Nếu ngày xưa, hát sai chỉ một từ, phải thu lại cả bài thì bây giờ, sai chữ nào sửa chữ đấy nên rất nhanh và nhàn. Tuy nhiên, khi kỹ thuật đã ở đỉnh cao thì cái khó là hát làm sao có tình. Mình có thể phô diễn kỹ thuật nhưng đó chỉ có thể gọi là diễn chứ không thể diễn được với cái tình mà mình cần phải có khi hát.

* Những ca sĩ trẻ hiện nay, mỗi khi hát lại những ca khúc đã thành danh của các tiền bối, thường phải cố gắng làm mới từ hòa âm đến việc xử lý bài. Nhưng dường như họ đều bất thành trước tiếng hát của chị ...

- Có lẽ là thời thế tạo anh hùng chăng? Vì bây giờ, việc học tập để đạt kỹ thuật tốt là không khó. Nhưng để hát bằng cảm xúc thì phải có trải nghiệm mà những ca sĩ trẻ bây giờ, họ không được sống trong khoảnh khắc của lịch sử, như đứng ở đầu tàu chờ thông cầu giữa hai miền Nam - Bắc với sự náo nức của con tim, sự hồi hộp, mong chờ. Hay khi nhắc đến Làng lúa làng hoa, tôi lại nhớ đến lần đi hái trộm một bông thược dược ở đấy mà suýt nữa thì bị chó cắn. Bây giờ làm thế nào để có được một làng hoa như thế để con người ta rung động mà hát hay được?

Hơn nữa, ngày xưa, những bài hát luôn có ý nghĩa, đặc biệt là về ca từ cũng là vì ở thời đó, người ta khao khát cuộc sống hòa bình, muốn được bình yên nên họ biết chắt chiu, nâng niu, trân trọng. Một cuộc sống hoàn toàn khác với bây giờ mà âm nhạc là đời sống nên không thể lấy thời này so sánh với thời kia.

Thực sự, khi thực hiện dự án này, tôi cũng bất ngờ khi được nghe lại giọng ca trong veo, cao vút thuở đôi mươi của mình. Bây giờ bảo tôi hát thế thì tôi chịu đấy. Mà có cho tôi về lại 20 tuổi ở thời điểm này thì tôi cũng không thể chọn được một lối đi đẹp như Em chọn lối này của mấy mươi năm trước. Tôi không thể vượt qua được tuổi trẻ của chính mình thì cũng không thể khắt khe, đòi hỏi quá nhiều ở lớp trẻ bây giờ. Sự làm mới của các bạn là đáng ghi nhận, tuy nhiên, không nên làm mới một cách “méo mó” hoặc “biến dạng” tác phẩm. 


Bìa đĩa CD Tàu anh qua núi.

 Đã có lúc sợ phải "đi tàu qua núi"

* Không phủ nhận Tàu anh qua núi đã là “thương hiệu” của NSND Thanh Hoa từ rất lâu rồi. Nhưng tại sao đến giờ này, chị mới cho ra đĩa?

- Một lý do chung dành cho các dự án của tôi, đó là những món quà mà tôi muốn dành tặng cho những khán giả yêu thích tiếng hát của mình. Riêng với CD Tàu anh qua núi  - tên gọi này đã gắn liền với sự nghiệp của tôi từ rất lâu rồi nên cũng rất đáng để làm một CD như vậy.

* Đến thời điểm này, chị có nhớ mình đã hát bao nhiêu lần ca khúc Tàu anh qua núi không?

- Không thể nhớ nổi. Chỉ biết là nhiều nhất trong số những bài mình đã hát. Mỗi đêm diễn là hát một lần, hơn 40 năm hát rồi nhân lên …

* Vậy có khi nào chị cảm thấy chán vì đã hát ca khúc này quá nhiều không?

- Tôi không thể chán được vì mỗi khi đi hát, chính khán giả là người yêu cầu được nghe bài đó. Mà mỗi lần đứng trên một sân khấu với những đối tượng khán giả khác nhau, tôi luôn cảm thấy mới mẻ khi thể hiện ca khúc này.

Song thú thật, nhiều lúc tôi cũng thấy sợ phải "đi tàu qua núi" lắm vì “kho tàng” của mình có đến hơn 500 bài hát nhưng hầu như lần nào đi diễn, cũng được đề nghị hát Tàu anh qua núi. Có một tối mà tôi phải hát bài này đến 3 lần, kể cũng thấy... sợ.

 Hà Nội bây giờ không còn văn hóa nghe?

* Hình như chị cũng vẫn còn nặng lòng với việc đóng cửa quán Aladin. Có khi nào chị nghĩ sẽ mở cửa trở lại không?

- Kỉ niệm với Aladin luôn hiện hữu trong tôi nhưng chắc sẽ không mở lại được vì bây giờ Hà Nội đã không còn văn hóa nghe nữa rồi. Không còn chứ không phải là ít đâu nhé. Trong bao nhiêu năm hoạt động tại đây, tôi thấy sự thật buồn là những khán giả đến nghe rất ít người là người Hà Nội, chủ yếu là những người xa quê hương hoặc họ ở những nơi khác đến.

Đóng cửa được 3 năm rồi mà có lần tôi vẫn nhận được điện thoại gọi  đến hỏi: "Hôm nay chị có hát ở Aladin không?" thì tôi làm sao còn "niềm tin" để "tái xuất"?

* Vậy công việc yêu thích nhất của chị lúc này là gì?

- Là được dạy học ở Trường Tinh hoa Nghệ thuật Việt với những học sinh không chuyên nhưng đam mê ca hát và cũng rất tài năng.

Lam Ngọc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm